Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh, đạt gần 9,5 tỷ USD trong 11 tháng
Theo số liệu ước tính, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 11/2019 đạt 900 triệu USD, giảm 13,2 % so với tháng trước, tăng 7,1% so với tháng 11/2018. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 700 triệu USD, giảm 6,4% so với tháng trước, tăng 14,7% so với tháng 11/2018. Trong 11 tháng năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 9,45 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2018; xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,8 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện, gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường xuất khẩu lâm sản chính của Việt Nam, gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, tổng giá trị xuất khẩu sang các thị trường này chiếm khoảng 87% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh trong 11 tháng |
Mặc dù đã bước vào tháng cuối năm 2019, nhưng tốc độ tăng trưởng trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn rất mạnh. Trong đó, đáng chú ý là mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, đây là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu. Trong 10 tháng năm 2019, trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ đạt 5,5 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng này chiếm tới 64,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ có giá trị gia tăng cao, tạo nên cơ hội chuyển đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu nhóm các mặt hàng có giá trị gia tăng, giảm tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu gỗ.
Trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu, đáng chú ý là trị giá xuất khẩu mặt hàng ghế khung gỗ đạt 1,57 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mặt hàng xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. Nhu cầu lớn từ thị trường Mỹ là yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng cao trong xuất khẩu mặt hàng ghế khung gỗ của Việt Nam. Tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất nhà bếp xuất khẩu, triển vọng xuất khẩu đồ nội thất nhà bếp của Việt Nam trong những năm tới tiếp tục được thúc đẩy nhờ những thuận lợi có được và nhu cầu tiêu thụ đồ nội thất nhà bếp trên toàn cầu tăng.
Theo Trung tâm Nghiên cứu các ngành công nghiệp (CSIL) dự báo, trong giai đoạn năm 2018-2023 thương mại đồ nội thất nhà bếp đạt 8,1 tỷ USD và số lượng đơn vị tăng gần 2,5% mỗi năm. Trong đó, thương mại đồ nội thất nhà bếp chủ yếu tăng trưởng từ các thị trường như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam.
Ngoài mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu, còn một số mặt hàng khác trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu trong 10 tháng năm 2019 như: Dăm gỗ; gỗ, ván và ván sàn; cửa gỗ; đồ gỗ mỹ nghệ…
Nguyễn Hưng
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên