Xu hướng thị trường bất động sản cuối năm 2022: Cần có những ứng biến linh hoạt
Ông Hà Khắc Minh - Tổng biên tập Tạp chí Tài chính doanh nghiệp phát biểu khai mạc hội thảo |
Hội thảo nhằm mang đến những thông tin kịp thời nhất về xu hướng phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam trong thời gian tới và giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có được những định hướng, tầm nhìn để có được chiến lược, kế hoạch đầu tư đúng đắn.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hà Khắc Minh - Tổng biên tập Tạp chí Tài chính doanh nghiệp khẳng định, năm 2021 dù bị tác động nặng nề của dịch Covid-19 nhưng thị trường bất động sản vẫn nóng sốt từ Bắc đến Nam. Bước sang năm 2022, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục “nóng” nhờ tín hiệu lạc quan của kinh tế vĩ mô, đầu tư công và nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn còn rất lớn.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản chứng kiến trạng thái kẹt thanh khoản cục bộ. 3 xung lực chính về tài chính tiền tệ vào bất động sản được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Thứ nhất, về tín dụng, theo Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến thời điểm 31/5, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế. Dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng là 1,55 triệu tỷ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỷ trọng 66,3%. Dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh bất động sản hơn 786.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33,7%.
Thứ hai, về trái phiếu doanh nghiệp, sau một vài sự cố thị trường, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản bị thắt chặt. Tính chung 6 tháng đầu năm, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 180.000 tỉ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp BĐS trong quý II tiếp tục suy giảm khi tổng số đợt phát hành trong quý chỉ đạt 16 đợt, giảm 63% so với quý I, tương ứng với giá trị gần 8.600 tỉ đồng, giảm sâu tới 79% so với quý trước”.
Thứ ba là về thuế bất động sản, thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tính chung trong cả nước, năm 2021, số thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản đạt 21 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 4,9 nghìn tỷ đồng (tăng 30%) so với năm 2020. Sang năm 2022, kết quả thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản những tháng đầu năm đạt 16,6 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so cùng kỳ năm 2021. Theo một số thống kê, giá bất động sản ở một số phân khúc và khu vực nhất định hiện đang cao gấp 20-25 lần thu nhập người dân và con.
Toàn cảnh hội thảo |
Ông Hà Khắc Minh nhấn mạnh, từ những yếu tố đó và một số tác động khác, chúng ta thấy lượng quan tâm và giao dịch mua bán bất động sản có dấu hiệu bị chững lại, chỉ xuất hiện “sóng” nhẹ tại một số khu vực đường vành đai hoặc khu vực có quy hoạch dự án. Theo một số thống kê, giá bất động sản ở một số phân khúc và khu vực nhất định hiện đang cao gấp 20-25 lần thu nhập người dân và con số này khả năng vẫn còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Cũng theo ông Hà Khắc Minh, dưới góc độ doanh nghiệp, các chủ đầu tư có khả năng sẽ phải đối mặt không ít khó khăn liên quan đến việc thu xếp nguồn vốn, huy động nguồn lực để phát triển dự án. Từ đó, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, bỏ lỡ những cơ hội thị trường nhất định hoặc buộc họ phải tiếp cận những kênh huy động khác trên thị trường vốn với chi phí cao hơn, rủi ro “bào mòn” lợi nhuận doanh nghiệp.
Trước những khó khăn thách thức trên, doanh nghiệp sẽ cần có những động thái ứng biến linh hoạt để thích ứng với điều kiện thị trường thời điểm hiện tại. Hội thảo sẽ mang đến cái nhìn tổng quan nhất về thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2022. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư được tiếp cận thông tin đầy đủ để xây dựng kế hoạch có được những định hướng, tầm nhìn để có được chiến lược, kế hoạch đầu tư đúng đắn, đầu tư sinh lời, lan tỏa giá trị.
Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo |
Tại phiên tọa đàm, các chuyên gia trao đổi về các vấn đề: Tình hình kinh tế vĩ mô và sự ảnh hưởng đến thị trường bất động sản thời gian tới; một số chính sách tài khoá và tác động chính sách tài khoá đối với thị trường bất động sản thời gian tới; tổng quan thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm, dự báo thị trường 6 thánh cuối năm 2022; về nhận diện cơ hội đầu tư bất động sản cuối năm 2022; và những thuận lợi, khó khăn phát triển thị trường bất động sản hiện nay nhằm đưa ra những lời khuyên với nhà đầu tư: Bao giờ nên đầu tư? đầu tư khu vực nào, phân khúc nào?...
TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cho biết: "Cách đây 1 năm rưỡi chúng tôi đã có cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong hệ thống chính sách của chính phủ để có thể chuẩn bị cho tình huống đối phó với thị trường bất động sản, chứng khoán. Cùng với thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới. Gần đây, Chính phủ đã tổ chức các hội nghị chuyên đề về chính sách tài chính hỗ trợ thị trường bất động sản".
TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia chia sẻ tại hội thảo |
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, kinh tế Việt Nam có tăng trưởng tốt khiến cho lo ngại về thị trường bất động sản, chứng khoán giảm đi. Nói về thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, ông Nghĩa cho rằng thị trường đang ở mức “chân không tới đất, đầu không tới trời”. Phần lớn giao dịch bất động sản trong 2 năm vừa rồi đều là giao dịch của nhà đầu tư, ít giao dịch mua để ở; thị trường bất động sản hiện nay là sân chơi của nhà phát triển dự án và nhà đầu tư thứ cấp.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Cúc - nguyên Phó tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, chính sách tài khóa về mảng thu thuế đối với bất động sản - chính là sự điều tiết, giám sát của nhà nước - trong lĩnh vực này. Chính sách tài khóa về điều tiết mà phù hợp sẽ có tác động thúc đẩy, kích thích thị trường, kích thích nền kinh tế tăng trưởng, phát triển… hoặc ngược lại sẽ tạo yếu tố kìm hãm nền kinh tề nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Chính phủ đang nỗ lực đưa ra chính sách tài khóa tích cực nhất, phù hợp nhất để tác động tốt nên nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản trên lĩnh vực thuế.
TS. Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, trong nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản bị tác động bởi hàng loạt các yếu tố như lạm phát phủ bóng lên nền kinh tế, dòng tiền có những dấu hiệu chậm lại; thanh khoản giảm rõ rệt; chính sách siết tín dụng và hạn chế nguồn cung làm cho giá nhà bị đẩy lên, vượt quá sức mua của phần lớn người dân. Các kênh huy động vốn yếu và thiếu. Nhà đầu tư dần mất niềm tin…
Theo TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, những tháng cuối năm 2022, thị trường bất động sản sẽ trải qua thời kỳ tái cân bằng. Giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng: lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt. Thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn.
N.H