Bất ngờ: Vai trò “cực lớn” vừa được tiết lộ, cổ phiếu Yeah1 vọt tăng từ đáy
Thị trường đã có một phiên giao dịch đầy bất lợi trong ngày đầu tuần (8/7). VN-Index đóng cửa với mức giảm mạnh 8,99 điểm tương ứng 0,92% còn 966,35 điểm còn HNX-Index cũng mất 0,57 điểm tương ứng 0,54% còn 103,81 điểm.
Sắc đỏ bao phủ thị trường với số lượng mã giảm áp đảo so với số mã tăng. Cụ thể, thống kê cho thấy có 368 mã giảm giá ,35 mã giảm sàn và 231 mã tăng và 37 mã tăng trần.
Thanh khoản tăng so với cuối tuần trước nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp. Tổng cộng có 165,87 triệu cổ phiếu được giao dịch trên HSX tương ứng 3.482 tỷ đồng và trên HNX có 14,77 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 241,18 tỷ đồng.
Đại gia trẻ Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - nhà sáng lập Yeah1 |
Đại gia trẻ Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - nhà sáng lập Yeah1
Bất chấp thị trường biến động, cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1 trong phiên hôm qua vẫn tăng mạnh 2.000 đồng tương ứng tăng 2,6% lên 79.000 đồng. Mã này đang có sự trở lại đầy ấn tượng với 6 phiên liên tục không hề giảm sau chuỗi giao dịch đầy bất lợi trước đó, giảm xuống mức đáy 73.500 đồng phiên 28/6/2019.
Liên quan đến doanh nghiệp này, Yeah1 vừa được nhắc đến với vai trò quan trọng trong quá trình quy hoạch báo chí. Cụ thể, theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, từ nay đến 2025 sẽ giảm 180 cơ quan báo chí.
Báo Tiền Phong ngày 6/7 đưa tin, tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, một công nghệ nền tảng dùng chung cho báo điện tử đang được xây dựng bởi Công ty Yeah1.
Bộ trưởng cho rằng, hiện có hàng trăm cơ quan báo chí, mỗi cơ quan bỏ tiền ra để làm nền tảng công nghệ thì không đủ nguồn lực và lãng phí. Vì vậy, một nền tảng công nghệ dùng chung cho báo chí đang được xây dựng và dự kiến ra mắt trong tháng 7 này. Nền tảng này sẽ hỗ trợ công nghệ cho các cơ quan báo chí giống như Grab cung cấp nền tảng chung cho các doanh nghiệp vận tải.
Theo ghi nhận của VDSC, các cổ phiếu lớn giảm mạnh nhất khiến chỉ số VN30-Index giảm 1,06%. Các cổ phiếu vừa và nhỏ giảm nhẹ hơn khi VNMID-Index và VNSML-Index chỉ giảm lần lượt 0,08% và 0,23%.
Có tới 22/30 cổ phiếu trong rổ VN30 giảm điểm. Các cổ phiếu tăng điểm hiếm hoi là REE (tăng 0,4%), SAB (tăng 0,4%), EIB (tăng 0,3%), ROS (tăng 0,2%) và VRE (tăng 0,1%). Giảm mạnh nhất là các cổ phiếu như VHM (giảm 3,5%), HPG (giảm 2,5%), TCB (giảm 2,1%), VCB (giảm 1,8%).
Khá nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn có thể tăng giá mạnh như SRA (tăng tới 8,5%), SJF (tăng 7%), CCL (tăng 6,9%), DAH (tăng 6,9%); QBS, TDG, ITC; HNG; HAX, PVT, L14...
Các nhóm cổ phiếu thủy sản, dệt may, cao su tự nhiên, chứng khoán, bất động sản ... đa phần đều giảm khá mạnh.
Khối ngoại tiếp tục tỏ ra tích cực khi mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp với giá trị 192 tỷ đồng trên HSX, tập trung mạnh vào PLX, DGW, KBC, MSN, E1VFVN30...
VDSC cho rằng, phiên giảm điểm mạnh hôm qua xuất hiện khi VN-Index chạm vùng kháng cự mạnh 975. Dòng tiền tiếp tục “né tránh” các cổ phiếu lớn và tập trung hơn vào các cổ phiếu vừa và nhỏ. Nhà đầu tư tiếp tục bám theo xu hướng này để tìm kiếm lợi nhuận, nhất là trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh sắp đến.
Trong khi đó, theo dự đoán của BVSC, phiên hôm nay (9/7), VN-Index sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng 960-965 điểm. Phản ứng hồi phục tăng điểm của thị trường được kỳ vọng sẽ sớm xuất hiện tại vùng hỗ trợ này trong một vài phiên kế tiếp.
Khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh hoạt động mua ròng trong bối cảnh kỳ công bố kết quả kinh doanh quý II đang đến gần, sẽ là những yếu tố tạo động lực cho diễn biến thị trường trong ngắn hạn.
BVSC cho rằng, thị trường đã có chuyển biến tương đối tích cực về mặt xu hướng ngắn hạn, nên dù dòng tiền vào thị trường vẫn chưa đạt đủ độ mạnh cần thiết nhưng nhóm phân tích kỳ vọng chỉ số sẽ chuyển sang trạng thái đi lên theo dạng “sideway-up” (tức vừa tăng vừa tích luỹ) trong thời gian tới.
Về diễn biến các nhóm ngành, các cổ phiếu ngân hàng dự kiến sẽ có diễn biến khởi sắc với sự dẫn dắt của VCB, còn nhóm dầu khí như PVS, GAS nhiều khả năng sẽ quay lại xu thế tăng điểm trong những phiên tới.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn và các nhóm ngành khác như bất động sản khu công nghiệp, công nghệ thông tin… sẽ vẫn thu hút được sự quan tâm của dòng tiền. Nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu lên mức 55-60% trong giai đoạn này, tập trung vào các nhóm cổ phiếu được dự báo có kết quả lợi nhuận tích cực trong quý 2.
Theo Dân trí
-
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Tạo cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
-
BRICS "nhấn ga" tái thiết tài chính toàn cầu, đẩy nhanh phi USD hóa, SWIFT lung lay, giá vàng lên 150.000 USD/ounce
-
Giá vàng hôm nay (23/10): Đồng loạt tăng
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 23/10: Giá dầu thế giới diễn biến trái chiều
-
Các chuyên gia nói gì về nhu cầu dầu từ nay đến năm 2035?