Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn: Cần đảm bảo lợi ích hài hòa
Mới đây, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Tại Hội thảo “Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) - cho biết, ngành đồ uống Việt Nam hiện vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid19, chưa thể phục hồi trong thời gian ngắn. “Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chúng tôi kiến nghị cơ quan Nhà nước không nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lúc này, ít nhất sau năm 2025 để các doanh nghiệp có thời gian ổn định sản xuất, phục hồi lại”, ông Việt nói.
Đồng tình với phương án trên, đại diện một số doanh nghiệp kiến nghị, cần cân nhắc thời điểm áp dụng hợp lý. Cụ thể, tỉ lệ thuế tương đối hiện nay đã ở mức khá cao là 65%, đồng thời tạo ra sự không công bằng cho các sản phẩm bia có nồng độ cồn khác nhau, ngay cả sản phẩm bia có đồ cồn thấp hơn, ít tác hại hơn, lại phải chịu thuế nhiều hơn bia có độ cồn cao hơn.
Hơn nữa, thực tế cho thấy để tạo ra những sản phẩm giá trị chất lượng cao, thì nhà sản xuất phải đầu tư chi phí cao (ví dụ như sử dụng nguyên vật liệu đầu vào có giá trị cao hơn, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại hơn...), thậm chí có độ cồn thấp và ít tác hại hơn nhưng lại phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn.
Theo đó đối với cơ chế thuế hỗn hợp sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất bia trong nước. Khi áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp, cấu phần thuế tương đối sẽ giúp chi phí thuế được tự động điều chỉnh theo lạm phát khi tăng giá sản phẩm. Khi tăng giá bán sản phẩm, chi phí thuế tiêu thụ đặc biệt trên sản lượng là không đổi nên doanh nghiệp sẽ bù đắp được phần chi phí sản xuất tăng thêm. Từ đó, các nhà sản xuất có động lực để đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu các sản phẩm mới nhằm gia tăng thị phần, gia tăng giá trị của sản phẩm, thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành sản xuất trong nước.
Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu ý kiến, việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia nhằm điều tiết sản xuất - tiêu dùng một cách hợp lý là phù hợp và là xu thế tất yếu, song khi điều chỉnh tăng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn, các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm, hướng tới 3 mục tiêu. Đó là: Điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khoẻ con người; Đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước ổn định, bền vững; Đảm bảo tính công bằng của chính sách thuế cho xã hội và doanh nghiệp, bảo vệ ngành đồ uống trong nước.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị, các quốc gia nên cân nhắc việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt khi nồng độ cồn trong sản phẩm tăng lên. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới từ lâu cũng đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối dựa trên nồng độ cồn với bia, rượu (ví dụ: EU, Singapore, Úc, Nhật Bản…). Tức là bia, rượu càng có nồng độ cồn cao, sẽ càng chịu thuế cao. Qua thực tế cho thấy, đây là cơ chế khá công bằng, minh bạch vừa tăng khả năng cạnh tranh lại vừa giúp điều chỉnh hành vi lạm dụng bia, rượu. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang hệ thống này có thể mất nhiều thời gian và cần có lộ trình cụ thể. Vì vậy, đã có một số nước áp thuế hỗn hợp, tức là sử dụng cả 2 phương pháp tương đối và tuyệt đối với sản phẩm bia, rượu.
Hiện Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vẫn đang ở dạng đề xuất từ Bộ Tài chính. Dự luật chưa được đưa vào chương trình làm Luật. Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, lấy ý kiến từ các đơn vị liên quan trong đó có VCCI trước khi có quyết định tiếp theo.
Theo Báo Công Thương
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá như thế nào? Để đánh thuế một mặt hàng bất kỳ thì cần phải tính đến các yếu tố như thu nhập của người tiêu dùng, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định. Cân nhắc sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt (TTBĐ) đối với thuốc là cần phải có lộ trình hợp lý để hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và nhà nước. |
-
GS. TSKH Nguyễn Mại: Chưa nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong 2-3 năm tới
-
Tại sao nhiều bộ ngành đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng?
-
Tin tức kinh tế ngày 13/8: Đề xuất áp thuế thuốc lá 15.000 đồng/bao
-
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Tránh gây "sốc" cho thị trường
-
Chính sách thuế với đồ uống có cồn: Cần đảm bảo lợi ích và thực tế