Xuất khẩu vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn trong 6 tháng cuối năm
Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine… nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn phục hồi mạnh mẽ với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4%. |
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực vẫn thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và khối các ngành có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, một loạt mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều có tốc độ tăng trưởng 2 con số và giá trị vượt 10 tỷ USD.
Có thể kể đến như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 27 tỷ USD, tăng 13%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 21,3 tỷ USD, tăng 24,3%; hàng dệt và may mặc đạt 18,65 tỷ USD, tăng 21,6%... Đặc biệt, mặt hàng điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 28,58 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 13,5%), chiếm 8,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Những mặt hàng tăng trưởng cao trong nhóm này gồm có: Thủy sản tăng 39,6%; cà phê tăng 21,7% về lượng và tăng 49,7% về kim ngạch xuất khẩu do giá xuất khẩu cà phê tăng cao. Ngược lại, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm như: Rau quả giảm 17,2%; nhân điều giảm 8%...
Trong tháng 6/2022, điểm sáng trong xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản là xuất khẩu thủy sản do nhu cầu cao của thị trường thế giới và uy tín của thủy sản Việt Nam được đảm bảo từ các chính sách linh hoạt cũng như sự quyết đoán của Chính phủ trong việc hỗ trợ ngành thủy sản vượt qua dịch Covid-19.
Xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong tháng 6/2022 cũng tiếp tục tăng mạnh ở hầu hết các mặt hàng, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 489 triệu USD, tăng 5,5% so với tháng 5/2022 và tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu than đá tiếp tục có mức tăng trên 2 con số cả về lượng và trị giá xuất khẩu khi tăng tới 47% về lượng và tăng 55% về trị giá so với tháng trước nhưng giảm 35,4% về lượng và tăng 127,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Còn xuất khẩu dầu thô lại tăng 93% về sản lượng và tăng 64% về trị giá so với tháng trước.
Xuất khẩu dầu thô và than đá có mức tăng trưởng kỷ lục trong 6 tháng qua. |
Ngược lại, xuất khẩu xăng dầu các loại giảm cả về lượng và trị giá xuất khẩu so với tháng trước khi lần lượt giảm 62% và 57%. Xuất khẩu quặng và khoáng sản các loại giảm 9% về lượng và giảm 26% về trị giá. Trong đó, việc xuất khẩu xăng dầu giảm do giá dầu thô trên thế giới liên tục tăng cao khiến giá xăng dầu thông dụng trong nước cũng liên tục lập đỉnh. Để ổn định nguồn cung và bình ổn giá xăng dầu trong nước nên các cơ quan ban ngành cũng như các nhà máy lọc hóa dầu đã hạn chế tối đa xuất khẩu xăng dầu.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản vẫn tăng mạnh, đạt 2,47 tỷ USD và tăng 53,8% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ giảm 0,1%).
Có thể thấy rằng, với sự điều hành linh hoạt và hiệu quả của Chính phủ, cùng với khát khao vươn lên nắm bắt cơ hội phát triển của doanh nghiệp và người dân Việt Nam, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta trong 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều dấu hiệu tích cực. Nhưng bên cạnh đó cũng phải thấy rằng với một nền kinh tế có độ mở cao, chịu tác động rất lớn từ các cuộc khủng hoảng địa chính trị như tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine… tạo lực cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế toàn cầu, cũng như Việt Nam.
Bên cạnh đó, những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn. Sự gián đoạn nguồn cung (dầu khí, năng lượng) kéo theo giá cước vận tải gia tăng đã làm giảm sức mạnh phục hồi của thương mại hàng hóa bị đình trệ. Giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất tiếp tục tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hóa lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, gây nguy cơ khủng hoảng an ninh năng lượng, lương thực, tạo áp lực lớn đến lạm phát và sự phát triển một số ngành sản xuất công nghiệp của nước ta.
Tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc vẫn đang tiếp diễn. |
Mặt khác, việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero Covid”, tiến hành kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt tại các cửa khẩu xuất hàng của Việt Nam. Trong khi các tỉnh biên giới phía Bắc còn chậm trễ trong việc đầu tư về hạ tầng logistics (bến bãi, điểm trung chuyển hàng hóa và các kho lưu trữ hàng hóa đạt chuẩn quốc tế…) đã dẫn đến việc chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hàng hóa ùn tắc tại cửa khẩu biên giới phía Bắc của nước ta…
Chính những lý do nêu trên cho thấy 6 tháng cuối năm rất có thể lại tiếp diễn tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển khiến hàng hóa xuất khẩu tiếp tục ùn ứ tại toàn bộ các cửa khẩu phía Bắc, rồi hàng nghìn tấn nông sản xuất khẩu sẽ tiếp tục phải "quay đầu" bán tháo trong nước. Đặc biệt là các ngành hàng sản xuất theo đơn như dệt may, chế biến có thể phải chịu lỗ khi nguyên vật liệu cũng như giá cả vận chuyển đang leo thang từng ngày như hiện nay. Bởi vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cần sớm triển khai các phương án như chuyển phương thức xuất khẩu, tăng cường chuẩn bị nguyên vật liệu, phụ kiện cho sản xuất lâu dài.
Thành Công
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Tin tức kinh tế ngày 24/9: Tiền Đồng dự báo tiếp tục tăng giá
-
Nâng cao năng lực phát triển xuất khẩu xanh cho doanh nghiệp
-
Lệnh tạm dừng cấp phép LNG của Hoa Kỳ thúc đẩy bùng nổ xuất khẩu ở Canada và Mexico
-
Tin tức kinh tế ngày 14/9: Việt Nam có tháng thứ 5 liên tiếp tăng trưởng thương mại
-
Online Friday 2024: Lan tỏa giá trị hàng Việt Nam trên nền tảng số
-
Giá vàng hôm nay (26/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh
-
Lo ngại bị đối xử thiếu bình đẳng trong dự thảo quy định hoàn thuế GTGT
-
Giá vàng hôm nay (25/10): Tăng trở lại
-
Giá vàng hôm nay (24/10): Thị trường thế giới giảm trước áp lực chốt lời