Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá như thế nào?
Việt Nam đang cân nhắc sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Trong quá trình này, việc nghiên cứu thông lệ quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn từ một số quốc gia là điều cần thiết để chính sách mới khi được ban hành có thể hài hòa. Trong 3 phương thức đánh thuế đối với mặt hàng thuốc lá, số quốc gia chọn đánh thuế tuyệt đối là đông nhất (66 quốc gia), tiếp đến là thuế hỗn hợp (61 quốc gia) và thuế theo tỉ lệ phần trăm (47 quốc gia). So với gần 15 năm trước (2008) thì cách tính thuế hỗn hợp có sự gia tăng về số lượng quốc gia chọn lựa.
Việt Nam có 40 ngàn người tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá. |
Theo đó, Đức là minh chứng rõ ràng cho việc tăng thuế TTĐB quá mức (giai đoạn 2002-2005) ở cả hai cấu phần thuế theo tỷ lệ phần trăm và thuế tuyệt đối. Điều này đã dẫn đến việc giá bán lẻ thuốc lá hợp pháp tăng mạnh, từ đó khiến người tiêu dùng hướng tới các lựa chọn thay thế khác. Hậu quả là lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm khoảng 34% (giảm từ 145,2 tỷ xuống 95,8 tỷ điếu thuốc lá), Chính phủ đã mất một nguồn thu đáng kể trong khi các vấn đề về buôn lậu và thương mại xuyên biên giới tăng cao.
Từ năm 2005 trở đi, cấu phần thuế theo tỷ lệ phần trăm bắt đầu giảm dần trong khi cấu phần thuế tuyệt đối đã bắt đầu tăng dần đều. Với xu hướng này, Đức đã có thể đạt được mục tiêu tăng doanh thu của chính phủ cũng như giảm tiêu dùng. Từ năm 2010, bằng cách thực hiện Mô hình Thuế Thuốc lá theo hướng tăng dần thuế TTĐB một cách vừa phải trong một khoảng thời gian cụ thể (5 năm), Chính phủ Đức đã có được nguồn thu ngân sách dễ dự đoán hơn. Theo các báo cáo thống kê, nguồn thu ngân sách trung bình kể từ khi thực hiện mô hình này (tính từ năm 2011- 2019) đã tăng hơn 4,2% so với giai đoạn từ năm 2006 -2010.
Đối với Anh, trước khi rời Liên minh châu Âu (EU), Anh là nước có mức thuế gián thu đối với thuốc lá cao nhất trong số các thành viên EU. Ngay sau đó, Anh tiếp tục tái cơ cấu thuế TTĐB đối với thuốc lá. Cụ thể, từ 2011, giảm mạnh thuế TTĐB theo tỷ lệ phần trăm từ 24% xuống 16,5% trong khi cấu phần thuế tuyệt đối tăng lên khoảng 30%. Tiếp theo, từ năm 2017, ban hành chính sách thuế TTĐB tối thiểu (MET). Mức giá sàn được áp dụng cả hai thành phần thuế là thuế tuyệt đối và thuế theo tỷ lệ phần trăm. Mức thuế suất MET hiện tại (từ ngày 27/10/2021) là 347,86 bảng Anh trên 1.000 điếu thuốc.
Chính sách áp thuế thuốc lá cao quá mức nói trên đã thúc đẩy thị trường tiêu thụ thuốc lá bất hợp pháp và thuốc lá giả. Buôn bán thuốc lá lậu đã trở thành một vấn đề nổi cộm ở Anh (chiếm khoảng 20% thị phần). Để hạn chế sự gia tăng lượng thuốc lá lậu, Anh đã thực hiện nhiều chính sách, chiến lược khác nhau như: Thành lập Cục Biên phòng Anh quốc làm việc chặt chẽ với hải quan và kho bạc nhà nước, bổ sung số lượng lớn nhân viên hải quan và máy quét X-quang ở biên giới, tăng nặng các chế tài hình sự và dân sự đối với tội buôn lậu…
Gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới ra quyết định hạn chế, cấm thuốc lá điện tử. |
Trong khi đó, đối với các quốc gia châu Á, điển hình như Indonesia - thị trường thuốc lá lớn nhất Đông Nam Á đã từ bỏ hệ thống thuế theo tỷ lệ phần trăm và chuyển sang áp dụng chính sách thuế “tuyệt đối đa cấp” phức tạp hơn vào năm 2009, trong đó thuế TTĐB đối với thuốc lá được xác định dựa trên loại thuốc lá (kretek/non- kretek), phương pháp sản xuất (sản xuất bằng máy/thủ công), khối lượng sản xuất và giá banderol (hoặc giá bán lẻ thực tế).
Chính phủ Indonesia thực hiện tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá gần như hàng năm kể từ năm 2014 dựa trên chương trình cải cách thuế vì lợi ích cho sức khỏe khiến cho giá bán lẻ thuốc lá tăng khoảng 10-12% mỗi năm và thuế TTĐB đối với các sản phẩm thuốc lá thêm 23%. Kết quả là năm 2018, số thu thuế TTĐB đối với thuốc lá của Indonesia đạt khoảng 164,8 tỷ Rp, tăng từ khoảng 143,5 tỷ Rp trong năm 2015-2016. Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ thuốc lá tăng từ 8,2% lên 9% vào đầu năm 2020.
Ở Malaysia, thuốc lá trong nước đã phải đối mặt với vấn nạn thuốc lá lậu trong nhiều năm (thuốc lá bất hợp pháp ước tính chiếm hơn một nửa tổng thị phần), một phần do một số hòn đảo du lịch được xây dựng thành khu vực miễn thuế và tạo cơ hội cho việc bán bất hợp pháp vào phần còn lại của thị trường nội địa. Tuy nhiên, phần lớn là do việc tăng thuế cao và đột ngột tại Malaysia đã khiến giá thuốc lá hợp pháp tăng tương đối cao so với thu nhập của người dân và có một khoảng cách rất lớn giữa giá thuốc lá hợp pháp và thuốc lá lậu (thuốc lá hợp pháp đắt hơn khoảng 5 lần thuốc lá lậu).
Đơn giản hơn, Hàn Quốc có cơ cấu thuế tương đối đơn giản (hệ thống thuế tuyệt đối đơn bậc), không phụ thuộc vào giá bán mà dựa vào đơn vị tiêu thụ. Cơ cấu này cho phép chính phủ Hàn Quốc dự đoán tốt hơn doanh thu từ thuế và thiết lập một mức thuế hiệu quả. Đồng thời, bằng cách xây dựng mức thuế thuốc lá tự động điều chỉnh theo lạm phát, Hàn Quốc có thể tăng giá thuốc lá thực tế tương ứng để phản ánh sức mua thực tế của người tiêu dùng và mức độ chi trả của họ.
Tuy nhiên, cải cách thuế thuốc lá năm 2005 và 2015 với việc tăng mạnh thuế TTĐB đối với tất cả các sản phẩm thuốc lá đã khiến mức tiêu thụ thuốc lá ở Hàn Quốc giảm mạnh do giá thuốc lá tăng khá nhiều, nhưng các năm sau (2006 và 2016) đã chứng kiến mức tiêu thụ quay trở lại tương đối mạnh.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tăng thuế là cần thiết nhưng cần có lộ trình dài hạn, minh bạch. Nếu Việt Nam tăng thuế TTĐB gây sốc thì đây sẽ là gánh nặng và Việt Nam có thể sẽ đi theo vết xe đổ của Malaysia, Anh, Đức khi tăng thuế TTĐB đột ngột, đột biến. Đó là nạn thuốc lá lậu, thuốc lá bất hợp pháp tràn lan, lấn át thuốc lá truyền thống, khiến ngân sách thất thu, không đạt mục đích giảm lượng người hút thuốc và cũng có thể đẩy nhiều công ty thuốc lá vào chỗ đóng cửa còn người lao động thất nghiệp.
Tuyên truyền, khuyến khích cai nghiện thuốc là cần được chú trọng và thực hiện liên tục. |
Đưa ra các giải pháp hài hòa cho bài toán tăng thuế TTĐB, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cần dịch chuyển từ cơ cấu thuế theo tỷ lệ phần trăm sang cơ cấu hỗn hợp/thuế tuyệt đối, như Hàn Quốc đã làm. Hoặc là tăng thuế TTĐB từ từ, không nên tăng thuế đột ngột. Nếu không, như Malaysia, Anh, giá bán lẻ thuốc lá hợp pháp đột ngột tăng cao, khiến người tiêu dùng rời bỏ thuốc lá hợp pháp. Nguồn thu của Chính phủ khi đó sẽ trở nên mất ổn định và có thể giảm xuống.
Đặc biệt, các chuyên gia kiến nghị, việc điều chỉnh thuế nên thực hiện từng bước, bảo vệ tính hiệu quả của biện pháp trước lạm phát. Hiện nay, nhiều nước đã áp dụng cách tiếp cận này và điều chỉnh thuế suất định kỳ qua thời gian. Chẳng hạn Philippines đã bãi bỏ “chế độ giữ nguyên phân loại giá” và sau cuộc cải cách thuế năm 2017, Philippines cũng đã tăng mức thuế hàng năm để phù hợp với mức lạm phát. Tương tự, Hàn Quốc đã cố gắng điều chỉnh mức thuế thuốc lá so với lạm phát để họ có thể tăng giá thuốc lá thực tế một cách tương ứng nhằm phản ánh sức mua thực tế của người tiêu dùng và mức độ khả năng chi trả của họ.
Đưa ra góc nhìn khách quan từ chính sách thuế TTĐB tại nhiều quốc gia trên thế giới, bà Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng phương thức đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá trên thế giới khá đa dạng (tỷ lệ %, mức tuyệt đối hoặc hỗn hợp) tuy nhiên Việt Nam mới chỉ áp dụng phương thức đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá theo tỷ lệ phần trăm và phương thức này đang bộc lộ nhiều hạn chế như không theo kịp tốc độ lạm phát, khuyến khích sự gia tăng thuốc lá giá rẻ hiện đang sẵn có trên thị trường, từ đó, gia tăng khả năng tiếp cận và hút thuốc lá đối với thanh thiếu niên và tăng tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở trẻ em.
Rõ ràng, việc tăng thuế cao không phải là cách thức bền vững để cắt giảm tiêu dùng và giảm tỉ lệ hút thuốc, tạo nguồn thu cho chính phủ. Nếu cứ thúc ép tăng thuế, nâng giá thuốc lá thì chỉ làm tình trạng buôn lậu, thuốc lá kém chất lượng tăng cường xâm nhập và gây hại lớn hơn cho người dân. Cuộc chiến chống thuốc lá cần một sự kiên trì, mềm dẻo và linh hoạt hơn từ công tác tuyên truyền, khuyến khích đến các chính sách thuế hợp lý.
Tùng Dương
-
Nhiều khoảng trống pháp lý trong quản lý thuốc lá điện tử và nung nóng
-
GS. TSKH Nguyễn Mại: Chưa nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong 2-3 năm tới
-
Tại sao nhiều bộ ngành đề xuất bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng?
-
Tin tức kinh tế ngày 13/8: Đề xuất áp thuế thuốc lá 15.000 đồng/bao
-
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Tránh gây "sốc" cho thị trường