Cà phê xuất khẩu đang trên đà tăng giá
Cần nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê Việt |
Doanh nghiệp "vật lộn" với giá cà phê trong năm 2024 |
Giá cà phê tăng mạnh
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê năm 2023 đạt 1,62 triệu tấn, giảm 8,7% so với năm 2022; nhưng kim ngạch đạt mức cao kỷ lục hơn 4,24 tỷ USD, tăng 4,6%. Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong năm 2023 đạt 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022.
Cụ thể, giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới được dự báo sẽ không giảm cho đến khoảng hết nửa đầu năm 2024 do lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cùng căng thẳng trên Biển Đỏ; giá cà phê Arabica cũng chưa thể giảm do tồn kho đạt chuẩn vẫn đang rất thấp. Đặc biệt, nguồn cung cà phê thế giới trong năm 2024 được các cơ quan chuyên môn dự báo khá lo ngại khi sản lượng tại các quốc gia xuất khẩu đứng đầu đều giảm mạnh. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng tại hai quốc gia cung ứng lớn là Brazil và Indonesia giảm lần lượt 6,2% và 8% so với niên vụ 2022/2023.
Trong báo cáo mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá cà phê Robusta và Arabia sẽ còn tăng do thị trường lo ngại cước phí vận tải biển tăng cao và yếu tố thời tiết không thuận lợi tại các vùng trồng cà phê của Brazil.
Trong nước, giá cà phê duy trì mức tăng khoảng 1.100 - 1.200 đồng/kg và tiếp tục lập đỉnh giá mới, chính thức vượt mốc 76.500 đồng/kg và áp sát mức 77.000 đồng/kg.
Hiện giá cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 76.600 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Nông là 76.900 đồng/kg. Trong khi đó, giá cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum là 76.600 đồng/kg.
Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cũng đã kín đơn hàng cho tới hết quý I/2024. Để duy trì đà tăng trưởng này các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam đã mở rộng thị phần sang một số thị trường mới, cùng với đó ở những thị trường quen thuộc như tại châu Âu, các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước để đáp ứng những quy định mới.
Thu hoạch cà phê ở Đắk Lắk. |
Nâng cao giá trị gia tăng
Theo các chuyên gia, giá cà phê hiện nay cộng với cước tàu mới thì đang chênh lệch cao với kế hoạch mua hàng của các nhà rang xay. Tuy nhiên năm 2024, ngành cà phê Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Theo ước tính của Hiệp hội Cà phê - Ca cao, trước những yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường nhập khẩu, đặc biệt là Liên minh châu Âu (EU), năm 2024, ngành cà phê Việt Nam chú trọng nhiều giải pháp cho việc phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là việc đáp ứng quy định chống mất rừng EUDR của EU.
Hiện cà phê Việt Nam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, sau Brazil. Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2024 dự báo có thể đạt mốc 4,6-5 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê Việt, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với giải pháp tổng thể, trong đó, đẩy mạnh sản lượng và chất lượng vùng cà phê nguyên liệu, đồng thời, gia tăng tỷ lệ chế biến sâu.
Đặc biệt, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm; đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững mới đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường hiện nay.
Quỳnh Trang
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
"Choáng" với giá nhà tập thể cũ ở trung tâm Hà Nội
-
Tin tức kinh tế ngày 14/10: Giá cà phê xuống mức thấp nhất 5 tuần
-
Nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh cho doanh nghiệp
-
Lệnh tạm dừng cấp phép LNG của Hoa Kỳ thúc đẩy bùng nổ xuất khẩu ở Canada và Mexico