Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

COVID-19 và FDI tại Việt Nam: Tác động và triển vọng

Bài 3: Vốn FDI trong dịch COVID-19: Địa phương vào cuộc, doanh nghiệp quyết tâm cao

15:00 | 27/09/2021

Theo dõi PetroTimes trên
|
Cùng với nỗ lực hết mình và các giải pháp căn cơ, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước đã chủ động vào cuộc, lắng nghe, nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI. Nhiều doanh nghiệp FDI cũng cho thấy quyết tâm rất lớn để tiếp tục hoạt động và gắn bó lâu dài tại Việt Nam.
Bài 3: Vốn FDI trong dịch COVID-19: Địa phương vào cuộc, doanh nghiệp quyết tâm cao
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký kiểm tra tại Dự án may mặc của Công ty Weitai ngày 28/8. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Không doanh nghiệp nào rời Quảng Ninh

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chia sẻ, cốt lõi của thu hút FDI tại thời điểm này chính là ưu tiên số một cho phòng chống dịch và bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh an toàn.

Kể từ khi đợt dịch thứ 4 quay trở lại và bùng phát tại Bắc Giang, tỉnh Quảng Ninh đã xác định và áp dụng tất cả các biện pháp có thể, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cũng như thiếu hụt nguồn nhân lực cho các nhà máy, các doanh nghiệp trong mọi hoàn cảnh.

Đối với người lao động đến từ các địa phương khác, kể cả từ vùng dịch, tỉnh sẵn sàng bố trí xe miễn phí đón các chuyên gia nước ngoài, người lao động, ngay từ đầu tỉnh; bố trí chỗ ở, hỗ trợ ăn uống trong thời gian cách ly 14 ngày. Sau đó bàn giao cho doanh nghiệp và yêu cầu ký cam kết với chính quyền địa phương đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Đối với vận tải hàng hóa, nguyên phụ liệu đầu vào cho các nhà máy FDI từ Bắc Giang và những tỉnh khác về Quảng Ninh, tỉnh cấp giấy phép cho phép các xe vận tải nguyên liệu được vào tỉnh theo đúng cung đường đăng ký; hỗ trợ doanh nghiệp sàng lọc và xét nghiệm thường xuyên các lái xe với tiêu chí an toàn của lái xe là trên hết. “Phải coi việc bảo vệ người lái xe, người lao động an toàn chính là bảo vệ doanh nghiệp an toàn. Doanh nghiệp khỏe thì địa phương mới khỏe”, ông Ký nhấn mạnh.

Tỉnh đã tiến hành ưu tiên tiêm sớm vaccine phòng COVID cho toàn bộ công nhân, lao động tại các khu công nghiệp, các nhà máy và cơ sở sản xuất, sau đó mới tiêm đến người dân. Bảo vệ người lao động là bảo vệ nguồn lực quan trọng của địa phương. Chính điều này đã tạo niềm tin cho các doanh nghiệp vào chính quyền địa phương.

Mấu chốt nữa là không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Lãnh đạo địa phương phải trực tiếp thị sát doanh nghiệp, coi việc của doanh nghiệp là việc của chính quyền. Doanh nghiệp cũng có thể trực tiếp gọi điện trao đổi với Bí thư, Chủ tịch khi gặp bất kể trở ngại gì, ngay từ những việc như an ninh trật tự, đổ đất, tắc ống nước, mất điện, thiếu lao động…, lãnh đạo tỉnh đều phải xắn tay vào cuộc cùng doanh nghiệp gỡ khó.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giải quyết vấn đề lao động thiếu hụt, tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giúp đỡ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lao động, thu nhận lao động từ các địa phương khác. Tỉnh cũng ban hành những chính sách thu hút lao động; hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động từ nguồn ngân sách đối với những lĩnh vực khuyến khích đầu tư của tỉnh để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp FDI; hỗ trợ tạo điều kiện tối đa về quỹ đất để doanh nghiệp thực hiện việc xây dựng nhà ở cho công nhân.

“Cho đến thời điểm này, Quảng Ninh có thể tự tin khẳng định rằng, trong thời gian bùng phát đại dịch COVID-19, không một người nước ngoài nào, một doanh nghiệp nào rời tỉnh ra đi cả. Chúng tôi đã bảo đảm an toàn về tính mạng cho toàn bộ người dân bao gồm cả Việt Nam và nước ngoài đang sinh sống, học tập và làm việc tại tỉnh trước đại dịch, bảo đảm họ đều được tiếp cận vaccine sớm và đầy đủ. Ngoài ra, chúng tôi còn bảo đảm những người được tiêm mũi một đều được tiêm mũi hai”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh.

Đánh giá về bức tranh toàn cảnh FDI của Việt Nam, Bí thư Nguyễn Xuân Ký khẳng định Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng tiên quyết vẫn phải khống chế, kiểm soát được dịch.

Chính phủ tập trung đầu tư cho hạ tầng, khai thác các nguồn lực. Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, thế hệ dân số vẫn đang nằm trong dân số vàng; thị trường gần 100 triệu dân; quy mô thị trường, quy mô nền kinh tế đang phát triển; các FTA thế hệ mới hội nhập sâu rộng; Chính phủ kiến tạo, chính quyền địa phương phục vụ… đều là những điều kiện vô cùng thuận lợi thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài.

Phòng chống dịch tốt, bảo đảm môi trường sản xuất kinh doanh an toàn, được tiếp cận vaccine sớm và đầy đủ là cốt lõi của thu hút FDI tại thời điểm này. Chúng ta cần có phương thức thích ứng an toàn, linh hoạt để giảm thiểu các tác hại do COVID-19 gây ra và cần nhất phải có chiến lược cụ thể phù hợp với thực tế mỗi địa phương, ông Nguyễn Xuân Ký chia sẻ.

Bài 3: Vốn FDI trong dịch COVID-19: Địa phương vào cuộc, doanh nghiệp quyết tâm cao
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên tại Khu công nghiệp Yên Bình, xã Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên ngày 3/9. Ảnh: VGP

Cách làm của Thái Nguyên

Theo Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng, tuy các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh gặp những khó khăn tương tự như trên cả nước, nhưng mức độ không nặng nề. Các doanh nghiệp FDI vẫn đạt những kết quả khả quan trong sản xuất kinh doanh trong 8 tháng đầu năm 2021. Giá trị xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đạt 18,27 tỷ USD, tăng 5,75% so với cùng kỳ; giá trị nhập khẩu ước đạt 10,67 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ.

Tỉnh đã chỉ đạo cơ quan thuế tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ nội dung chính sách tại Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thuế, tiền thuê đất tới toàn thể người nộp thuế. Với nền tảng chuyển đổi số mạnh mẽ của tỉnh, cơ quan thuế cũng đã kịp thời chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật cần thiết để hỗ trợ người nộp thuế lập và gửi giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, nộp tiền thuê đất bằng phương thức điện tử. Tính đến ngày 30/7/2021 (ngày hết hạn gửi giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP) Cục Thuế Thái Nguyên đã nhận được 1.164 giấy đề nghị gia hạn.

Ngoài chính sách của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện thêm nhiều giải pháp. Tổng số chuyên gia và công nhân làm việc trong các doanh nghiệp FDI đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 đến thời điểm này là 13.880 người, chiếm 16% tổng số người được tiêm vaccine trên địa bàn toàn tỉnh.

Tỉnh giảm chi phí xét nghiệm xuống còn khoảng 50.000 đồng/mẫu gộp cho các doanh nghiệp, hàng tuần các doanh nghiệp FDI đã tiến hành xét nghiệm ngẫu nhiên thường xuyên cho khoảng 20%-30% tổng số công nhân trong công ty. Nhờ đó, hiện nay tuy dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương lân cận, nhưng trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, hiện chưa phát hiện ra dịch.

Đối với các dự án lớn đang được nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, tỉnh Thái Nguyên giao nhiệm vụ cho các ngành hỗ trợ giải đáp và hướng dẫn nhà đầu tư, định kỳ báo cáo UBND tỉnh. Đối với dự án FDI lớn như dự án của Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam (vốn đầu tư dự kiến hơn 6.000 tỷ đồng) dự kiến đầu tư trên địa bàn tỉnh, tỉnh thành lập Tổ Hỗ trợ triển khai, định kỳ hằng tuần báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Đối với các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh, thông qua các cuộc họp trực tuyến, trực tiếp, tỉnh Thái Nguyên ghi nhận và kịp thời xử lý các đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Nhờ đó, có nhiều dự án FDI tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất sau một thời gian triển khai dự án trên địa bàn tỉnh.

Về lâu dài, tỉnh Thái Nguyên đưa ra các giải pháp thu hút đầu tư nước như tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu; đang tiến hành các thủ tục để mở rộng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Trong 8 tháng đầu năm 2021, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành quyết định thành lập 7 cụm công nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 3.193 tỷ đồng.

Tỉnh Thái Nguyên là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề về Chương trình chuyển đổi số. Những cam kết đổi mới đang được hiện thực hóa, tỉnh Thái Nguyên đang phát huy vai trò là một trong những điểm đến hấp dẫn, tin cậy cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết doanh nghiệp tư nhân trong nước với các doanh nghiệp FDI.

Những sáng tạo chưa có tiền lệ tại Bắc Ninh trong tình huống nguy hiểm

Là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng đầu tiên trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4, tình huống nguy hiểm nhất là khi xuất hiện các ca nhiễm trong khu công nghiệp, các ca mắc tăng nhanh bất ngờ…, song UBND tỉnh Bắc Ninh đã khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp sáng tạo, chưa từng có tiền lệ, đảm bảo đúng, trúng để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, quyết tâm cao thực hiện “mục tiêu kép".

Về thu hút đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến nay (16/9/2021), trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới cho 97 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 522 triệu USD (tăng gấp 1,5 lần số vốn đăng ký mới so với cùng kỳ năm trước); điều chỉnh vốn cho 64 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 106,37 triệu USD.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, khi dịch bùng phát, bài toán kinh tế đặt ra là phải giảm thiểu thiệt hại, không thể “đóng băng” các khu công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất.

Tỉnh đã duy trì chiến lược chống dịch xuyên suốt theo 5 nguyên tắc chống dịch “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch” nhanh chóng ổn định tình hình và thực hiện triệt để phương châm “3 tại chỗ” và “2 địa điểm, 1 cung đường”; thiết lập hệ thống Zoom Meeting để họp online và offline với tất cả các doanh nghiệp trong KCN hoặc họp với từng nhóm doanh nghiệp, từng KCN để kịp thời triển khai các chỉ đạo và lắng nghe; giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp một cách nhanh nhất; lập cơ sở dữ liệu người lao động của từng doanh nghiệp cập nhật vào phần mềm trên trang covid.bacninh.gov.vn,…;

Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh thành lập Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ doanh nghiệp, gọi tắt là tổ phản ứng nhanh 3 nhất với phương châm “tư vấn hiệu quả nhất, giải quyết nhanh nhất, chống dịch an toàn nhất”.

Với sự chung sức đồng lòng, quyết tâm cao của chính quyền, nhân dân và sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, đến nay Bắc Ninh đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, doanh nghiệp đã dần hoạt động trở lại, khôi phục sản xuất, chung tay cùng tỉnh phát triển kinh tế - xã hội.

Để chuẩn bị cho chặng đường dài phía trước, ông Vương Quốc Tuấn cho hay, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc triển khai những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 105/NQ-CP.

Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch tỉnh Bắc Ninh; điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh; các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát, cập nhật quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành lĩnh vực có liên quan, thực hiện công khai theo quy định làm cơ sở thu hút nhà đầu tư.

Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư trực tuyến thông qua các đầu mối từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, Đại sứ quán,... giúp Bắc Ninh kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Tiếp tục quán triệt thu hút đầu tư gắn với định hướng kinh tế tri thức, sản xuất công nghệ cao, phát triển bền vững trên cơ sở chọn lọc các dự án theo tiêu chí “2 ít, 3 cao, 4 sẵn sàng”: Sử dụng ít đất, ít lao động; suất vốn đầu tư cao, hiệu quả cao và hàm lượng công nghệ cao; sẵn sàng về mặt bằng, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng cải cách và sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư…

Niềm tin vững chắc của Bí thư Tỉnh ủy Long An

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được cho biết, tỉnh có 1.124 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Cuối tháng 5/2021, dịch bệnh xuất hiện tại khu vực, Long An trở thành một trong những tâm dịch lớn của cả nước. Hiện chỉ có khoảng 1.500 doanh nghiệp hoạt động với khoảng 800 doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”. Trong đó, có khoảng 200 dự án FDI đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với khoảng 12.800 lao động.

Ông Được cho rằng, tâm lý của một số nhà đầu tư muốn chuyển dịch sản xuất ra khỏi Việt Nam là có thể . Tuy nhiên, để thực hiện dịch chuyển sản xuất cũng cần các điều kiện cụ thể và thời gian; trong khi với biến chủng COVID-19 thì tình hình dịch bệnh của các nước trên thế giới cũng đang hết sức phức tạp.

Với các chiến lược phòng, chống dịch đúng đắn của Việt Nam, đặc biệt là chiến lược vaccine hiện nay, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Thành quả đạt được trong phòng, chống dịch của Việt Nam hiện nay sẽ tạo niềm tin để các doanh nghiệp FDI tiếp tục hợp tác, đầu tư tại Việt Nam. Song song đó, Chính phủ cũng đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, có các kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội khi dịch bệnh được kiểm soát.

“Tôi tin chắc rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các thương hiệu lớn, các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam sẽ được phục hồi và tiếp tục có nhiều thuận lợi trong thời gian tới”, ông Được nói.

Long An là nơi có các nhà máy gia công cho hãng Nike - thương hiệu được một số cơ quan truyền thông quốc tế dẫn lời cho rằng có ý định dịch chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam. Ông Được cho biết, Nike hiện có 9 đơn vị gia công cho hãng đặt tại Long An. Hiện có 6 đơn vị đã hoạt động sản xuất trở lại, 3 đơn vị còn lại có kế hoạch tái sản xuất, dự kiến đi vào hoạt động trong những ngày tới. Như vậy, các đơn vị này sẽ vẫn bảo đảm làm đối tác gia công sản xuất cho Nike. Đồng thời, cũng không loại trừ một số doanh nghiệp mới trên địa bàn tỉnh sẽ xúc tiến, làm đối tác của Nike trong thời gian tới.

Ngày 13/9 vừa qua, tỉnh ban hành kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn trên nguyên tắc từng bước nới lỏng giãn cách và mở rộng dần phạm vi sản xuất đối với các doanh nghiệp đang sản xuất “3 tại chỗ”, sản xuất hàng thiết yếu, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu và các doanh nghiệp FDI.

Các sở, ngành của tỉnh đã được yêu cầu phải chủ động, kịp thời tháo gỡ, giải quyết khó khăn, đảm bảo nguyên tắc “nhanh nhất - hiệu quả nhất” nhằm giảm thiệt hại, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với tiêm chủng vaccine, tỉnh nhất quán chủ trương ưu tiên tiêm cho công nhân làm việc tại các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp FDI; đây được xem là vấn đề “then chốt” để các doanh nghiệp bảo đảm sản xuất, sớm trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới.

Quyết tâm ở lại Việt Nam rất lớn

Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP HCM Nguyễn Văn Bé cho biết, Thành phố có 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao với khoảng 1.500 doanh nghiệp; trong đó có khoảng 500 doanh nghiệp FDI. 8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong các khu này đạt gần 20 tỷ USD.

Nhìn chung, mặc dù tình hình dịch bệnh cực kỳ khó khăn, chi phí “3 tại chỗ” rất cao nhưng đa số các doanh nghiệp FDI trên địa bàn vẫn nỗ lực để giữ sản xuất, giữ chân người lao động, giữ đơn hàng, không để đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Gần 3 tháng dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Thành phố, hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng. Tuy vậy, các doanh nghiệp FDI trên địa bàn vẫn cho thấy tinh thần muốn tiếp tục ở lại Việt Nam, vẫn nỗ lực thực hiện các đơn hàng. Phải khẳng định rằng quyết tâm tiếp tục hoạt động tại Việt Nam của các doanh nghiệp FDI là rất lớn”, ông Nguyễn Văn Bé cho biết.

Đơn cử tại Khu Công nghệ cao, trong thời gian dịch bệnh, tại đây vẫn có tới hơn 21.000 người lao động ở lại làm việc theo phương án “3 tại chỗ”.

“Thậm chí, Công ty Intel Products Việt Nam đã thuê rất nhiều khách sạn trên địa bàn để người lao động ở. Hằng ngày, với phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” doanh nghiệp này tổ chức đưa đón công nhân, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Trong 2 tháng, chi phí thuê khách sạn, đưa đón lao động của Intel lên đến 5 triệu USD, đủ để thấy quyết tâm của doanh FDI này”, ông Bé nói. Tính đến tháng 8, Intel Products Việt Nam đã hoàn thành giải ngân đủ 475 triệu USD vào Việt Nam đúng tiến độ. Đây là khoản đầu tư mới bên cạnh khoản đầu tư 1 tỷ USD trước đó vào năm 2006 để xây dựng cơ sở sản xuất tại Khu Công nghệ cao.

Dẫn thêm trường hợp Công ty Sài Gòn Precision đóng tại Khu Chế xuất Linh Trung 1 và 2 trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp nhưng vẫn tổ chức sản xuất an toàn, giữ lại hàng ngàn công nhân thực hiện “3 tại chỗ” suốt mùa dịch cho đến nay, ông Nguyễn Văn Bé nhận định nhiều doanh nghiệp FDI tại TP HCM hiện vẫn giữ thái độ tích cực.

Ông Nguyễn Văn Bé cũng bày tỏ bên cạnh quy định của Chính phủ, chính quyền sở tại cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp bằng các biện pháp thiết thực cụ thể, minh bạch, tạo điều kiện để các doanh nghiệp kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt, việc cấp thẻ xanh, xây vùng xanh, thiết lập cung đường xanh cần cụ thể và có hướng đi, lộ trình thực địa, thực tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện.

Ông Bé hy vọng đến ngày 30/9 tới, dịch bệnh tiếp tục có chuyển biến tốt, thêm nhiều quận, huyện là vùng xanh, các doanh nghiệp FDI tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn sẽ được đón đội ngũ công nhân có thẻ xanh và vùng xanh, cung đường xanh được xác lập để tái khởi động và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Hà Nội luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư và doanh nghiệp

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội Đỗ Anh cho biết, trong thời gian qua, Thành phố đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp giảm thiểu khó khăn, từng bước vượt qua đại dịch.

Ngoài các công tác y tế và thực hiện quy định của Trung ương để phòng chống dịch, tránh đứt gẫy chuỗi cung ứng, từ đợt dịch đầu tiên vào tháng 3/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND Thành phố một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài như tạm dừng không thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Thành phố, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tập trung lo xây dựng phương án sản xuất kinh doanh.

Đồng thời chỉ đạo các ngành tập trung rà soát, giải quyết và hỗ trợ giải quyết ngay những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp FDI như về thủ tục tiếp nhận chuyên gia từ nước ngoài vào, chế độ xét nghiệm, tiêm vaccine, việc giải quyết các thủ tục hành chính, cụ thể về đầu tư, thuế, giao thông vận chuyển hàng hóa và các lĩnh vực khác cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Thành phố.

Tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ như giãn, giảm, gia hạn các khoản thuế, bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp, các khoản vay và hỗ trợ cho người sử dụng lao động, người lao động trong các doanh nghiệp FDI theo quy định của Chính phủ, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, không gây phiền hà hoặc tạo thêm vướng mắc trong thực hiện cho các doanh nghiệp.

“Để có thể chuyển giao công nghệ có hiệu quả từ khu vực FDI, chúng tôi cũng sẽ tham mưu những chính sách để thu hút hơn nữa toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm cả các ngành công nghiệp phụ trợ của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam”, ông Tuấn cho biết.

(còn nữa)

Theo Báo điện tử Chính phủ

COVID-19 và FDI tại Việt Nam: Tác động và triển vọngCOVID-19 và FDI tại Việt Nam: Tác động và triển vọng