Biệt thự cổ trên đất vàng Hà Nội xuống cấp, bỏ hoang, dùng làm bãi trông xe
Biệt thự cổ có bề dày lịch sử, trải dài ở một số quận trên địa bàn TP Hà Nội tạo ra quỹ di sản kiến trúc đồ sộ và rất có giá trị. Tình trạng biệt thự cổ xuống cấp hay bị cơi nới, xây thêm làm biến dạng đang diễn ra khá phổ biến.
Biệt thự cổ kiểu Pháp nằm ở số 46 Hàng Bài, đây được coi là một trong những vị trí đắc địa được coi là đất vàng của thủ đô (hai mặt tiền nằm trên hai mặt phố lớn Hàng Bài và Trần Hưng Đạo) nhưng từ lâu đã để hoang phế, xuống cấp nghiêm trọng. Khoảng sân rộng lớn bên trong được sử dụng làm bãi trông giữ xe. Cành cây lớn gẫy đổ sau mưa cũng không được chặt hạ, dọn dẹp.
Các khung cửa chính và cửa sổ hư hỏng, các mảng tường bong tróc. Toàn bộ khu biệt thự được quây rào tôn kín mít.
Cũng nằm trên đường Trần Hưng Đạo, biệt thự cổ ở địa chỉ số 51 đang là trụ sở của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Các mảng tường của tòa nhà trụ sở chính bong tróc, nứt vỡ lâu ngày nhưng không được duy tu, sửa chữa.
Những năm gần đây, nhiều công trình nhà biệt thự cổ trên địa bàn TP Hà Nội đã bị chuyển đổi công năng phục vụ các mục đích khác nhau, để làm nơi làm việc hoặc kinh doanh... mà không tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng gắn với bảo tồn.
Căn biệt thự nằm trên đường Phùng Hưng được tận dụng để kinh doanh hàng ăn uống và nhiều dịch vụ khác.
Trên đường Quán Thánh, căn biệt thự ở số 144B cũng đang được chuyển đổi sang kinh doanh nhỏ lẻ.
Một biệt thự cổ trên phố Quán Sứ được cải tạo hoàn toàn để cho thuê toàn bộ kinh doanh cà phê, giải khát.
Căn biệt thự cổ hơn 100 năm tuổi ở số 8 đường Tăng Bạt Hổ, Hai Bà Trưng là nơi cư trú của hàng chục hộ gia đình, nhìn từ bên ngoài có thể thấy rõ được sự xuống cấp do ảnh hưởng của thời tiết và sự bào mòn theo năm tháng.
Trao đổi với PV, chị Thủy hiện đang sống tại tầng 1 căn biệt thự số 8 Tăng Bạt Hổ cho biết: "Tôi sinh sống ở đây từ nhỏ, nhà tôi có 4 người sống tại căn hộ khoảng hơn 10m2. Nếu cải tạo nâng cấp tòa nhà tôi nghĩ là khó, nhiều người cũng tới đây hỏi nhưng vẫn chưa được".
Cũng theo chị Thủy, đối với tầng 2 của tòa nhà có khoảng chục hộ gia đình sinh sống, diện tích mỗi căn hộ nhỏ nhất khoảng 9m2, còn căn rộng sẽ khoảng 20m2.
Một biệt thự cổ ở phố Nguyễn Biểu bị xẻ nhỏ với nhiều hộ gia đình cùng sinh sống. Những "chuồng cọp" được cơi nới để mở rộng diện tích sinh hoạt.
Phần tường của căn biệt thự 42A Lý Thường Kiệt bị vỡ nham nhở, hệ thống thoát nước cũng han gỉ, lộ rõ sự xuống cấp nghiêm trọng.
Thời điểm hiện tại, có khá nhiều biệt thự cổ tại Hà Nội đang trong quá trình duy tu, sửa chữa. Đáng chú ý có tòa nhà Vaxuco ở địa chỉ 51B Phan Đình Phùng (nằm trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long).
Đây là tòa biệt thự cổ lớn trực thuộc Bộ Quốc phòng và 2 gia đình lão thành cách mạng bàn giao để trùng tu. Trên đường Trần Phú, một loạt các công trình biệt thự cổ lớn cũng đang trong quá trình sửa chữa.
Căn biệt thự từng nổi tiếng hơn 1 thập kỷ trước khi được cho thuê, sử dụng kinh doanh quán bar, cà phê mang tên New Window tại 14 Phan Bội Châu đã bỏ hoang phế 10 năm nay. Hiện khu nhà vẫn quây tôn, bạt và chưa được xây dựng lại.
Sau sự cố sập nhà tại công trình biệt thự Pháp cổ tại số 107 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào tháng 9/2015, làm 2 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương nặng, đến thời điểm hiện tại, vụ việc này vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều hộ gia đình đang sinh sống tại các biệt thự cổ trên địa bàn TP. Hà Nội.
Giữa tháng 4/2021, Thường trực HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo rà soát, báo cáo thực trạng quỹ nhà biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn; trong đó, nêu rõ số lượng, địa chỉ cụ thể, hiện trạng, phân loại và xếp theo từng nhóm, hình thức sở hữu, đề xuất giải pháp quản lý trong thời gian tới...; đề xuất danh mục biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 cần bảo trì, cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn giai đoạn 2021-2025.
Từ cuối năm 2013, UBND TP Hà Nội đã ban hành danh mục 1.253 nhà biệt thự thuộc đối tượng quản lý, sử dụng theo "Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP. Hà Nội". Trong danh sách này có 352 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, 100 biệt thự thuộc sở hữu của các tổ chức, 301 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân và 500 biệt thự đan xen sở hữu. Các biệt thự cũ tập trung chủ yếu tại 5 quận gồm: Ba Đình (428 biệt thự), Hoàn Kiếm (527 biệt thự), Hai Bà Trưng (270 biệt thự), Tây Hồ (14 biệt thự), Đống Đa (14 biệt thự). Tuy nhiên, để quản lý hiệu quả và đáp ứng thực hiện, Hà Nội cần ban hành lại danh mục nhà biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954. |
Theo Dân trí
-
Thiết kế nội thất Nhà ga hành khách sân bay Long Thành thể hiện tính dân tộc, văn hóa, truyền thống
-
Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
-
[Video] Cảnh sát biển Việt Nam - Indonesia luyện tập chung trên biển
-
Nhiều khoảng trống pháp lý trong quản lý thuốc lá điện tử và nung nóng
-
TP Vũng Tàu: Khai mạc Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024