Xung quanh việc thuốc kém chất lượng: Chỉ “chết” bệnh nhân thôi!
Năng lượng Mới số 282
Mỗi tháng có 10 loại thuốc bị thu hồi
Liên tục trong thời gian gần đây, trên một số phương tiện truyền thông, thông báo cụ thể về một loại dược phẩm nào đó hoặc là bị cơ quan quản lý trong nước là Bộ Y tế hoặc là cơ quản kiểm duyệt của nước ngoài, thậm chí của chính hãng sản xuất thu hồi do chất lượng sản phẩm không bảo đảm, gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của người sử dụng. Theo thống kê của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2013, đã có 100 loại thuốc có tên trong danh sách bị thu hồi do không bảo đảm chất lượng. Thường những loại thuốc này, sau khi tung ra thị trường, đã chỉ định điều trị cho bệnh nhân với thời gian nhanh là vài tháng còn lâu phải hàng năm tính từ khi được cấp phép lưu hành mới thu hồi.
Chất lượng thuốc kém, bệnh nhân... tự chịu
Bà Nguyễn Thanh Nga, 65 tuổi ở Kim Mã, Quận Ba Đình, Hà Nội vốn là người hay bị viêm họng, viêm phế quản do tuổi cao sức yếu, đặc biệt mỗi khi thay đổi thời tiết thì bà còn ho rũ rượi như bị rút gan ruột. Vì vậy, năm ngoái, sau khi ra cửa hàng dược phẩm mua thuốc bà được giới thiệu có loại thuốc mới là thuốc ho Quảng An Cao chỉ khái, chế phẩm từ thảo dược có công dụng mát phổi thế là bà mua thuốc này như là “bí quyết” phòng ngừa và trị bệnh của mình. Bà còn biến nó thành “vật bất ly thân” trong những ngày giao mùa. Thế nhưng mới vừa rồi, nghe con trai về thông báo loại thuốc Quảng An Cao chỉ khái mà bà đang dùng có quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi từ Bộ Y tế do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu tỷ trọng và chỉ tiêu cặn sau khi bay hơi, đặc biệt với lô thuốc số 01-03013, hạn dùng 3/3/2015, số đăng ký: VND-4699-05, bà dừng hẳn không uống loại thuốc này nữa. Trong nhà có mấy lọ dự trữ bà cũng vứt luôn. Tuy nhiên, trong lòng bà day dứt, băn khoăn một điều: liệu sức khỏe có ảnh hưởng không khi bà đã sử dụng không ít thuốc ho Quảng An Cao chỉ khái?
Cùng tâm trạng như bà Nga, rất nhiều người đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, thường xuyên đau ốm mỗi khi trái nắng trở trời đã lo lắng đến mất ăn mất ngủ khi hay tin, Bộ Y tế thu hồi Thuốc Hồng Huyết, loại thuốc nước đóng chai 250ml, có công dụng: bổ máu, trị đau lưng, nhức mỏi… lô số: 2.9.2012, hạn dùng: 3.2014, vì không đạt chỉ tiêu về cặn sau khi bay hơi. Bà Vũ Thị Hồng, 71 tuổi ở Hàng Điếu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ngay tại cửa hàng thuốc đã dồn dập hỏi dược sĩ bán hàng tại đây rằng: việc bà uống mấy chai thuốc sản xuất đúng lô hàng bị thu hồi thì sức khỏe có ảnh hưởng gì không và nếu ảnh hưởng thì biểu hiện bệnh sẽ như thế nào?… Tương tự, vợ chồng bà Nguyệt, ông Thanh ở Dốc Thọ Lão, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng cùng nỗi niềm như vậy. Tuy nhiên, khác với những người “đồng niên” trên, ông bà lạc quan hơn khi chủ động chuẩn bị nếu có bất cứ biểu hiện gì bất thường về sức khỏe sẽ đi bệnh viện để khám ngay.
Ai dùng nấy chịu
Theo dược sĩ Nguyễn Đăng Hòa, Hiệu trưởng Trường đại học Dược Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm, Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc nhận định việc uống phải thuốc kém chất lượng hoặc thuốc giả chắc chắn sẽ gây tổn hại sức khỏe của bệnh nhân. Tính theo tỷ lệ, nếu tác dụng phụ của thuốc thật, thuốc “chuẩn” trong khoảng 1/10.000-1/100.000 thì thuốc giả, kém chất lượng phải lên đến 1/10, thậm chí gây “hiệu ứng” lập tức là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc. Nhưng đó chỉ là với những bệnh nhân có bệnh lý thông thường. Còn với những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính thì hậu quả khôn lường, không thể nào nói hết được. Như bệnh nhân tiểu đường chẳng hạn, chẳng may uống phải thuốc hạ đường huyết kém chất lượng, chưa nói đến tác dụng phụ, chỉ đề cập đến hiệu quả thì việc thuốc không có tác dụng sẽ dẫn đến: không làm đường huyết hạ, ngược lại còn tăng do không có thuốc khống chế, như vậy rất nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân.
Hay như trường hợp có bệnh nhân phải cấp cứu ở Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai với biểu hiện đau bụng kéo dài, sốt không rõ nguyên nhân, nôn thốc tháo, hoa mày chóng mặt… Đến khi siêu âm, các bác sĩ mới tá hỏa khi thấy trong dạ dày của bệnh nhân đầy… vỏ thuốc hình con nhộng. Nguyên nhân là do uống phải thuốc giả, kém chất lượng nên chất bột có trong thuốc đã đọng thành lớp trong dạ dày gây đau bụng và ngộ độc toàn thân. Cùng với đó, vỏ thuốc không tiêu hóa được cũng góp phần làm cho bệnh nhân trở nên như vậy.
Nhưng bệnh nhân này là trường hợp hiếm hoi được cứu sống. Còn một số bệnh nhân khác bị ngộ độc nặng lại đi cấp cứu muộn vì vậy không điều trị kịp dẫn đến tử vong.
Vậy việc kiểm soát chất lượng thuốc hiện nay diễn ra như thế nào?
Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho báo chí biết: Các sản phẩm thuốc nói chung trước khi lưu hành trên thị trường đều được kiểm nghiệm chất lượng, theo dõi các phản ứng phụ bên cạnh thẩm định hồ sơ rồi mới cấp giấy phép lưu hành. Tuy nhiên, ông Cường cũng thừa nhận, có những loại thuốc, nhất là thuốc mới, phải sử dụng trên người bệnh mới phát hiện ra “có vấn đề”, nghĩa là người bệnh, đặc biệt những người đầu tiên sử dụng như là “thí nghiệm” cho loại thuốc. Nhưng quan trọng hơn cả ông Cường cho biết: “Khả năng của hệ thống kiểm nghiệm dược trong nước về cảnh báo độc tố vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là với thuốc nhập khẩu”.
Như vậy, sử dụng thuốc kém chất lượng là nguy cơ mà người bệnh lúc nào cũng phải đối mặt và việc bệnh nhân phải tự chịu hậu quả do thuốc kém chất lượng gây ra cũng là điều chắc chắn. Đúng như ông Trịnh Văn Lẩu, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương nhận định: “Trong trường hợp người bệnh đã trót uống hết số thuốc kém chất lượng trước khi chúng có quyết định phải thu hồi thì không còn cách nào nào khác là phải… tự chịu nếu có biến chứng xảy ra”. Nếu là thuốc nhập khẩu, điều này càng rõ ràng nữa do cơ quan quản lý không thể truy trách nhiệm đến tận nhà sản xuất vì ở nước ngoài mà cách giải quyết từ trước tới nay chỉ… ngừng cấp phép lưu hành là tối đa là hết mức. Chưa kể đến, khoảng thời gian từ khi phát hiện thuốc kém chất lượng cho đến khi thông báo, quyết định thu hồi phải kéo dài hàng tháng đã làm cho lượng thuốc phải thu hồi tiêu thụ được lượng lớn, thậm chí hết sạch cũng làm cho việc truy cứu trách nhiệm trở nên khó khăn.
Có thể thấy người bệnh quả là trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” bởi sử dụng thuốc vẫn là việc không thể đừng mỗi khi ốm đau, bệnh tật trong khi chất lượng thuốc lại phụ thuộc vào hệ thống kiểm định của cơ quan chức năng, không thể chủ động để phòng ngừa. Hệ thống kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng như đã nói lại… khó khăn, bất cập. Nhưng vẫn phải nói rằng, khó khăn bất cập ấy, thể hiện công tác quản lý chưa hiệu quả, thiếu trách nhiệm đối với người bệnh của cơ quan chức năng. Chỉ đơn cử việc “cỏn con” như thế này: trong thông báo thu hồi thuốc của cơ quan hữu trách, người ta chỉ thấy đơn thuần là thông báo và việc đó phải nói rằng chỉ hữu ích trong khuyến cáo không nên sử dụng thuốc. Còn với những bệnh nhân đã sử dụng thuốc thì không có một cảnh báo nào về biến chứng do dùng thuốc cũng như sự nhận trách nhiệm từ cơ quan hữu trách!? Hay thời gian từ khi phát hiện đến lúc thu hồi thuốc quá dài để cho nhiều bệnh nhân trở thành nạn nhân của nạn thuốc kém chất lượng, thuốc giả.
Vì vậy, trong hoàn cảnh này, chỉ “chết” bệnh nhân nếu chẳng may dùng phải dược phẩm không bảo đảm chất lượng. Nỗi khổ này không biết bao giờ mới hết!
Anh Trịnh
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường