Châu Âu mâu thuẫn nội bộ vì kế hoạch "cai" khí đốt Nga
Kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" khí đốt của EU không nhận được sự đồng thuận của toàn bộ các thành viên liên minh (Ảnh minh họa: Reuters). |
Reuters ngày 6/8 dẫn một văn bản do Séc công bố, cho biết Ba Lan và Hungary đã từ chối ủng hộ kế hoạch của EU nhằm kêu gọi các thành viên trong khối cắt giảm tiêu dùng khí đốt 15% tới tháng 3 năm sau.
Động thái của EU diễn ra trong bối cảnh nhiều nước trong liên minh đang gặp khó khăn trong việc lấp đầy kho dự trữ khí đốt khi mùa đông lạnh giá đang tới gần. Bên cạnh đó, căng thẳng với Nga trong thời gian qua khiến lượng khí đốt Moscow cấp cho EU giảm mạnh. Giá năng lượng tăng vọt dẫn tới lạm phát phi mã ở một số nước phương Tây.
Chính vì vậy, EU đã kêu gọi các nước cắt giảm sử dụng khí đốt, trong khi họ đang nỗ lực tìm nguồn cung đủ lớn nhằm thay thế Nga - một điều mà các chuyên gia đánh giá là không dễ dàng.
Theo Reuters, Hội đồng châu Âu đã thông qua kế hoạch kêu gọi các nước tự nguyện cắt giảm khí đốt. Tuy nhiên, theo văn bản do Séc công bố, chỉ có 15/28 nước thành viên bày tỏ sự ủng hộ với sáng kiến này.
Sự phản đối các thành viên không ảnh hưởng tới việc EU thông qua kế hoạch, vì nó chỉ cần quá 50% các nước thông qua là có hiệu lực. Mặc dù vậy, nó cho thấy sự bất đồng trong quan điểm của EU liên quan tới các vấn đề ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia như an ninh năng lượng.
Hungary, quốc gia đang đàm phán để mua thêm khí đốt từ Nga, đã phản đối kế hoạch này ngay từ đầu. Theo văn bản mà Reuters tiếp cận được, Budapest đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của kế hoạch, quan ngại nó sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của Hungary.
Trong khi đó, Ba Lan ban đầu đã đồng ý với kế hoạch cắt giảm tiêu thụ khí đốt, nhưng hôm 5/8, họ đã bỏ phiếu chống lại kế hoạch này. Warsaw cho rằng, cơ sở pháp lý của kế hoạch vẫn thiếu sót và các quyết định liên quan tới hợp tác về năng lượng giữa các nước EU cần phải có sự đồng thuận của tất cả các thành viên.
Kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" khí đốt của EU không có tính bắt buộc trừ khi EU kích hoạt tình trạng báo động về an ninh nguồn cung khí đốt. Ngoài ra, nó cũng có một số ngoại lệ. Cụ thể, các nước không liên kết với mạng lưới khí đốt của EU không phải thực thi sáng kiến. Mặt khác, các thành viên có thể yêu cầu nới lỏng các điều kiện nếu họ dự trữ đủ khí đốt hoặc nếu các ngành công nghiệp quan trọng chiến lược của họ phụ thuộc nhiều vào khí đốt.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 26/10: Nợ nước ngoài của Chính phủ giảm nhanh
-
Thiếu hụt khung pháp lý - Rào cản giảm tốc hình thành thị trường carbon
-
Online Friday 2024: Lan tỏa giá trị hàng Việt Nam trên nền tảng số
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 21/10 - 26/10
-
Giá vàng hôm nay (26/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh