Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý
Ảnh minh họa |
Thông báo nêu rõ: Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các chỉ đạo quyết liệt về giải pháp, biện pháp đồng bộ về quản lý, điều hành để bình ổn giá nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đã đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Đến nay, các giải pháp, biện pháp quản lý điều hành giá đã và đang được các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện, bước đầu đã có được những kết quả nhất định, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát và vẫn nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra từ đầu năm.
Trong thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 2022, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới tiếp tục có xu hướng tăng cao do chịu ảnh hưởng từ diễn biến xung đột địa - chính trị trên thế giới cũng như do nhu cầu gia tăng từ đà hồi phục của kinh tế toàn cầu, tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu được dự báo sẽ tăng khi nước ta mở cửa. Công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm sẽ rất khó khăn, do đó, không được lơ là chủ quan.
Để tiếp tục chủ động điều hành giá đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt, kịp thời trong 9 tháng còn lại của năm 2022, căn cứ các văn bản thông báo các giải pháp cụ thể về công tác điều hành giá năm 2022, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chú trọng triển khai thực hiện, có kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng thuộc hệ thống để thực hiện các biện pháp quản lý, điều hành giá để giữ ổn định mặt bằng giá thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạtPhó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung của các quốc gia, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược. Bộ Tài chính chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm tốt công tác tổng hợp, phân tích, dự báo, xây dựng trước các kịch bản phù hợp, phương án ứng phó kịp thời trong trường hợp các hàng hóa trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao để điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lýỦy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường. Chủ động nghiên cứu, triển khai các chương trình bình ổn thị trường phù hợp với điều kiện tại địa phương, theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các Bộ, ngành chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; tăng cường giám sát, kịp thời ngăn chặn những thông tin thất thiệt, không đúng sự thật gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.
Khuyến khích doanh nghiệp, người dân tăng cường triển khai các giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng (xăng dầu, điện...) nhằm góp phần tiết giảm chi phí giá thành sản phẩm, giảm chi phí xã hội, thúc đẩy bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ổn định giá từng mặt hàngĐối với các mặt hàng cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra đối với từng mặt hàng để ổn định mặt bằng giá cả thị trường. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp.
Cụ thể, đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá trước mắt chưa xem xét điều chỉnh tăng giá, tiếp tục giữ ổn định giá để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, cần chủ động các phương án để có thể điều chỉnh được một số hàng hóa, dịch vụ khi điều kiện cho phép (xây dựng các quy định, định mức kinh tế - kỹ thuật, các phương án thực hiện, đánh giá tác động đến mặt bằng giá và kinh tế xã hội...).
Cân đối cung cầu xăng dầuBộ Công Thương điều hành để ổn định thị trường, cân đối cung cầu và chủ động đầy đủ nguồn cung xăng dầu phục vụ cho nhu cầu trong nước, tổ chức nắm bắt những dự báo giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, đánh giá để sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá hợp lý, linh hoạt hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trong các kỳ điều hành có biến động lớn. Đồng thời tổ chức thực hiện và chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, lợi dụng diễn biến giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, thường xuyên kiểm soát thị trường để chống buôn lậu, gian lận thương mại. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nơi có đường biên giới tăng cường công tác chống buôn lậu khi giá xăng dầu trong nước thấp hơn một số nước, nhất là khi thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường.
Về vật liệu xây dựng, Bộ Công Thương có giải pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, ưu tiên cung ứng cho thị trường trong nước; Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành tăng cường việc theo dõi, cập nhật biến động giá vật liệu xây dựng để kịp thời đề xuất các biện pháp bình ổn thị trường vật liệu xây dựng. Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường giám sát hoạt động cấp phép, khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ các công trình trọng điểm, cao tốc Bắc - Nam. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tiếp nhận kê khai và giám sát thực hiện mức giá kê khai theo đúng quy định tại Luật giá; đẩy mạnh kiểm tra xử lý các trường hợp lợi dụng đầu cơ tăng giá bất hợp lý.
Về dịch vụ vận tải đường bộ, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cụ thể Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp để đánh giá việc tăng giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu vé đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
Kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩmBộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trong hoạt động kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động logistic, vận chuyển mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh công tác giám sát việc kê khai, niêm yết giá và công khai thông tin về giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi; chỉ đạo đơn vị chức năng tại địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về kiểm soát dịch bệnh và ổn định, cân đối nguồn cung để ổn định giá thịt lợn; Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm soát các khâu trung gian, lưu thông trên thị trường cũng như các hoạt động xuất nhập khẩu trái phép thịt lợn hơi qua biên giới.
Đối với mặt hàng phân bón, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tiếp tục có biện pháp để cân đối cung cầu, kiểm soát lưu thông và chống hàng giả; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc chấp hành các biện pháp kê khai, niêm yết và công khai giá phân bón là yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đánh giá kỹ tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu mặt hàng gạo phục vụ nhu cầu trong nước giữa các vùng, các địa phương và xuất khẩu thông qua việc tổ chức lưu thông hàng hóa. Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo doanh nghiệp thành viên tích cực theo dõi sát thị trường, đặc biệt là các thị trường nhập khẩu gạo truyền thống, đồng thời tìm kiếm, phát triển các thị trường mới, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo, tạo điều kiện cho sản xuất gieo trồng, có giải pháp hỗ trợ kịp thời về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Bộ Y tế tiếp tục chủ động theo dõi, giám sát biến động giá các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế để có các biện pháp quản lý, bình ổn giá theo quy định tại Luật giá và Nghị định số 98/2021/NĐ-CP. Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Y tế chủ trì chủ động phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ đề xuất biện pháp quản lý, bình ổn giá và tổ chức thực hiện việc bình ổn giá theo quy định pháp luật về giá.
Bộ Công Thương: Không thiếu nguồn, kiên quyết xử lý đầu cơ xăng dầu Chiều ngày 9/2/2022, Bộ Công Thương vừa tổ chức cuộc họp khẩn, trước diễn biến giá xăng dầu trên thế giới có nhiều biến động, tình hình cung ứng tại thị trường trong nước có dấu hiệu bất ổn. |
P.V
-
Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản tăng CPI bình quân năm 2024
-
Thủ tướng yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá
-
Định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024
-
Ba kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm 2024
-
Định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên