Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Cẩn trọng với “bom thư”

07:12 | 06/11/2014

848 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên tục những vụ “bưu phẩm” phát nổ khiến nhiều người thương vong đang dấy lên hồi chuông cảnh báo về thủ đoạn gây án mới và dã man này. Từ những món quà nhỏ với trang trí đẹp mắt chuyển đến người nhận nhưng bên trong chứa thuốc nổ hoặc độc hại đã gây ra những hậu quả đau lòng. Chuyên gia pháp lý nhận định: “Bom thư” là thủ đoạn phạm tội du nhập từ nước ngoài. Bản thân cơ quan điều tra gặp không ít khó khăn mới có thể lần ra thủ phạm.

Năng lượng Mới số 371

Gói hàng phát nổ

Liên quan đến vụ nổ hộp quà “lạ” trên xe khách giường nằm BKS: 29B 05617 khiến ba người bị thương nặng vào ngày 30/9, Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố, bắt tạm giam Lê Đức Đệ (27 tuổi, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) về hành vi giết người. Đệ chính là đối tượng trực tiếp chế tạo mìn rồi cho vào chiếc loa nghe nhạc mini và gửi xe khách nói trên.

Sau 26 ngày tích cực điều tra, cơ quan điều tra đã xác định nghi can là Lê Đức Đệ. Thời điểm khám xét tại nơi ở của đối tượng, công an còn thu được một lượng thuốc nổ công nghiệp. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Đệ cúi đầu nhận tội và khai rõ toàn bộ quá trình phạm tội của mình. Đệ khai: Ngày 19/9, Đệ cắt đôi vỏ chai nước giải khát C2 rồi bỏ thuốc nổ công nghiệp A-mô-nít và 2 kíp nổ vào để chế tạo mìn. Y dùng giấy trắng bịt kín và lấy băng keo dán kín lại một cách cẩn thận. Sau đó mở chiếc loa nghe nhạc ra, cho quả mìn tự tạo vào trong, đấu dây kíp mìn với công tắc điện của chiếc loa rồi lắp lại.

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng - Kỷ luật (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Ba ngày sau, Đệ mang chiếc loa có gắn mìn vào TP Vinh bằng xe máy. Khoảng 18 giờ cùng ngày, Đệ thuê phòng nghỉ ở phường Hưng Dũng, TP Vinh, tại đây Đệ cho chiếc loa có chứa chất nổ vào thùng cát tông, bên ngoài ghi địa chỉ, tên và số điện thoại của người nhận là anh L.C.T thuộc một cơ sở sản xuất kinh doanh cửa nhựa tại tỉnh Thanh Hóa.

Ban đầu đối tượng bắt xe taxi đến Bưu điện Nghệ An và định gửi qua đường bưu điện. Tuy nhiên, sau đó y đã thay đổi kế hoạch và quyết định vào bến xe Vinh nhờ nhà xe chuyển “món quà chết người” ấy đến tay người nhận. Đệ gặp anh Trần Văn Quý là phụ xe ôtô khách mang BKS 29B-05671, nhờ chuyển “gói quà” đến người nhận ghi trên hộp quà, với số tiền cước là 45.000 đồng. Tuy nhiên, do số điện thoại ghi trên hộp quà có sự nhầm lẫn giữa số 5 và số 8, nên người nhà xe gọi không đúng người nhận. Nhà xe gọi lại cho “người gửi” theo số điện thoại đã cho, thì thuê bao tắt máy, không liên lạc được.

Đến trưa 30/9, sau gần một tuần cũng không thấy “người gửi” và “người nhận” có ý kiến gì về “món quà” nhờ chuyển, phụ xe là anh Thái Viết Hảo mở “gói hàng” ra xem, phát hiện đây là chiếc loa nghe nhạc. Khi anh Hảo cắm dây loa vào nguồn điện thì “chiếc loa” phát nổ, khiến anh Hảo, cùng tài xế Phan Đình Ninh và phụ xe Trần Văn Tam đều bị trọng thương.

Sau một thời gian được cứu chữa ở Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, cả ba nạn nhân đã được chuyển ra Hà Nội tiếp tục điều trị. Riêng nạn nhân Hảo phải cắt bỏ cả hai bàn tay và hỏng mắt. Hiện đối tượng Lê Đức Đệ đang bị tạm giam để điều tra về hành vi “giết người”.

Thời gian qua, tại các địa phương khác cũng xảy ra nhiều vụ việc tội phạm sử dụng cách thức gây án bằng “bưu phẩm”. Khoảng đầu năm 2014, tại xã Trung Tiến, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa đã xảy ra vụ gài trong trong chiếc đài cassette, sau đó gửi xe khách đến gia đình anh Đỗ Hữu T. Do tưởng đây là quà sinh nhật được gửi đến mừng cho con, anh T cắm điện, thì bất ngờ một tiếng nổ lớn phát ra, khiến anh thiệt mạng. Vợ anh T và con nhỏ cũng bị thương nghiêm trọng. Tại Hải Phòng, khoảng tháng 3/2014 cũng xảy ra vụ việc bưu phẩm không rõ người gửi đến một công ty khiến nữ kế toán khi kiểm tra thì gói bưu phẩm phát nổ, khiến chị bị hàng chục viên đạn chì găm vào mặt, ngực và cánh tay…

Lợi dụng chuyển phát nhanh để phạm tội

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới về các cách thức gây án nói trên, Luật sư (LS) Nguyễn Hoàng Tiến, Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng - Kỷ luật (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Đây là một thủ đoạn gây án bằng “bom thư” rất tàn ác, vì khả năng sát thương của các vật liệu nổ rất lớn, lại có thể khiến nhiều người vô tội có thể thành nạn nhân nếu ở gần hiện trường.

“Bom thư” đã xuất hiện từ khá lâu trên thế giới, gần đây cũng được các đối tượng phạm tội tại Việt Nam áp dụng.

Đối tượng Lê Đức Đệ

“Bom thư có nhiều loại, gây cháy, gây nổ, phát tán vi khuẩn gây bệnh, hoặc chứa các chất độc… được gửi đến nạn nhân, là điều vô cùng nguy hiểm. Thời gian trước ít được sử dụng tại Việt Nam, vì đây là loại tội phạm liên quan đến khoa học công nghệ, những đối tượng gây án đều phải có hiểu biết nhất định về khoa học kỹ thuật, mới có thể chế tạo. Nhưng nay, do mở cửa giao lưu với nước ngoài, nên thủ đoạn “bom thư” nói trên cũng được các đối tượng tội phạm “du nhập” về Việt Nam để gây án, nhằm mục đích trả thù, khủng bố, thậm chí sát hại nạn nhân. Những vụ án này gây hoang mang dư luận và khiến cơ quan điều tra gặp không ít khó khăn mới có thể đưa thủ phạm ra trừng trị” - LS Nguyễn Hoàng Tiến nói.

Theo LS Tiến, nhiều người hiện vẫn chưa có kỹ năng đối phó với loại tội phạm này, do đó cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và có cách thức đối phó, ngăn ngừa hậu quả. Thông thường, nếu là thuốc nổ chứa trong “bưu phẩm” thì sẽ có khối lượng nặng hơn bưu phẩm bình thường, về hình dáng cũng có sự “đặc biệt” hơn. Mặt khác, về nguyên tắc, nếu một người bình thường gửi bưu phẩm thì không có lý do gì anh ta lại không ghi địa chỉ của mình, trên bưu phẩm khi gửi cho người quen thân. Nếu như, bưu phẩm từ một người hoàn toàn xa lạ, hoặc nặc danh… thì phải hết sức thận trọng, tuyệt đối không vội vàng mở ra.

Có thể soi trên ánh sáng mặt trời, ánh điện để kiểm tra. Nếu thấy những dấu hiệu nghi ngờ, ví dụ như địa chỉ người gửi không rõ ràng; hình dáng bưu phẩm kỳ lạ… cảm giác không an toàn khi mở ra, thì nên trình báo cơ quan chức năng địa phương, để có biện pháp xử lý.

“Đây là cách thức gây án đặc biệt nguy hiểm, có dấu hiệu của tội giết người; cố ý gây thương tích; tàng trữ buôn bán trái phép chất nổ, hoặc sử dụng vũ khí trái phép; (lan truyền vi khuẩn gây bệnh, hoặc các chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người)… Phía cơ quan chức năng cần những cán bộ điều tra có kinh nghiệm, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, truy lùng bằng được thủ phạm để trừng trị đích đáng. Nhưng đấu tranh loại tội phạm này, quan trọng nhất là phải quản lý chặt vật liệu nổ, các nguồn lan truyền vi sinh vật gây bệnh, các hóa chất độc hại, để chặn nguồn gây tội ác” - LS Nguyễn Hoàng Tiến nói thêm.

Về phía dịch vụ bưu chính, bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng lên tiếng cảnh báo về vấn đề “bom thư” gửi qua đường bưu điện.

“Trong thời gian qua, ở một số nước châu Âu đã xảy ra hoạt động khủng bố bằng “bom thư”, với thủ đoạn cất giấu rất tinh vi. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay xảy ra 9 vụ nổ thì có đến 3 vụ là gửi “bom thư”. Các “bom thư” được ngụy trang thành những vật dụng gia đình, vận chuyển qua trung gian người thân và đường bưu điện, làm thiệt hại về người và tài sản, gây hoang mang cho người dân” - bà Thanh nói.

Nhằm đề phòng vấn đề này, theo bà Thanh, các Sở Thông tin và Truyền thông cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước ở địa phương đối với hoạt động bưu chính, tuyên truyền cho cán bộ, nhân viên doanh nghiệp bưu chính cần cảnh giác với các bưu phẩm có dấu hiệu khả nghi và thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng xử lý.

“Các doanh nghiệp bưu chính cần nâng cao tinh thần kiểm soát, phòng ngừa, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bưu gửi. Áp dụng các biện pháp phong tỏa, niêm phong đối với bưu gửi có dấu hiệu bất thường để đảm bảo an toàn cho nhân viên bưu chính và người dân”, bà Nguyễn Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Quỳnh nguyên