Bán thuốc trị Covid-19, cổ phiếu công ty này lập đỉnh cao nhất mọi thời đại
Thị trường tăng "ầm ầm"
Thị trường phiên hôm nay (23/2) diễn biến tích cực bất chấp tình hình tại Ukraine xuất hiện thêm những yếu tố mới bất ngờ. Ngay từ đầu phiên, trạng thái tăng đã được xác lập ở hầu hết chỉ số.
VN-Index có lúc chạm ngưỡng 1.520 điểm trước khi đóng cửa thu hẹp đà tăng, dừng chân tại 1.512,3 điểm, ghi nhận tăng 8,83 điểm tương ứng 0,59%. VN30-Index tăng 6,47 điểm tương ứng 0,42% lên 1.538,83 điểm trong khi HNX-Index tăng 8,12 điểm tương ứng 1,87% lên 442,54 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 0,5 điểm, tương ứng 0,44% lên 113,51 điểm.
VN-Index chùn bước trước ngưỡng 1.520 điểm do áp lực chốt lời mạnh (Ảnh chụp màn hình). |
Nếu như nhìn vào tình trạng giảm điểm của thị trường thế giới tối qua (theo giờ Việt Nam) thì hẳn nhiều nhà đầu tư sẽ không thể ngờ các chỉ số lại có thể đảo ngược một cách chóng vánh như vậy. Trên quy mô toàn thị trường, sắc xanh chiếm chủ đạo.
Theo thống kê có đến 756 mã tăng giá trên cả 3 sàn, trong đó có 59 mã tăng trần, vượt xa so với số mã giảm là 258 mã và chỉ có 8 mã giảm sàn. Riêng trên sàn HoSE có 326 mã tăng, 14 mã tăng trần, gấp 3 lần so với mã giảm và không hề có mã nào giảm sàn.
Với biên độ tăng trần là 10% trên sàn HNX và xấp xỉ 15% trên sàn UPCoM, những nhà đầu tư có trong danh mục các mã tăng trần ở các sàn này hôm nay sẽ gia tăng tài sản ròng rất nhanh chóng. Sàn HNX có 23 mã tăng trần còn sàn UPCoM có 22 mã tăng trần.
Điểm tích cực ở phiên này là hầu hết ngành nghề đều tăng giá, điều này cho thấy sự lan tỏa của dòng tiền dù áp lực chốt lời ở ngưỡng cản kỹ thuật của VN-Index là rất lớn. Trong đó, có những nhóm ngành có chỉ số ngành tăng mạnh là khai khoáng (tăng 5,77%), chế biến thủy sản (tăng 3,55%); vận tải, kho bãi (tăng 1,85%); xây dựng (tăng 1,44%); sản xuất nhựa - hóa chất (tăng 1,43%); bảo hiểm (tăng 1,61%); tài chính (tăng 1,07%)…
Cổ phiếu dầu khí, phân bón "bung nóc"
Hàng loạt cổ phiếu trong nhóm khai khoáng tăng "bung nóc", đặc biệt là những cổ phiếu trong ngành dầu khí như PVS, PVC, PVB (tăng trần), PVD tăng 4,52%. Cổ phiếu ngành dầu khí đang hưởng lợi từ giá dầu tăng cao do bất ổn tại khu vực Ukraine.
Nhóm cổ phiếu khai thác than cũng tăng giá tích cực: TC6 tăng trần; NBC tăng 8,07%; TMB tăng 5,42%; TVD tăng 6,71%; MDG tăng 5,21%; MDC tăng 5,65%; THT tăng 3,65%...
Cổ phiếu phân bón vẫn cực "khỏe" với hàng loạt mã tăng trần như NFC, PSE, PSW, PMB. Các mã này ở trên sàn HNX nên biên độ tăng rất rộng. PCE tăng 9%. Hai "ông lớn" là DCM và DPM trên sàn HoSE cũng tăng trần, DDV tăng 4,2%; LAS tăng 3,2%; BFC tăng 2,3%.
Để lại tiếc nuối ở phiên này là giữa lúc phần lớn cổ phiếu dầu khí tăng "bốc đầu" thì các "ông lớn" đầu ngành lại suy yếu vào cuối phiên do áp lực chốt lời, theo đó cũng phần nào ảnh hưởng đến VN-Index. GAS đóng cửa chỉ còn tăng 0,4% lên 117.000 đồng so với mức cao nhất phiên là 120.500 đồng; PLX tăng 0,8% lên 62.500 đồng so với mức cao nhất phiên là 64.400 đồng.
Với tình trạng người mắc Covid-19 đang ngày càng nhiều trong cộng đồng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân lên cao khiến nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp dược phẩm tăng tích cực.
Hàng loạt mã trong ngành sản xuất thuốc và dược phẩm hôm nay tăng giá như DPB, DMC, DHG, FIT, IMP, MED, MKV, SPM, TNH, VDP.
Cổ phiếu FRT tiếp tục tăng 0,52% lên 116.600 đồng/cổ phiếu với việc chuỗi nhà thuốc Long Châu đã bắt đầu phân phối thuốc điều trị Covid-19. Đây đã là phiên tăng thứ 5 của mã này và mức tăng giá trong vòng một tuần lên tới gần 24% trong đó có 2 phiên tăng kịch trần.
FRT xác lập đỉnh mới, thị giá tăng gấp 4 lần sau một năm (Ảnh chụp màn hình). |
Dù không đạt được mức cao nhất phiên (có lúc suýt chạm ngưỡng 120.000 đồng/cổ phiếu) nhưng đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất lịch sử của FRT. Chỉ sau một năm, FRT đã tăng hơn 300% tức tăng giá hơn 4 lần. Tại FRT, cổ đông lớn duy nhất chính là Tập đoàn FPT với sở hữu 36,75 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ nắm giữ là 46,53%; còn cổ phiếu lớn nhất của FPT lại là ông Trương Gia Bình với sở hữu 6,11%.
Ngân hàng và bất động vẫn… ngược lối!
Trở lại với thị trường, cổ phiếu hai dòng ngân hàng và bất động sản trong những phiên gần đây đang cho thấy một hiện tượng khá thú vị mà nhiều nhà đầu tư ví von "người dưng ngược lối". Đại ý, khi dòng bất động sản tăng thì ngân hàng điều chỉnh, và ngược lại.
Ở phiên hôm nay, cổ phiếu ngân hàng chững lại với khá nhiều mã "đỏ" như STB, OCB, MBB, LPB, EIB, BID, ACB, trong đó EIB giảm tới 5,61%. Cũng có những mã tăng như VPB, VIB, VCB, TPB, TCB, SSB, MSB…
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản lại chứng kiến nhiều mã tăng mạnh sau khi đã bị bán mạnh vào phiên hôm qua. SZC, VRC và LDG tăng kịch biên độ trên HoSE; TIP tăng 6,3%; DIG tăng 5,2%; DTA tăng 4,5%; SZL tăng 4,3%...
Trong đó, cổ phiếu DIG hiện đã quay trở về với mức giá 93.000 đồng/cổ phiếu, giúp nhiều nhà đầu tư "về bờ" sau thời gian "gồng lỗ" suốt một tháng rưỡi qua (kể từ phiên 11/1 đến nay). Tương tự, cổ phiếu CEO cũng đã lấy lại được 5,1% và đóng cửa ở 69.700 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, ở phiên này, dòng cổ phiếu thủy sản cũng tăng giá tương đối tích cực nhờ diễn biến giá tôm, cá tra đều đang tăng mạnh, đồng thời hoạt động xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sang các thị trường khởi sắc. Theo đó, VHC tăng 5,33%; ANV tăng 4,06%; SJ1 tăng 2,05%; IDI, FMC, CMX, ACL, AAM tăng giá.
Về thanh khoản, do hôm nay VN-Index tiến sát ngưỡng cản nên tâm lý của nhà đầu tư cũng thận trọng hơn. Việc giải ngân của nhà đầu tư được cân nhắc, theo đó kéo giá trị giao dịch thấp hơn đáng kể so với hôm qua. Giá trị giao dịch trên HoSE đạt 22.394,36 tỷ đồng, trên HNX đạt 3.212,96 tỷ đồng và trên UPCoM là 1.948,12 tỷ đồng.
Theo Dân trí
-
Bộ Y tế công bố giá thuốc Molnupiravir "made in Việt Nam"
-
Hé lộ "sức khỏe" công ty sản xuất thuốc trị Covid-19 duy nhất trên sàn
-
Covid-19: Chuyên gia cảnh báo về thuốc kháng virus "xách tay Nga"
-
Trước khi bán thuốc trị Covid-19, công ty ông Trương Gia Bình đã "hốt bạc"
-
Pfizer công bố thuốc uống trị Covid-19 có hiệu quả chống Omicron
-
Tin tức kinh tế ngày 20/10: Lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng cao kỷ lục
-
Giá dầu hôm nay (19/10): Dầu thô quay đầu giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/10: Hơn 140 vụ điều tra chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam
-
Lỗ hổng trong quy trình quản lý tài sản gửi của khách hàng
-
Giá vàng hôm nay (19/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh