Bí mật về mâm cơm Tất niên của ông tôi
Mỗi khi nhìn mâm cơm ngày Tết là tôi lại nhớ đến nội. |
Ông nội tôi là người miền Bắc, di cư vào Nam từ lâu. Làm việc tại Sài Gòn một thời gian, ông được điều ra Nha Trang. Nghe ba má kể, ông lập gia đình rất muộn. Đâu đó gần 50 tuổi mới lấy bà tôi, và cũng chỉ có duy nhất một người con là ba tôi. Ông sớm chịu cảnh gà trống nuôi con, khi bà mất ba tôi còn rất nhỏ. Ông kiên quyết không lấy thêm ai khác nữa.
Điều này có vẻ trái ngược với tính cách phóng khoáng, tài hoa và có thể nói là uyên bác của nội. Cũng không hiểu vì sao ông hết sức cưng đứa cháu gái. Từ khi tôi còn rất nhỏ ông đã dành nhiều thời gian dạy tôi những môn mà trẻ con cùng thời hiếm khi được tiếp cận. Tôi được học ngoại ngữ bằng cách nghe cassette cả ngày cả đêm, được học vẽ, học đàn piano... Ba má tôi thường phải đi công tác xa nhà, tôi trở thành "bạn tâm giao" của ông.
Nhưng ông cũng có những bí mật mà chỉ có tôi mới biết. Khi tôi đang học cấp hai, tan học lũ bạn thường rủ nhau đi ăn bò bía, ăn xí muội, ăn chè... Quán chè nằm gần ga Nha Trang nên hơn nhiều lần tôi bắt gặp ông khi thì ngồi ở ghế chờ tàu, khi thì đi lại trên sân ga. Song khi về nhà ba tôi hỏi thì nội kêu đi mua báo, đi công viên...Đặc biệt tôi chưa bao giờ tôi được về thăm quê gốc (ở Phú Thọ) mà tôi rất tò mò được biết. Có hỏi ông chỉ trả lời qua loa là đó là miền quê rất đẹp, thanh bình...
Một buổi tối tháng Chạp, tôi gõ cửa với ý định nhờ nội tư vấn sắp tới nên thi trường nào. Khác hẳn mọi lần, tôi thấy mắt ông nhoà lệ, và ông bảo muốn được ở một mình. Hôm sau, ông cũng khiến cả ba má tôi bất ngờ khi nói năm nay ông muốn có một mâm cỗ cúng giao thừa theo lối miền Bắc.
Nói là làm, ông lụi cụi đi chợ rồi tha về nhà những nguyên liệu hết sức lạ mắt. Ngày 29 Tết ông gói bánh chưng, 30 Tết thì luộc gà, rồi băm nhuyễn thịt heo làm canh mọc, lại ngâm măng khô hầm với chân giò. Rồi ông còn làm món vây, bóng mà tôi chưa từng được ăn bao giờ. Nội cố công tìm mua bằng được giò lụa chả quế, giò thủ heo... Đêm ấy, ông lầm rầm khấn vái rất lâu, khiến bụng tôi đói meo. Từ đó về sau, Tết nào nội cũng dặn má tôi làm mâm cỗ có nhiều món Bắc. Rồi ông còn kêu tôi dạy lên mạng Internet, viết email...
Việc học việc thi nhanh chóng cuốn tôi đi. Trước ngày lên đường du học, tôi mới mạnh dạn hỏi nội về những bí mật ở ga tàu, sự đột ngột khi ông muốn ăn những món của miền Bắc... Ông xoa đầu tôi cười xoà, nói: "Cháu trông thế mà tinh ý. Trước sau gì ông cũng kể cho cháu nghe, nhưng chưa phải bây giờ...". Không ngờ rằng, đó là lần cuối tôi được gặp ông.
Khi tôi đang học năm thứ hai đại học thì đại dịch COVID-19 nổ ra. Cùng lúc tôi nhận tin nội đang ốm nặng. Tôi rất lo lắng, tìm mọi cách xoay sở để về nước mà lực bất tòng tâm. Tôi chỉ biết cầu trời khấn phật dịch bệnh chóng qua, và nội nhanh khoẻ lại. Song chỉ một trong hai điều ước đó thành sự thật.
Đầu năm 2022, tôi nghe ba mừng rỡ gọi điện thông báo đại dịch đã được khống chế, nước mình sắp "mở cửa" lại rồi. Song dù đã học xong tôi vẫn nấn ná ở lại. Tôi chưa thể đối mặt với sự thật là người ông tôi vô cùng kính yêu đã không còn nữa. Gần Tết tôi bất ngờ nhận được tin nhắn của ba: "Má lau dọn phòng nội thấy lá thư của nội gửi con trong cuốn sách tiếng anh, chắc chắn con rất muốn đọc. Nội có một nguyện ước nhờ con thực hiện". Khi ấy, tôi mới quyết định book chuyến bay sớm nhất để về nhà.
"Y.C thân yêu của ông!
Ông có lỗi khi giờ này mới cho cháu biết về những bí mật mà từ lâu ông vẫn giữ kín trong lòng. Sau cái ngày định mệnh lên tàu vào Nam, ông thấy mình đã phạm sai lầm nghiêm trọng mà không thể sửa chữa. Ông vô cùng day dứt, ân hận khi không cùng chiến tuyến với các anh các chị, bạn bè cùng lứa.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông phải đi cải tạo hai năm. Ông không oán trách chính quyền, mà nghĩ rằng đó là cơ hội để ông được gột rửa lỗi lầm. Ông khao khát một lần được trở về mảnh đất quê cha đất tổ, nhưng nỗi mặc cảm tự ti của "kẻ phản bội" đã níu chân. Chính vì nỗi nhớ quê mà thỉnh thoảng ông lại ra ga, để được nghe giọng nói của hành khách là người miền Bắc lên xuống tàu.
Ông có một người bạn gái thời thanh mai trúc mã, song bặt tin từ lâu. Ông gửi thư cho bà ấy rất nhiều lần nhưng không được hồi đáp. Mãi sau này khi cháu đã lớn ông mới bắt được tin, rồi thường xuyên gửi email cho nhau. Thì ra sau khi ông vào Sài Gòn một thời gian thì bà theo gia đình sang Mỹ. Cũng giống ông, ở bên xứ người bà không lúc nào nguôi nỗi nhớ thương quê hương. Bà khuyên ông một ngày nào đó có điều kiện thì nên gạt bỏ tự ti, mặc cảm để một lần thăm lại quê cha đất tổ.
Ít năm sau ông nhận tin bà mất, cùng một món tóc gửi kèm lá thư tay. Trong thư bà nhờ ông nếu có về quê thì mang giúp bà gói tóc, để khi chết còn tìm thấy đường về nhà. Dù vậy ông vẫn nấn ná...
Nhưng hôm nay, ông biết mình không còn thời gian nữa. Ông nhờ cháu sau khi biết hết sự thật thì thu xếp thời gian ra Bắc, gửi cho ông bà hai nắm tóc về nơi quê cha đất Tổ. Để ông bà còn biết đường về nhà, sum họp cùng các cụ và tạ tội với tiền nhân..."
Trên chuyến tàu ra Bắc, trong đầu tôi cứ nghĩ miên man không dứt những kỷ niệm ấu thơ với nội. Tôi thả nhẹ hai món tóc nằm nơi ngực áo xuống mảnh đất quê hương, trong sương khói bàng bạc của mảnh đất trung du, tưởng như trên cao kia nội tôi đang mỉm cười...
Yên Chi
gn-ix.net
-
Thiết kế nội thất Nhà ga hành khách sân bay Long Thành thể hiện tính dân tộc, văn hóa, truyền thống
-
Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
-
[Video] Cảnh sát biển Việt Nam - Indonesia luyện tập chung trên biển
-
Nhiều khoảng trống pháp lý trong quản lý thuốc lá điện tử và nung nóng
-
TP Vũng Tàu: Khai mạc Tuần lễ Hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024