300 ngày khốc liệt của cuộc xung đột Nga - Ukraine
169 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
Sau 300 ngày giao tranh dữ dội với Nga, nhiều thành phố ở Ukraine tiếp tục bị phá hủy nghiêm trọng. Xung đột vẫn tiếp diễn, đặc biệt là tại các chiến trường ở miền Nam và miền Đông Ukraine.
Ngày 24/2, các lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã tiến hành một chiến dịch tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Theo những tính toán ban đầu của quân đội Nga, cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể chỉ kéo dài khoảng 100 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, 300 ngày đã trôi qua, cuộc xung đột giữa 2 nước láng giềng ở châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong ảnh, một trong những đợt pháo kích đầu tiên được ghi nhận tại thủ đô Kiev vào ngày 26/2 (Ảnh: Reuters).
Nhiều người Ukraine đã buộc phải rời bỏ quê hương sau khi xung đột bùng phát. Ba Lan, Đức cùng nhiều quốc gia ở châu Âu là những điểm đến phổ biến của những người tị nạn Ukraine. Trong ảnh, dòng người và phương tiện khẩn trương rời khỏi thành phố Kharkov vào ngày 24/2, trước khi xung đột lan tới khu vực này (Ảnh: Reuters).
Binh sĩ Ukraine chốt chặn tại cửa ngõ thành phố Kiev. Quân đội Nga đã đặt quyết tâm giành được quyền kiểm soát thủ đô của Ukraine trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Tuy nhiên, kế hoạch của Nga đã không thành công (Ảnh: Reuters).
Người dân Ukraine chuẩn bị bom xăng cho các lực lượng phòng thủ (Ảnh: Reuters).
Để hỗ trợ lực lượng chủ lực, những người ở lại, đa phần là nam giới, nhanh chóng được tổ chức thành các đội tự vệ. Trong ảnh, dân quân Ukraine đang tập ném bom xăng ở thành phố Zhytomyr (Ảnh: Reuters).
Ảnh chụp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 1/3. Sự kiên cường của ông Zelensky trước những sức ép dữ dội trong cuộc chiến được nhiều người dân Ukraine và thế giới đánh giá cao (Ảnh: Reuters).
Với ưu thế hỏa lực vượt trội, quân đội Nga đã giành được những ưu thế trong thời gian đầu xung đột và gây ra nhiều thiệt hại cho phía Ukraine (Ảnh: Reuters).
Tuy nhiên, kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Nga đã không đạt được mục tiêu đề ra. Quân đội Nga vì vậy đã quyết định rút khỏi thủ đô Ukraine vào đầu tháng 4 (Ảnh: Reuters).
Nghệ sĩ Oleksey Beregoviy từ Dàn nhạc giao hưởng Kiev biểu diễn trước hàng rào chống tăng tại Quảng trường Độc lập ở trung tâm thủ đô (Ảnh: Reuters).
Sau khi Nga rút khỏi Kiev, xung đột vẫn diễn ra quyết liệt tại nhiều vùng lãnh thổ Ukraine. Trong ảnh, người đàn ông đi qua đám cháy sau một vụ pháo kích ở Kharkov (Ảnh: Reuters).
Đến đầu tháng 5, khu vực nhà máy luyện kim Azovstal ở Mariupol trở thành điểm nóng chính của xung đột Nga - Ukraine. Quân đội Nga đã tổ chức nhiều đợt "tấn công vũ bão", trong khi các binh sĩ thuộc Tiểu đoàn Azov của Ukraine nỗ lực bám trụ dưới các tầng hầm bên trong nhà máy. Hình ảnh trên ghi lại cảnh đoàn xe tăng của Nga tiến về thành phố Mariupol (Ảnh: Reuters).
Hình ảnh nhà máy luyện kim Azovstal bị khói đen bao phủ sau những đợt pháo kích của quân đội Nga (Ảnh: Reuters).
Trước các đợt tấn công của Nga, quân đội Ukraine ngày 17/5 đã lệnh cho các tay súng đang cố thủ bên trong nhà máy luyện kim Azovstal đầu hàng để bảo toàn mạng sống. Trong ảnh, các binh sĩ phòng thủ pháo đài Azovstal được đưa lên xe để tới các trại tù binh do Nga kiểm soát (Ảnh: Reuters).
Sau giai đoạn đầu của cuộc chiến, quân đội Ukraine đã được tiếp thêm sức mạnh từ các hệ thống vũ khí uy lực do Mỹ viện trợ. Trong ảnh, pháo phản lực HIMARS tập kết tại một địa điểm ở gần khu vực Zaporizhia, miền Nam Ukraine (Ảnh: Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine).
Những vũ khí trên đã giúp quân đội Ukraine dần giành lại ưu thế trên chiến trường. Trong ảnh, nhiều xe tăng Nga bị bắn cháy tại thị trấn Bucha (Ảnh: Reuters).
Các vụ tấn công của Nga đã gây ra cho Ukraine nhiều tổn thất nặng nề. Tiêu biểu trong số đó là việc vận tải cơ huyền thoại An-225 đã bị phá hủy (Ảnh: Reuters).
Những thắng lợi đầu tiên của Ukraine đến vào tháng 9, sau khi các đợt phản công của quân đội nước này đã buộc Nga phải rút khỏi Kharkov (Ảnh: Reuters).
Những vỏ đạn pháo phản lực phóng loạt bị Nga bỏ lại sau khi rút khỏi Kharkov (Ảnh: Reuters).
Đến ngày 8/10, Nga cáo buộc quân đội Ukraine đánh bom cầu Crimea, cây cầu huyết mạch bắc ngang qua eo biển Kerch nối liền lục địa Nga với bán đảo Crimea (Ảnh: Reuters).
Vụ tấn công cầu Crimea và các tuyến đường tiếp viện khác tại khu vực miền Nam Ukraine buộc quân đội Nga phải rút lui khỏi thành phố chiến lược Kherson để bảo toàn lực lượng. Trong ảnh, binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo tự hành 2S7 vào các mục tiêu quân sự của Nga tại Kherson (Ảnh: Reuters).
Để đáp trả đà phản công của Ukraine, quân đội Nga đã liên tục tổ chức các cuộc tập kích đường không bằng tên lửa hành trình và UAV cảm tử nhằm vào nhiều khu vực trên khắp lãnh thổ Ukraine. Hạ tầng năng lượng của Ukraine đã bị hư hỏng nghiêm trọng, đẩy hàng triệu người vào cảnh mất điện, khí đốt và nước sinh hoạt (Ảnh: Reuters).
Cảnh đổ nát tại thủ đô Kiev sau vụ tập kích của UAV cảm tử Nga vào tháng 12/2022 (Ảnh: Reuters).
Đáp lại, quân đội Ukraine cũng tổ chức nhiều đợt pháo kích nhằm vào các cơ sở quân sự của Nga. Trong ảnh, một máy bay Su-25 của Nga bay ngang qua một kho nhiên liệu đang bốc cháy của lực lượng thân Moscow tại Donetsk (Ảnh: Reuters).
Thời gian gần đây, giao tranh đang diễn ra vô cùng quyết liệt tại khu vực miền Đông Ukraine khi cả 2 phe đều muốn giành được những lợi thế nhất định trước khi mùa đông ập tới. Trong ảnh, 2 binh sĩ Ukraine đứng gác tại thành phố Bakhmut, "chảo lửa" mới tại Donetsk, miền Đông Ukraine (Ảnh: Reuters).
Theo Dân trí