Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Cải thiện môi trường kinh doanh: Phải bằng những hành động cụ thể

07:05 | 27/03/2015

727 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo nhận định của giới chuyên gia, Nghị quyết 19/NQ-CP 2015 sẽ là bước đột phá trong cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng khi đã đưa ra những chỉ tiêu cụ thể, con số cụ thể và bộ, ngành nào phải hoàn thành những chỉ tiêu đó. Nhưng để đạt được mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh thì vai trò của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong việc kiểm tra, giám sát là rất quan trọng. Xin lược trích lại những ý kiến tại Diễn đàn CEO 2015 với chủ đề “Tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng” được tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Năng lượng Mới số 407

Phó thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh:

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

Thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP 2014 của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định về kế hoạch hành động của NHNN thực hiện theo Nghị quyết này. Và sau 1 năm thực hiện, theo kết quả đáng giá chung, NHNN đã thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện các nội dung đề ra theo kế hoạch hành động, đạt nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật trong đó là lạm phát có xu hướng giảm dần xuống mức thấp và ổn định trong giai đoạn 2013-2014, tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế phát triển. Trong khi đó, lượng tiền cung ứng được điều hành hợp lý đã góp phần quan trọng trong việc ổn định, kiểm soát lạm phát.

Đặc biệt, chính sách lãi suất được điều hành theo hướng tạo sự chênh lệnh phù hợp giữa lãi suất VND và lãi suất USD nhằm khuyến khích người dân, DN nắm giữ đồng nội tệ thay vì ngoại tệ. Từ đó giúp củng cố giá đồng Việt Nam, hạn chế tình trạng đôla hoá nền kinh tế. Trong khi đó, chính sách tỷ giá hối đoái đã giúp cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và vị thế đối ngoại của Việt Nam. Cán cân vãng lai đã chuyển từ trạng thái thâm hụt 3,7% năm 2010 sang thặng dư 4% năm 2014. Lãi suất ngân hàng có sự giảm mạnh trong suốt những năm vừa qua và riêng trong năm 2014, lãi suất đã giảm 1,5-2% so với năm 2014, đưa mặt bằng lãi suất hiện nay bằng mặt bằng lãi suất những năm 2005-2006, thời kỳ kinh tế vĩ mô ổn định...

Tuy nhiên, xét trên những tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh thuận lợi, trên phương diện liên quan đến lĩnh vực ngân hàng thì hoạt động ngân hàng vẫn còn một số hạn chế như chỉ số tiếp cận tín dụng, chiều sâu thông tin tín dụng còn thấp... Với những tồn tại này, trong năm 2015, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế với định hướng giảm lãi suất cho vay 1-1,5%, tăng trưởng tín dụng đạt 13-15%...

Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục củng cố hệ thống dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia làm cơ sở cho việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng cũng như cung cấp thông tin cần thiết cho tổ chức tín dụng trong việc phòng ngừa rủi ro. Đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của trung tâm thông tin tín dụng tư nhân, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin đến người dân và DN...

Với những giải pháp như trên, hệ thống ngân hàng tin tưởng sẽ là bệ đỡ cho các DN phát triển. DN chỉ cần có phương án kinh doanh tốt, quản trị DN đảm bảo thì chắc chắc sẽ không khó để tiếp cận vốn.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn:

Ngành thuế phục vụ người dân và DN một cách tốt nhất

Trong thời gian qua, việc cải cách, đơn giản hóa chính sách, thủ tục hành chính thuế tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế luôn được Chính phủ, Bộ Tài chính và ngành thuế quan tâm, xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2014 và Thủ tướng Chính phủ có buổi làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về vấn đề cải cách thủ tục ngành thuế, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã tiến hành rà soát các văn bản pháp luật, thủ tục hành chính. Thông qua rà soát, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 119 để sửa 7 thông tư, qua đó giảm ngay 201,5 giờ làm các thủ tục về thuế.

Tiếp theo, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 63 thống nhất tư tưởng hành động cho phép rà soát, nếu vướng ở luật thì sửa luật, vướng nghị định thì sửa nghị định, còn vướng thông tư trong thẩm quyền của Bộ Tài chính thì Bộ Tài chính sẽ sửa. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91 để sửa 4 nghị định, đồng thời trình Quốc hội ban hành Luật 71 sửa 5 luật. Theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2014 của WB thì tính đến 1-1-2015, số giờ nộp thuế của DN Việt Nam đã giảm 370 giờ.

Kết quả này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Quốc hội, Chính phủ cũng như cộng đồng DN. Bên cạnh đó cũng phải thấy rằng, môi trường kinh doanh cũng như trình độ của bản thân các DN cũng được nâng cao. Ví như trong số cải cách thủ tục hành chính để giảm giờ, cái quan trọng nhất là kê khai thuế giá trị gia tăng. Chúng ta đã tiến tới bỏ bảng kê hóa đơn, bỏ các chỉ tiêu thuế giá trị gia tăng. Làm được như vậy, điều quan trọng là bởi đến cuối 2014, đã có 97% DN kê khai thuế điện tử...

Trong năm 2015, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện kiểm soát, công khai các thủ tục hành chính... tại cơ quan thuế và trang thông tin điện tử ngành thuế. Về chấn chỉnh, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ thuế, ngành thuế xác định thực hiện nhiệm vụ theo hướng phục vụ chứ không phải quản lý, trong đó tập trung chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của công chức ngành thuế đối với người nộp thuế... Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ cương kỷ luật trong ngành, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm... để phục vụ người dân và DN một cách tốt nhất.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc:

Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của DN

Nghị quyết 19 là một Nghị quyết có tính chất lịch sử của Chính phủ bởi đây là lần đầu tiên, Chính phủ đã đặt nền kinh tế Việt Nam trong bảng xếp hạng của WB và cũng là lần đầu tiên Chính phủ đặt mục tiêu vươn tới cái chuẩn mực hàng đầu của các nước ASEAN và xa hơn là ASEAN+6. Năm nay, với nghị quyết mới - Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015, lần đầu tiên Chính phủ đặt mục tiêu Việt Nam phải vào vòng “tứ kết” ASEAN trong cuộc đấu về môi trường cạnh tranh.

Đáng lưu ý, nếu như trước đây, trong các Nghị quyết, chúng ta nhắc lại rất nhiều những từ như tăng cường, đẩy mạnh, kiên quyết... và không có chỉ tiêu cụ thể thì nay, trong Nghị quyết 19 có tới 20 chỉ tiêu cụ thể, với những con số cụ thể về thủ tục, về ngày giờ hoàn thành được đặt theo chuẩn của WB. Những chỉ tiêu này được định lượng cụ thể, thời gian cụ thể và xác định rõ ràng là cơ quan nào phải làm gì. Nghị quyết cũng nêu rõ văn bản nào phải sửa đổi, luật nào phải đề nghị sửa đổi, nghị định nào phải sửa đổi, thậm chí thông tư về vấn đề nào phải sửa đổi. Tức là nêu ra những địa chỉ rất cụ thể trong các văn bản mà xưa nay, văn bản vẫn là một trở ngại đối với thực tiễn và rất nhiều cái hợp lý của thực tiễn vấp phải trở ngại của văn bản. Đây là cách làm rất mới của Quốc hội, Chính phủ. Bất cứ vấn đề nào bất hợp lý đều được đưa ra và chúng ta sẵn sàng sửa luật, nghị định, thông tư. Ví như vừa rồi, để thực hiện Nghị quyết 19, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội 1 luật sửa đến 4 luật, 1 thông tư sửa đến 7 thông tư...

Một điều quan trọng lần này là các quy định về cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ trong lĩnh vực hành chính mà còn thực hiện cả trong lĩnh vực tư pháp. Thực ra lĩnh vực cải cách hành chính và tư pháp phải song hành, môi trường kinh doanh không chỉ cần minh bạch, tự do, thuận lợi mà còn phải an toàn nên công tác tư pháp rất quan trọng.

Cũng phải thấy rằng, điểm rất quan trọng, có tính cốt lõi ở đây là tăng cường cơ chế giám sát, thực thi trong việc thực hiện 20 chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra. Lần đầu tiên kể cả trong Nghị quyết năm 2014 và 2015, Chính phủ đã khẳng định vai trò giám sát của DN và lần đầu tiên, Nghị quyết của Chính phủ đã giao nhiệm vụ rất cao cho VCCI và các hiệp hội DN tiến hành những cuộc khảo sát, đánh giá định kỳ về chất lượng cải cách thủ tục hành chính của cơ quan Chính phủ, giám sát và thúc đẩy cuộc cải cách này, xếp hạng các bộ, ngành và địa phương.

Quyết định thành công của cải cách thời gian tới chính là hành động và cũng có nhiều người cho rằng, năm 2015, nên chăng là năm hành động của DN. Cho nên, để thúc đẩy quá trình thực thi Nghị quyết 19, VCCI sẽ kết hợp chặt chẽ với các hiệp hội DN làm đúng nhiệm vụ Thủ tướng chính phủ giao. Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến các DN để góp phần giám sát, phản biện và thúc đẩy cải cách. Và tôi cũng kêu gọi các DN không chỉ kêu khó mà phải hiến kế để cải cách thể chế. Cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng lực cạnh tranh là tất yếu, Chính phủ đã hành động thì cộng đồng DN cũng phải hành động.

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB tại Việt Nam:

Phải thực hiện nghiêm khuôn khổ pháp lý đã được thông qua

Việt Nam có cải thiện về thuế, hải quan nhưng quá trình tạo ra sân chơi bình đẳng vẫn chưa tạo đột phá. Cần loại bỏ yếu tố “bất đối xứng” trong thông tin từ Chính phủ đối với DN. Phải tạo được môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN lớn, DNNN với DN nhỏ, hộ sản xuất và DN tư nhân. Các DNNN đang được tiếp cận thông tin trước rất lâu, có đủ mọi điều kiện kinh tế thuận lợi nhưng họ lại là lực lượng kéo dài sự trì trệ và chậm đổi mới. Trong năm 2014, Chính phủ Việt Nam quyết tâm đưa các tiêu chí về môi trường kinh doanh phấn đấu bằng trung bình các nước ASEAN 6 nhưng chỉ tương đương Philippines, thua kém so với Indonesia, Thái Lan chứ chưa nói gì đến Singapore.

Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tồn tại vấn đề lớn về ngân sách và nợ công. Chi ngân sách nhiều hơn thu, trong đó chi thường xuyên quá lớn, chiếm hết cả cho đầu tư và trả nợ. Nợ công lớn và thiếu minh bạch, trùng khớp với các số liệu mà tổ chức quốc tế điều tra. Hệ thống tài chính - tiền tệ của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều vấn đề về quản trị rủi ro dù có công ty mua bán nợ ra đời nhưng chỉ thực hiện gom nợ, không hề có nợ được bán đi khiến những rủi ro trung và dài hạn của Việt Nam là rất lớn.

Việt Nam cần phải thực hiện nghiêm túc khuôn khổ pháp lý, pháp quy đã thông qua; cần có cơ chế theo dõi, đánh giá thực hiện các vản bản pháp lý; tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô... Và đặc biệt, để tăng cường năng lực cạnh tranh, Việt Nam cần có phân tích toàn diện các hạn chế mà DN tư nhân trong nước đối mặt, tiến tới xây dựng một kế hoạch rõ ràng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Thanh Ngọc

 

TS Lê Đăng Doanh: Cải cách thể chế cần được đẩy mạnh toàn diện

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận trong việc giảm số giờ nộp thuế từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm và dự kiến từ 1/1/2015 sẽ giảm thêm 80 giờ nữa xuống còn 167 giờ/năm, thấp hơn mức trung bình của ASEAN-6 là 172 giờ/năm. Đây là tín hiệu rất đáng khích lệ trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung các luật để mở rộng tự do kinh doanh theo pháp luật được quy định trong Hiến pháp 2013, giảm rủi ro về pháp lý, bảo đảm an toàn về tài sản, đầu tư, kinh doanh, cải thiện trật tự thị trường, thực hiện cạnh tranh bình đẳng theo pháp luật, kiểm soát độc quyền. Các doanh nhân và luật sư đã bày tỏ sự lo ngại về việc thi hành Luật Tố tụng Hình sự, về quyền của luật sư được tham gia vào quá trình điều tra để tránh oan sai, bảo vệ thân chủ theo pháp luật. Vì vậy, cải cách hành chính phải bao gồm cải cách pháp luật và thực thi pháp luật. Nên chăng, trong năm 2015, trong khuôn khổ cải cách thể chế cần xem xét và sửa đổi, bổ sung những luật pháp liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, tỉnh, sửa đổi, bổ sung Luật Cạnh tranh, bổ sung quyền hạn kiểm soát độc quyền, nâng cao vị thế của cơ quan quan quản lý cạnh tranh và kiểm soát độc quyền...

Xu thế công khai, minh bạch trên thế giới đã tiến rất xa, họ đã thực hiện công khai lịch làm việc, chi phí đi nước ngoài của công chức các cấp, kể cả Tổng thống, Thủ tướng trên mạng. Thực hiện cho thấy công khai, minh bạch thì càng hạn chế được tiêu cực, lạm dụng chức quyền, lợi ích nhóm bất chính. Rất cần ban hành sớm, chi tiết trong một quy định pháp luật có tính ràng buộc về những nội dung phải công khai trên mạng của cơ quan.

Một nhân tố quan trọng trong thực thi luật pháp là yếu tố con người. Ngân hàng Thế giới trong khi đánh giá Việt Nam là 1 trong 10 nước tích cực ban hành pháp luật thì cũng xếp Việt Nam vào 10 nước thực hiện kém pháp luật đã ban hành. Cần sớm quy định ban hành luật pháp rõ ràng về trách nhiệm thực thi pháp luật của công chức và quy định rõ những điều nghiêm cấm công chức không được làm. Doanh nghiệp cũng than phiền nhiều về những yêu cầu của cơ quan A hay B đòi chi mừng tuổi tết, thậm chí gọi doanh nghiệp đến trả tiền cho cán bộ ăn nhậu, hát karaoke... Rất mong trong năm 2015 sớm có quy định nghiêm cấm các hành vi này vì đó là những hành vi có yếu tố tham nhũng rõ ràng. Nếu thực hiện được như vậy, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải thiện và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng lên rõ rệt.

Hà Lê