Áp lực buộc tăng giá sau Nghị định số 126/2020/NĐ-CP: Xe công nghệ có còn lợi thế?
Nghị định số 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 05/12/2020, Nghị định được kỳ vọng sẽ tạo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải khi áp dụng cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% đối với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Gojek... như đang áp dụng với xe truyền thống bấy lâu nay. Từ đó, các hãng xe công nghệ cũng đồng loạt tăng giá, kéo theo nhiều quan ngại về việc đánh mất lợi thế trên thị trường, liệu có thành sự thật?
Trước những áp lực từ quy định mới của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, liệu xe công nghệ có còn duy trì được vị thế? - Ảnh: VTC |
Cờ đến tay taxi truyền thống?
Thay vì tách riêng tài xế đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu như trước, theo cách tính mới của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán. Đây là phần thuế mà người dùng phải trả và doanh nghiệp chỉ là bên nộp hộ.
Với cách tính này, số thuế khách hàng phải trả trên một cuốc xe sẽ nhiều hơn trước, trong trường hợp giá cước và tỷ lệ chiết khấu được giữ nguyên, thu nhập thực tế của tài xế sẽ giảm so với trước tuy tỷ lệ đóng thuế của tài xế thấp hơn. Do đó, từ 05/12, một trong những “ông lớn” trên thị trường xe công nghệ hiện nay là GrabBike cũng đã áp dụng việc tăng giá cước.
Việc xe công nghệ đồng loạt tăng giá cước, liệu taxi truyền thống có cơ hội lên ngôi? - Ảnh: DS |
Theo đó, người dùng đi xe công nghệ sẽ đắt hơn và khi lợi thế vốn có là giá rẻ không còn, xe công nghệ có thể đứng trước nhiều thách thức, và “sóng gió” mới đây đã hiển hiện khi trong ngày 07/12, tại khu vực trước trụ sở Grab tại ngõ 78 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, rất đông tài xế xe máy công nghệ GrabBike đã tập trung tại đây, tắt App để phản đối việc đơn vị này tăng giá cước cho mỗi chuyến đi từ ngày 5/12.
Thông tin với báo chí, ông Tuấn Hà - CEO Vinalink, một chuyên gia về tiếp thị đánh giá, xe truyền thống vẫn có cơ hội lớn khi các hãng công nghệ buộc phải tăng giá cước.
Theo ông Tuấn Hà, "Giá xe công nghệ bình thường giờ đã ngang taxi, vào giờ cao điểm thì rất đắt, tăng tầm 2,8 lần. Do vậy, xe truyền thống nếu giờ cao điểm có đủ xe, gọi là có ngay, họ sẽ có cơ hội thắng được xe công nghệ".
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, xe công nghệ vẫn có khả năng duy trì sức hút bởi thời gian gắn bó của loại hình này với thị trường cũng đã đủ lâu để tạo thành thói quen, ngoài ra, mô hình với mức giá linh hoạt và khác về chất lượng dịch vụ cũng là lợi thế xe công nghệ đang có để tạo sức hút với thị trường hiện nay. Trong khi, nếu muốn trở lại cuộc đua thị phần, taxi truyền thống cũng cần cải thiện một loạt vấn đề như: thái độ tài xế, vệ sinh xe, sự tiện dụng,…
Tăng giá, xe công nghệ có thất thế?
Như đã nêu, những hệ lụy đã bắt đầu hiện hữu sau quyết định tăng giá cước của Grap, trong đó, là cuộc tụ tập phản đối trước trụ sở của nhiều tài xế xảy ra ngày 07/12, nguyên nhân dẫn đến cuộc lộn xộn này ngoài việc lo ngại về ảnh hưởng đến doanh thu sau mỗi cuốc xe, vấn đề nổi cộm khiến tài xế quan tâm là việc tăng giá sẽ khiến khách hàng thay đổi thói quen và trở lại với các loại hình vận tải truyền thống.
Thực tế, với hình ảnh là loại hình vận tải hành khách công nghệ, giá rẻ với nhiều khuyến mại, tuy nhiên, người dùng vẫn đang phải chi tiền để mua các gói ưu đãi, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm, giá cước có thể tăng đến 2-3 lần bình thường. Vậy nên, việc tăng giá trước áp lực của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của các hãng xe công nghệ cũng không thay đổi được thói quen của người dùng trong nhiều năm qua.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng giá cước không ảnh hưởng đến thói quen của người dùng khi được xây dựng rất bền vững nhiều năm qua - Ảnh: TTTĐ |
Thông tin với báo chí, ông Trương Văn Quý - Giám đốc EQVN, một chuyên gia về tiếp thị và thương hiệu chia sẻ: xe công nghệ, với Uber và Grab, đến Việt Nam cách đây 6 năm, họ mang theo lý thuyết "kinh tế chia sẻ" để xây dựng hình ảnh thương hiệu theo kiểu hiện đại, mới mẻ, về cơ bản, họ thuyết phục đại đa số người dùng bằng một công thức không thể hợp lý hơn cho thị trường Việt Nam là công nghệ và giá rẻ.
“Thời gian gắn bó với người dùng của xe công nghệ tại Việt Nam đã đủ lâu để tạo thói quen mới, ngoài ra, mô hình với mức giá linh hoạt và khác về chất lượng dịch vụ cũng ảnh hưởng tới quyết định người tiêu dùng”, ông Quý nói.
Bên cạnh đó, cũng cần phải nhắc tới, những năm gần đây, các đơn vị gọi xe không còn nhận mình là ứng dụng gọi xe, mà tự mô tả bản thân với các tên gọi "siêu ứng dụng" hay "nền tảng đa dịch vụ", trong đó, gọi xe chỉ là dịch vụ làm quen ban đầu, để triển khai tiếp các dịch vụ như giao hàng, gọi đồ ăn, tài chính...
Thực tế với Grab hay Gojek, gọi đồ ăn mới là mảng có biên lợi nhuận cao hơn chở khách, do vậy, duy trì thu nhập cho công ty và tài xế trước những quy định mới của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP không phải là không khả thi.
Dù đánh giá những điểm mới của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP cũng sẽ mở ra cơ hội cho taxi truyền thống, ông Tuấn Hà - CEO Vinalink cũng phải thừa nhận, thế mạnh lớn nhất của các hãng gọi xe công nghệ đến giờ không còn là giá. Dù lần này tăng giá cước, nhưng các hãng gọi xe công nghệ vẫn sở hữu lợi thế cạnh tranh chủ yếu nằm ở thói quen người dùng.
Theo DĐDN
Xe công nghệ: Người dùng hết thời hưởng giá rẻ, tài xế ngao ngán thở dài |
Thị trường gọi xe: Khe cửa hẹp cho các tân binh |
Từ 1/8, ô tô kinh doanh vận tải phải đổi sang biển số màu vàng |
-
Một chọi cả trăm, tài xế xe công nghệ "mơ" được làm công nhân
-
Cử nhân bỏ việc ổn định làm tài xế xe công nghệ 8 năm: "Hối hận cũng muộn!"
-
Grab đã “tìm thấy” lợi nhuận đầu tiên?
-
Grab sắp có đợt sa thải lớn nhất kể từ sau đại dịch
-
Từ Grab đến GoTo đều hụt hơi, Đông Nam Á đang trải qua "mùa đông gọi vốn"
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên