Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

"Cánh cung" của Đỗ Bảo

19:20 | 16/01/2014

1,245 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Cánh cung 3” của nhạc sĩ Đỗ Bảo đã ra đời sau 5 năm dài chờ đợi. Album vừa phát hành đã phải tái bản liên tục. Đỗ Bảo làm liveshow “Cánh cung” kỷ niệm 20 năm sáng tác của mình. Cung Hữu nghị Việt - Xô chật kín người. Sau đó, hai đêm nhạc của anh ở Sài Gòn khán giả cũng chen kín lối… Có thể nói, hiếm có nhạc sĩ nào làm được điều điều đó trong thời điểm “chết” của đĩa nhạc gốc, của âm nhạc đại chúng!

Năng lượng Mới số 291

Năm 2004, “Cánh cung 1” ra đời, năm đó tôi vừa vào đại học và cũng bắt đầu nghe và yêu thích nhạc Đỗ Bảo từ đó. Có thể nói đĩa “Cánh cung 1” là một tập hợp những giai điệu đẹp, có lẽ vì thế mà sau 10 năm người ta vẫn còn mê mẩn và thuộc làu nhiều bài trong đĩa này. 10 năm qua rồi với biết bao những đổi thay, nhưng có những đêm tĩnh lặng tôi vẫn nằm nghe Hồ Quỳnh Hương da diết với “Bức thư tình thứ 2”, Tấn Minh với “Bức thư tình đầu tiên” đầy chan chứa; những bài hát này tôi vốn đã nghe từ 10 năm trước. Âm nhạc của Đỗ Bảo là những gì đó rất gần gũi, thân thuộc. Ở mỗi ca từ, giai điệu người nghe thấy thấp thoáng hình ảnh chính mình, tình yêu của chính mình trong đó. Có thể nói Đỗ Bảo đã kết nối thành công âm nhạc của mình đến trái tim người nghe, thế nên âm nhạc anh có sức sống bền lâu là thế!

Năm 1998, năm Đỗ Bảo mới 20 tuổi thì anh đã có sáng tác được yêu thích; đó là ca khúc “Ngày tháng mong chờ” do Tam ca 3A thể hiện, ca khúc này đã lọt vào Top ten “Làn sóng xanh”. Năm 2000, ca khúc “Bài hát cho em”, một ca khúc alternative rock được Trần Thu Hà biểu diễn rất thành công trong chương trình “Gala 2000”. Cũng trong thời gian này, Trần Thu Hà và Minh Quân cũng thường xuyên song ca ca khúc “Cánh buồm đỏ thắm”. Đến năm 2002 thì Đỗ Bảo thực sự được biết đến một cách rộng rãi khi tham gia hòa âm cho toàn bộ chương trình và album “Nhật thực” của Trần Thu Hà và Ngọc Đại. Kể từ khi ra mắt, “Nhật thực” đã gây được tiếng vang lớn bởi chất âm nhạc mới lạ về cả ca từ, giai điệu, phong cách trình diễn lẫn phối khí. Chương trình đã được giới phê bình đánh giá là một hiện tượng âm nhạc đặc biệt trong năm 2002, đánh dấu sự đổi thay trong phong cách âm nhạc và nghệ thuật trình diễn. “Nhật thực” cũng đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc của Đỗ Bảo, tất nhiên là cả Hà Trần và Ngọc Đại.

Đến năm 2004, Đỗ Bảo mới thực sự gây chú ý với tư cách cá nhân qua album tác giả “Cánh cung 1”. Đúng 4 năm sau, năm 2008, Đỗ Bảo cho ra mắt album riêng “Cánh cung 2 - Thời gian để yêu”. Năm 2013, Đỗ Bảo khép lại dự án Cánh cung và những ca khúc viết về tình yêu của mình bằng album “Cánh cung 3 - Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta”.

4, 5 năm cho một album tác giả, có lẽ ở thời buổi âm nhạc hiện tại hiếm có ai sản xuất một album gồm những bài hát của chính mình mà chậm rãi đến như thế! Đó là do sự cạn - đầy của kho giai điệu hay tác giả đang chờ đợi một điều gì đó mà phải thời gian 4, 5 năm mới đủ dài để nhận ra?! Tôi mang thắc mắc này hỏi Đỗ Bảo, anh cho biết: “Tôi phải đợi dù tôi cũng mong sẽ có đĩa nhạc mới sớm hơn. Tôi viết nhạc không nhanh, sản xuất mỗi album xong tôi thường phát sợ khi nghĩ lại những gì mình đã bỏ ra, thời gian, suy nghĩ, sức lực, từng công việc nhỏ hay to… Đó là khoảng thời gian mà trí sáng tạo của tôi thường trống rỗng!”. Cũng nói thêm một điều rằng, trong âm nhạc Đỗ Bảo nổi tiếng là một người cẩn trọng, khó tính và đôi khi khá cực đoan!

Nói một chút về “Cánh cung 3”, giai điệu vẫn nhẹ nhàng, da diết như 2 “Cánh cung” trước, song phần ca từ thì mang một màu sắc mới, một Đỗ Bảo mới. Trong lần trò chuyện với người viết bài gần đây, Đỗ Bảo cũng cho biết anh đang hướng đến âm nhạc mang tính tư duy, trải nghiệm, mang màu sắc triết lý nhân sinh hơn là những tình yêu đơn thuần. “Tình yêu trai gái không còn là trung tâm tác phẩm nữa, nó là cái cớ để tôi xây dựng các hình tượng mới lạ hơn. Tôi muốn các tác phẩm tích hợp nhiều hơn những nội dung và tình yêu đôi lứa vẫn sẽ xuất hiện nhưng nó sẽ chỉ nên chiếm một lớp không gian nào đó trong tác phẩm sau này. Nhưng nếu khán giả muốn tiếp cận một bài hát của Đỗ Bảo như một bài hát về tình yêu thì những tác phẩm ấy vẫn sẽ đáp ứng sâu sắc tâm lý đó ở khán giả. Tôi thích các lớp không gian cảm xúc sinh động và linh hoạt, ngoài việc chúng ta chân thực” - Đỗ Bảo chia sẻ!

Trong họa động âm nhạc của Đỗ Bảo cũng giống như cuộc sống thực tế và con người anh lâu nay vậy, lúc nào cũng nhẹ nhàng, trầm tĩnh. Đỗ Bảo ghét đàn đúm, thích biệt lập và thậm chí cô độc. Đỗ Bảo thú nhận bản thân anh là người khó tính, anh cho biết đòi hỏi ở người chơi nhạc hơi khó tính hơn người khác. Và đòi hỏi đó nó là một rào cản, bức tường mà chính anh nhận thức ra và có chủ trương tạo dựng ra nó. Ai mà vượt qua tường đó đến với Đỗ Bảo thì mới gọi là người thâm thủy với Đỗ Bảo được. Tức là họ thực sự yêu âm nhạc của anh.

Người ta thích Đỗ Bảo không đơn giản chỉ vì âm nhạc của anh là nghệ thuật thật sự, tách bạch hẳn với số đông bát nháo bây giờ mà còn là vì tính cách con người anh. Đỗ Bảo thật thà, khiêm nhường và mộc mạc đến lạ thường. Đỗ Bảo có thể viết ra những ca từ rất sâu sắc nhưng khi nói trên sân khấu, trước đám đông thì anh thường rất vụng về. Đã 15 năm qua, đến khi làm một liveshow cho mình thì Đỗ Bảo mới khoe là tự tay đi chợ, đi may cho mình một bộ đồ mới! Làm album “Cánh cung 3” với biết bao công sức và tiền của bỏ ra nhưng Đỗ Bảo chỉ mong lấy chính đồng tiền thu về từ việc phát hành album này để mua... một cây đàn. Nghe niềm mong ước ấy có chút gì đó chua cay, tự mỉa mai và cũng khá khôi hài!

Tôi nhớ vào khoảng năm 2007, tôi có ngồi cà phê cùng Đỗ Bảo tại Sài Gòn, đó là lần duy nhất cho đến bây giờ. Tôi vẫn còn nhớ khi ấy có nhắn cho anh một cái tin, chỉ gọi là hú họa vì không chắc sẽ gặp được anh, Đỗ Bảo ở Hà Nội còn tôi thì Sài Gòn. Nhưng Đỗ Bảo đã trả lời và trong một lần vào Sài Gòn công tác, anh đã chủ động hẹn gặp tôi. Buổi gặp ấy không chỉ là một buổi phỏng vấn, tôi và anh trò chuyện về những sáng tác của anh cũng như một câu chuyện tình thời sinh viên của tôi gắn với ca khúc “Bức thư tình thứ 2” của anh. Thế thôi, nhưng 5 năm sau, Đỗ Bảo vẫn nhớ về câu chuyện ấy! Điều đó làm tôi hơi ngạc nhiên về người nhạc sĩ nổi tiếng này. Thật ra thì đó cũng không phải là điều gì quá to tát nhưng nó hiếm hoi trong giới nghệ thuật vốn dĩ nhiều giả tạo và phù phiếm này. Đỗ Bảo chia sẻ rằng, với mỗi một người đã từng gặp hay chia sẻ với nhau đôi điều nào đó trong đời thì đối với anh đó cũng là cơ duyên, là một mảnh ghép nho nhỏ của số phận mình và bản thân anh lại rất coi trọng mỗi chi tiết dù nhỏ bé!

Có lẽ, Đỗ Bảo đã chứng minh một chân lý rằng: thông qua tác phẩm, công chúng biết đến tác giả nhưng để có cảm tình với tác giả thì không phải chỉ cần một tác phẩm hay mà bản thân họ, những người nghệ sĩ phải được người ta thấy quý mến qua lối sống, văn hóa, đạo đức! 

Trúc Vân