Cạm bẫy trên đường tìm "miền đất hứa"
PV: Thưa ông, thời gian qua, công an đã triệt phá nhiều đường dây lừa đảo, bán người sang Campuchia, giải cứu hàng trăm nạn nhân trở về nước. Theo ông, nguyên nhân do đâu loại tội phạm này có xu hướng gia tăng?
PGS.TS Trương Văn Vỹ: Qua theo dõi thông tin trên báo, đài, chúng ta thấy rõ rằng loại tội phạm bán người đang là vấn đề nóng của xã hội với liên tiếp nhiều vụ việc được phát hiện trong khoảng từ đầu năm 2022 đến nay.
Có thể lý giải về sự gia tăng loại tội phạm này xuất phát từ hệ lụy của đại dịch Covid-19 khiến rất nhiều người bị thất nghiệp. Sau dịch, nhiều người muốn tìm kiếm việc làm, tuy nhiên không phải dễ dàng. Nắm bắt được thực tế đó, các nhóm tội phạm đã tổ chức, thực hiện hành vi lừa đảo và đạt kết quả dễ dàng khi đánh trúng vào tâm lý của nhiều người muốn tìm việc làm ổn định, thu nhập tương đối.
Rất nhiều trang web “việc cần người” xuất hiện nhan nhản trên Internet. Thông tin phong phú, ngành nghề đa dạng, hầu như ai cũng dễ dàng tìm thấy công việc phù hợp với mình, khiến nhiều người dễ dàng sập bẫy.
PV: Theo ông, thủ đoạn lừa đảo bán người sang Campuchia có gì tinh vi, khác biệt so với các chiêu lừa đảo, bán người qua biên giới trước đây?
PGS.TS Trương Văn Vỹ: Thủ đoạn của chúng là tung thông tin trên mạng xã hội về công việc nhẹ nhàng, không cần trình độ nhưng lương rất cao ở Campuchia (800-1.000 USD/người/tháng). Sau khi nạn nhân đồng ý làm việc, các nhóm tội phạm sẽ liên hệ và tổ chức cho họ nhập cảnh Campuchia. Khi sang đến Campuchia, những người này được đưa đến các khách sạn hoặc cơ sở sòng bài. Tại đây, người lao động bị ép làm những công việc nặng nhọc, bị bóc lột sức lao động và bị đánh đập tàn nhẫn. Những người được giải cứu về miêu tả, đó thật sự là “địa ngục trần gian”. Nếu muốn thoát ra, nạn nhân và gia đình phải nộp khoản tiền tới vài nghìn USD.
Nhiều đường dây với những thủ đoạn tinh vi gắn mác “tuyển dụng lao động”, kèm lời chào mời hấp dẫn. Khác với những chiêu trò lừa đảo cũ là yêu cầu người tìm việc phải ứng lệ phí để chiếm đoạt, ở đây, các “đơn vị” tuyển chọn còn chủ động gửi tặng lộ phí, trang phục nhằm tạo lòng tin với “con mồi”.
Nạn nhân của những đường dây bán người không chỉ là thanh thiếu niên ở nông thôn, nơi ít việc làm, có nhiều trường hợp là người trưởng thành cũng sập bẫy vì cần việc, cần tiền trang trải cuộc sống sau đại dịch.
Công an huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) thu thập thông tin từ người thân nạn nhân (ảnh: Phúc Ngư) |
PV: Làm sao để mọi người, nhất là những thanh thiếu niên, có thể nhận biết dấu hiệu của tội phạm lừa đảo bán người sang Campuchia, thưa ông?
PGS.TS Trương Văn Vỹ: Dù được đánh giá là thủ đoạn tinh vi nhưng không phải là không thể nhận biết những dấu hiệu lừa đảo, những cái bẫy trong các bản tin tuyển dụng, những lời mời chào công việc của tội phạm lừa đảo. Điều quan trọng là chúng ta có tỉnh táo để nhận biết, đánh giá hay không.
Theo tôi, có những dấu hiệu cơ bản nhận biết bẫy việc làm như sau.
Thứ nhất là thông tin công ty và thông tin tuyển dụng, việc làm không rõ ràng. Nếu không thể tìm được địa chỉ và website của công ty qua Google thì gần như chắc chắn 100% là công ty ma. Ngoài ra, một số công ty dù có website nhưng thông tin rất sơ sài, đó chỉ là vỏ bọc. Còn thông tin về công việc mà chỉ có một vài gạch đầu dòng kèm một số điện thoại liên hệ hay nhóm Zalo thì đa số là lừa đảo.
Thứ hai, dấu hiệu dễ nhận biết nhất sự lừa đảo chính là nhà tuyển dụng lừa đảo luôn có những lời mời chào hấp dẫn, chẳng hạn như “cần gấp”, “đi làm ngay”, “việc nhẹ nhàng lương cao”, “nhận việc nhanh không cần trình độ”, “không cần kinh nghiệm, không cần thử việc”... Bởi thử nghĩ, một công ty uy tín sẽ không có những nội dung tuyển dụng kiểu như vậy. Họ cần tuyển một nhân viên làm việc tốt và luôn phải kiểm tra năng lực, sàng lọc trước khi nhận người vào làm việc. Hơn nữa, phải xác định ngay rằng, bây giờ không có việc làm chân chính nào mà “việc nhẹ, lương cao, không cần trình độ” cả. Dù là việc gì thì đều phải có chuyên môn, trình độ, phải lao động nghiêm túc mới được hưởng thành quả. Nếu có “việc nhẹ lương cao”, đó hoặc là việc làm trái pháp luật hoặc chỉ là cạm bẫy mà kẻ lừa đảo đặt ra mà thôi.
PV: Để hạn chế loại tội phạm này, chúng ta cần có những giải pháp nào?
PGS.TS Trương Văn Vỹ: Giải pháp hữu hiệu nhất là mỗi người phải tự ý thức cảnh giác và bảo vệ mình, nhất là đối với các bạn trẻ thanh thiếu niên khi tìm việc làm. Về phía gia đình, cha mẹ cần quan tâm sâu sát, có những tư vấn, định hướng công việc cho con trẻ.
Chúng ta cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo cho cộng đồng về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, bán người sang Campuchia để mọi người nắm bắt và cảnh giác. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động.
Sự chủ động tố giác tội phạm khi phát hiện những dấu hiệu lừa đảo từ người dân và sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng góp phần tích cực ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này.
PV: Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Nếu không thể tìm được địa chỉ và website của công ty qua Google thì gần như chắc chắn 100% là công ty ma. Ngoài ra, một số công ty dù có website nhưng thông tin rất sơ sài, đó chỉ là vỏ bọc. Thông tin về công việc mà chỉ có một vài gạch đầu dòng kèm một số điện thoại liên hệ hay nhóm Zalo thì đa số là lừa đảo. |
Trúc Lê
-
Việt Nam là thị trường phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN
-
Nhà đầu tư "loay hoay" huy động vốn cho dự án năng lượng tái tạo
-
Nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho các nghề nặng nhọc, nguy hiểm
-
Smart Banking 2024: Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng
-
Chủ tịch HĐQT Shinec: Kinh doanh tín chỉ carbon như "bán đàn vịt giời"