Cần nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê Việt
Sản lượng xuất khẩu cà phê Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, sau Brazil. |
Trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê Việt Nam mang về 1,25 tỷ USD, tăng 16,2% về lượng và tăng tới 67,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Dòng cà phê Robusta lập đỉnh giá kỷ lục trong 30 năm trở lại đây.
Biểu đồ so sánh cho thấy, chỉ số xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu năm trong các năm từ 2009 đến nay cho thấy, lượng giá trị thu được của 2 tháng đầu năm 2024 cao nhất trong 15 năm.
Cà phê Robusta là thế mạnh tự nhiên vượt trội của Việt Nam so với thế giới, nhờ khả năng thích nghi tốt với các điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu gió mùa ẩm. Theo Washington Post, Việt Nam cung cấp một nửa khối lượng cà phê Robusta cho thế giới. Thị trường xuất khẩu cà phê Việt Nam chủ yếu là châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Indoneisa và Thái Lan.
Tất cả các thị trường này đều ghi nhận mức tăng trưởng từ 2 con số trong 2 tháng qua. Đặc biệt, xứ vạn đảo tăng mua cà phê Việt Nam tới 215,6%, Philippines tăng 152,5%; Trung Quốc tăng 246,1%...
Theo các nguồn tin quốc tế, sở dĩ các quốc gia tăng cường mua cà phê Việt Nam là bởi lo ngại khan hiếm nguồn cung do tuyến đường vận tải qua eo biển Suez rất nguy hiểm.
Quan trọng hơn, thị hiếu tiêu dùng cà phê thế giới có xu hướng chuyển dịch từ Arabia sang Robusta. Theo số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sản lượng cà phê robusta toàn cầu trong niên vụ hiện tại sẽ giảm 2,1% xuống 75,8 triệu bao.
Nguồn cung suy giảm sẽ là cơ hội cho cà phê Việt Nam chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Nhưng, chúng ta lại phải đối diện với bài toán gia tăng giá trị, tham gia vai trò điều tiết giá cả toàn cầu.
Trên thực tế, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê thô, phung phí khoảng trống rất lớn tiềm năng gia tăng giá trị, do chưa có thương hiệu mạnh, mức độ nhận diện toàn cầu còn thấp.
Tại Hội thảo “Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: “Cho dù đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng Việt Nam chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới” Đây là nghịch lý tồn tại nhiều thập kỷ.
Đây là thương hiệu cà phê thuộc sở hữu của Thái Lan, có giá bán 1.000USD/pound! |
Có tới 5 trong 10 thương hiệu cà phê đắt giá nhất thế giới không đến từ các quốc gia nằm trong top 10 nước xuất khẩu cà phê lớn nhất. Ví dụ nhãn hiệu Hawaii's Molokai được trồng khá khiêm tốn ở Hawaii (Mỹ) có giá tới 51 USD/ 0,45kg.
Trong khi đó, giá cà phê thô Việt Nam xuất khẩu ra thế giới bình quân chỉ là 2.293 USD/tấn, tương đương 2,293USD/kg, quy ra mỗi pound chỉ là 1,146 USD. Nếu chế biến sâu, có thương hiệu mạnh hỗ trợ như Hawaii's Molokai, giá bán gấp 36 lần. Nhìn một cách tổng quát, ngành cà phê Việt Nam cần nghĩ đến doanh số xuất khẩu với con số “trăm tỷ đô”.
Hoặc một số quốc gia khác không nằm trong nhóm 10 quốc gia xuất khẩu cà phê là El Salvador, Jamaica, Panama cũng sở hữu những thương hiệu trong 10 thương hiệu cà phê đắt nhất.
Đơn cử, tại Panama, thương hiệu cà phê Hacienda La Esmeralda do gia tộc Peterson xây dựng, được trồng trong vài trang trại. Hacienda La Esmeralda có giá lên tới 350 đô la Mỹ mỗi pound. Điều làm tăng giá trị của nó không chỉ là chất lượng mà còn là bao bì đẹp mắt.
Vấn đề cuối cùng ở khái niệm “thương hiệu - brand”. Điều thú vị là từ “brand” còn rất nhiều nghĩa: “cây đuốc”, “gươm”, động từ là “ghi nhớ”, “dấu ấn”. Đây đều là các trường nghĩa thể hiện đặc trưng của kinh doanh hiện đại.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp