Y án chung thân với nguyên Chủ tịch HĐTV CIMCO Chu Minh Ngọc
Ngày 8/8/2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng cáo của các bị cáo trong vụ án Chu Minh Ngọc và đồng phạm lừa đảo tiền ngân hàng. Bị cáo Chu Minh Ngọc, SN 1976 nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây lắp và Vật liệu công nghiệp (CIMCO) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và phần trách nhiệm dân sự.
Các bị cáo nghe lời tuyên án trước tòa. |
6 bị cáo đồng phạm cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gồm Hà Trùng Dương (nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu vật tư thiết bị Tam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư kỹ thuật TMC), Lê Thị Hương (nguyên Kế toán trưởng CIMCO), Trần Mạnh Hải (thành viên Công ty cổ phần Thép Vinarich, nay đổi tên là Công ty cổ phần Thép Phú Thịnh); Lê Thành Dũng (Giám đốc CTCP Kinh doanh dịch vụ Vạn Lộc); Nguyễn Văn Phượng (nguyên Đội trưởng Đội bảo vệ Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ Năm Sao); Vũ Duy Trinh (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ 24/7).
Hai bị cáo là cựu cán bộ ngân hàng gồm Nguyễn Văn Khuê (nguyên Chuyên viên Phòng khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng OCB Thăng Long) và Lương Duy Huỳnh (nguyên Giám đốc PGBank Thăng Long) cũng xin giảm nhẹ hình phạt.
Trước đó, năm 2018, cấp sơ thẩm phạt bị cáo Ngọc mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo còn lại từ mức án 3 năm tù treo đến 16 năm tù giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
Bản án sơ thẩm xác định, vì muốn có tiền để trả nợ cũ tại các ngân hàng và để sử dụng kinh doanh, Chu Minh Ngọc đã chỉ đạo Lê Thị Hương và nhờ các bị cáo khác tạo dựng hồ sơ mua bán thép qua lại không có thật, tài sản thế chấp không đầy đủ để hợp thức hồ sơ vay vốn ngân hàng.
Khấu trừ số tiền mà bị cáo đã trả cho các ngân hàng và trị giá tài sản bảo đảm, bị cáo Chu Minh Ngọc bị truy tố số tiền chiếm đoạt là 132 tỷ đồng. Tòa sơ thẩm cũng buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền trên cho OCB và PGBank.
Bị cáo kháng cáo cho rằng, không chiếm đoạt tiền để sử dụng cá nhân mà số tiền này nằm trong CIMCO.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân lập luận, bị cáo là người thành lập Công ty CIMCO và chiếm 95% vốn điều lệ. Bị cáo cũng là người điều hành trực tiếp và là người đại diện theo pháp luật. Do đó, bản án sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường số tiền trên là có căn cứ. Có thể dành quyền cho bị cáo khởi kiện dân sự với các cổ đông khác, nếu bị cáo có yêu cầu.
Bị cáo Lương Duy Huỳnh (PGBank Thăng Long) mong HĐXX xem xét đến hoàn cảnh năm 2011 là thời điểm kinh tế suy thoái, thắt chặt tiền tệ nên ngân hàng đồng ý nhận thế chấp hàng hóa tồn kho. Bị cáo thừa nhận chưa hoàn thành nhiệm vụ, và vụ án là bài học sâu sắc đối với bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện PGBank có ý kiến đề nghị giảm án cho bị cáo Huỳnh.
Sau khi xem xét, cấp phúc thẩm cho rằng, đối với bị cáo Ngọc, số tiền chưa khắc phục là rất lớn nên không có căn cứ chấp nhận đơn kháng cáo. Còn các bị cáo đồng phạm giữ vai trò giúp sức, không được hưởng lợi, tỏ ra ăn năn hối cải, xuất trình một số tài liệu mới như gia đình có công cách mạng… Do đó, có căn cứ chấp nhận đơn kháng cáo.
Từ đó, HĐXX phúc thẩm tuyên bị cáo Ngọc mức án chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo còn lại được giảm án từ 1-2 năm tù giam. Theo đó, bị cáo Dương lĩnh án 12 năm tù; Hương 11 năm tù; Trinh 7 năm tù; Dũng 6 năm tù, Phượng 5 năm tù, Hải 4 năm tù. Bị cáo Huỳnh lĩnh án 4 năm tù, Khuê 3 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Ngọc phải hoàn trả cho OCB số tiền 49 tỷ đồng, PGBank 82 tỷ đồng.
Tùng Phong
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Thủ tướng đề nghị 4 tập đoàn hàng đầu của UAE đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược của Việt Nam
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam