Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giữ đà tăng trưởng
Thực hiện tốt mục tiêu kép
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 9 tháng qua, nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong bối cảnh dịch Covid-19, ngành nông nghiệp vẫn bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tôm, cá tra, cá ngừ là 3 dòng sản phẩm chính xuất khẩu sang Mỹ |
Các mặt hàng nông lâm thủy sản tăng cả về số lượng và giá trị xuất khẩu. Trong 9 tháng, ngành nông nghiệp xuất siêu hơn 3,3 tỷ USD. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là 4 thị trường xuất khẩu chính của nông lâm thủy sản Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao, như: Cà phê, cao su, rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm gỗ; mây tre…
Nông sản Việt Nam tập trung xuất khẩu chủ lực vào thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ, giá trị nông, lâm, thủy sản xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 10,2 tỷ USD, bỏ xa thị trường Trung Quốc đứng thứ hai với gần 6,8 tỷ USD. Các mặt hàng rau, quả, gạo, thủy sản, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu cũng tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 9 tháng nói riêng đạt 6,2 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam đồng thời cũng là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 11 của Hoa Kỳ với 30.000 tấn, tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, con số xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 35,5 tỷ USD đã chứng tỏ sự nỗ lực của toàn ngành trong thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa đẩy mạnh sản xuất như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Có được kết quả như vậy, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, phân phối, lưu thông, chế biến, tiêu thụ nông sản (cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp) ngay khi các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch đã được minh chứng thông qua việc thành lập Tổ công tác phía Nam (Tổ công tác 970), Tổ công tác phía Bắc (Tổ công tác 3430) để chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền các địa phương; các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản.
Xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ trong điều kiện giãn cách xã hội. Bộ NN&PTNT cũng đã đẩy mạnh việc tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường nông sản với các nước: Peru, Australia, Brazil, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Séc...
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu cuối năm
Dù đạt nhiều kết quả tích cực, song từ nay đến cuối năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nhận định vẫn phải đối mặt với các yếu tố bất lợi, như: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước; cước vận tải tăng cao; sự kiểm soát chất lượng sản phẩm chặt chẽ của các thị trường nhập khẩu...
Vì vậy, để duy trì được sản xuất, giảm thiểu nguy cơ đứt gãy hoàn toàn chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản, làm cơ sở giúp nông nghiệp tăng trưởng, tăng kim ngạch xuất khẩu thời gian tới. Theo đánh giá của các chuyên gia về nông nghiệp, từ nay đến cuối năm 2021, thủy sản, chăn nuôi vẫn là 2 lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng tốt lẫn tăng kim ngạch xuất khẩu nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát.
Cuối năm cũng là thời điểm nhu cầu về nông sản của các nước tăng cao, nhiều nước thu mua dự trữ nông sản cho năm tiếp theo để đề phòng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Thông thường, quý IV hằng năm là quý có kim ngạch xuất khẩu thủy sản cao nhất so với các quý khác. Vì thế, 3 tháng còn lại của năm 2021, ngành thủy sản sẽ quyết tâm phấn đấu tăng sản lượng cả khai thác và nuôi trồng, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,7 tỷ USD.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) Đinh Cao Khuê thông tin, những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ trái cây của các nước trên thế giới tăng cao, doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu...
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 5,6% năm 2021, điều này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp xuất khẩu nông sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh
Từ nay đến hết năm 2021 còn rất nhiều công việc Bộ NN&PTNT cần phải triển khai thực hiện để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm như kịch bản tăng trưởng đã đề ra. Bộ NN&PTNTN cho biết, sẽ có những biện pháp chỉ đạo điều hành kịp thời, linh hoạt nhằm thúc đẩy phát triển những lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng để bù cho những lĩnh vực khó đạt. Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 33,2%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng từ 3,2-3,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 đạt khoảng 44 tỷ USD…
Bộ sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp để khôi phục sản xuất, đó là: Đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh phát triển thị trường; thúc đẩy tiêu thụ nông sản; tháo gỡ những khó khăn về vốn; tháo gỡ khó khăn về lao động cho doanh nghiệp chế biến nông sản.
Minh Châu
-
Tin tức kinh tế ngày 27/10: Thanh, kiểm tra các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam
-
Giá vàng trong tuần (21/10-27/10): Kết thúc tuần tăng giá
-
Đức ký kết hợp đồng mua khí đốt tự nhiên của Mỹ trong 10 năm
-
Chủ tịch HĐQT Shinec: Kinh doanh tín chỉ carbon như "bán đàn vịt giời"
-
Apple bị “soán ngôi” công ty giá trị nhất thế giới