Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Xét tuyển nguyện vọng 1 đại học: Phụ huynh, học sinh vẫn hoang mang trước giờ G

15:26 | 19/08/2015

1,768 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tính đến thời điểm này thì chỉ còn một ngày nữa là hết thời hạn nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 (20/8) nhưng tại các trường Đại học, nhiều phụ huynh và học sinh vẫn còn rất hoang mang, lo lắng chưa biết nên nộp vào trường nào, ngành nào sau khi đã rút hồ sơ.

Rút hồ sơ và tiếp tục suy ngẫm trước giờ G

Tại trường Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh vào sáng ngày 19/8 thì không khí trước Phòng tuyển sinh không quá náo nhiệt như các trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Ngoại Ngữ và Tin học TPHCM, Đại học Hoa Sen…

Lượng thí sinh rút hồ sơ đã giảm nhiều và lượng thí sinh nộp hồ sơ vào trường ĐH KHXH&NV TPHCM vào sáng nay cũng vừa phải, không xảy ra tình trạng chen lấn. Thậm chí có nhiều thí sinh và phụ huynh vẫn còn cân nhắc kỹ lưỡng và phải nhờ đến sự tư vấn rất kỹ của đội ngũ tư vấn, tham vấn của trường. Và đính thân Trưởng phòng Đào tạo - TS Phạm Tấn Hạ phải tư vấn - tham vấn cho phụ huynh và học sinh cân nhắc thật kỹ lưỡng trước khi quyết định rút hồ sơ cũng như điều chỉnh nguyện vọng.

Xét tuyển nguyện vọng 1 đại học: Phụ huynh, học sinh vẫn hoang mang trước giờ G
Trưởng phòng Đào tạo ĐH KHXH&NV TPHCM, TS Phạm Tấn Hạ trực tiếp tư vấn cho phụ huynh, học sinh vào sáng ngày 19/8 (ảnh: T. Thanh)

Một phụ huynh là cô giáo dạy Anh văn quê ở Vĩnh Long cùng con gái đi xe đò từ sáng sớm đến trường ĐH KHXH&NV để rút hồ sơ. Mỹ con gái chị cho tôi xem phiếu điểm em vừa rút, 24,5 điểm (đã cộng 1 điểm khu vực), Anh văn 7,5 đã nhân hệ số hai. Nhìn Mỹ khá xanh xao, mẹ em nói em bị bệnh hai ngày nay vì quá lo lắng sợ không đậu vào ngành Ngữ Văn Anh như sở thích. Chiều qua sau khi nhà trường công bố điểm chuẩn dự kiến là 24 ngành Ngữ Văn Anh thì hai mẹ con quyết định sáng nay lên trường rút nhưng giờ cũng chưa biết nộp vào ngành nào.

“Chắc phải chờ từ giờ đến sáng mai nếu ngành Ngữ Văn Anh không điều chỉnh điểm số tăng lên và thứ hạng vẫn còn trong ngưỡng an toàn thì có thể con chị nộp hồ sơ trở lại ngành Ngữ Văn Anh”, mẹ thí sinh Mỹ chia sẻ.

Nói về việc đổi mới trong công tác tuyển sinh năm nay thi chung, xét tuyển chung do Bộ GD-ĐT quy định thì đa số phụ huynh đều phàn nàn là làm cho phụ huynh và học sinh vất vả quá, lo lắng nhiều, chạy tới – chạy lui rất mệt mỏi. Hỏi về thông tin nộp hồ sơ ở Sở GD-ĐT địa phương hoặc đăng ký xét tuyển trực tuyến thì nhiều phụ huynh bảo không rành về công nghệ thông tin và muốn đến tận trường rút – nộp cho an tâm.

Em Hồng Ân cầm trên tay phiếu điểm, tổng ba môn 23 và dự định nộp vào ngành Tâm lý học. Tuy nhiên, khi được TS Phạm Tấn Hạ hỏi vì sao em nộp vào ngành Tâm lý học thì Hồng Ân trả lời ấp úng là vì em thích ngành này. TS Phạm Tấn Hạ giải thích cho em rất cặn kẽ về ngành tâm lý học, học ngành này rất vất vả và hành nghề này cũng vô cùng vất vả, bên cạnh thích thì bản thân em phải có tố chất thì mới thành công.

TS Phạm Tấn Hạ cũng cho biết là trong quá trình tư vấn - tham vấn cho học sinh chọn ngành thì rất nhiều học sinh rất mơ hồ về sự lựa chọn của mình. Đa số các em nói là thích ngành này hoặc thích ngành kia; hoặc thấy bạn học thì đi học cùng chứ chưa xác định đó là nghề nghiệp sau này mình theo đuổi.

Quyết định nộp vào hệ cao đẳng

Em Nguyễn Ngọc Mỹ Hảo (quê Đồng Nai) đi xe đò lên TPHCM sáng nay, em vừa rút hồ sơ từ ngành Ngôn Ngữ Nga. Hảo cho biết là em thi được 17,5 (Toán, Văn Anh; môn Anh văn 5,25 đã nhân hệ số hai). Trong khi điểm dự kiến trúng tuyển của trường ĐH KHXH&NV công bố vào chiều ngày 17/8 ở ngành Ngôn Ngữ Nga là 19,75. Nên Hảo không dám mạo hiểm mà quyết định rút hồ sơ để sang nộp vào Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM, Khoa Tiếng Anh với chỉ tiêu 100.

Cùng đi với Hảo là Kim Oanh thi được 18,75 và cũng nộp ngành Ngôn Ngữ Nga. Giờ Kim Oanh cũng quyết định rút hồ sơ và nộp vào Khoa Tiếng Anh trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM.

Cả Mỹ Hảo và Kim Oanh đều cho rằng với số điểm của hai em thì giờ nộp vào hệ Cao đẳng là chắc ăn nhất, không phải lo lắng, hồi hộp nữa. Sau này, học xong thích thì đi dạy ngay, còn không thì sẽ thi học liên thông lên Đại học. Vì thế, tâm trạng của Mỹ Hảo và Kim Oanh khá thỏa mái chứ không quá căng thẳng như thí sinh Mỹ quê Vĩnh Long.

Trong khi đó thì thí sinh Nhung đang chờ nộp vào ngành Ngôn Ngữ Anh trường ĐH KHXH&NV. Tâm trạng của Nhung khá căng thẳng. Em bảo: “Em và bà ngoại 5 giờ sáng nay bắt xe đò từ Tây Ninh lên đây và đi xe buýt đến trường ĐH Sư phạm TPHCM rút hồ sơ, giờ quyết định nộp vào ngành Ngôn Ngữ Anh của ĐH KHXH&NV nhưng em vẫn khá lo. Hy vọng còn ngày cuối cùng nhà trường sẽ không tăng điểm nữa”.

Nhung cho biết Khoa Ngoại Ngữ, ngành tiếng Anh của ĐH Sư phạm TPHCM công bố điểm chuẩn dự kiến vào chiều 17/8 là 33,75 đã nhân hệ số, với chỉ tiêu 180. Trong khi em thi 22 điểm, môn Anh văn 8 điểm nhân 2 thì chỉ được 29 điểm mà ngành Ngôn Ngữ Anh trường ĐH KHXH &NV lấy điểm chuẩn dự kiến là 24 nên hy vọng là điểm của em sẽ ở trong ngưỡng an toàn. Bà ngoại Nhung đứng cạnh bảo: “Con bé bị bệnh mấy ngày nay, số cháu một mình đi rút hồ sơ nhưng tui đi cùng cháu cho vui, sợ nó mệt quá xỉu thì khổ”.

Nên để các trường tự chủ xét tuyển?

Đó là ý kiến của Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH KHXH &VN TPHCM, TS Phạm Tấn Hạ. Đây cũng là mong muốn của nhiều phụ huynh khi chúng tôi có dịp trò chuyện tại các điểm trường trong những ngày qua. TS Hạ cho rằng, việc Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua là rất hợp lý, tiết kiệm chi phí sức lực cho ngành giáo dục cũng như phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, trong khâu xét tuyển vào ĐH, CĐ thì Bộ GD-ĐT nên để các trường tự chủ tuyển sinh.

Xét tuyển nguyện vọng 1 đại học: Phụ huynh, học sinh vẫn hoang mang trước giờ G
Đến sáng ngày 19/8 nhưng nhiều học sinh còn rất hoang mang, lo lắng trong việc rút - nộp hồ sơ xét tuyển

Và có lẽ Bộ GD-ĐT cũng chưa lường hết tất cả những gì đã diễn ra trong những ngày qua. Thông lệ như các mùa tuyển sinh trước, công tác tư vấn chọn trường, chọn ngành sẽ diễn ra trước kỳ thi đại học, cao đẳng. Sau khi các em thi, nhà trường công bố điểm là thí sinh biết mình đậu hay rớt dựa trên điểm chuẩn đã công bố, rồi chủ động đi nộp nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Tuy nhiên, năm nay quy trình hơi bị ngược. Sau khi các trường ĐH, CĐ tổ chức tư vấn - tham vấn tại các trường THPT cho học sinh biết định hướng chọn ngành rồi thì sau kỳ thi THPT Quốc gia, các em thi xong, biết điểm thì chọn trường, chọn ngành để nộp hồ sơ. Những em ở ngưỡng điểm an toàn thì không lo lắng nhưng những thí sinh có điểm chưa thật sự an toàn lại nháo nhào đi rút hồ sơ, rồi suy nghĩ, tính toán nên nộp ngành nào, trường nào để khả năng đậu cao nhất.

Trường ĐH KHXH&NV trong những ngày qua phải tham vấn, tư vấn cho hàng trăm học sinh và cả phụ huynh. Do đó, Nhà trường phải dốc sức rất nhiều để tư vấn cho học sinh và phụ huynh về ngành nghề, điểm số, cơ hội trúng tuyển. Còn học sinh thì tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chọn ngành, chọn trường. Quả là một bài toán cân não của thí sinh và gia đình trong kỳ tuyển sinh đại học năm nay.

Theo ghi nhận của chúng tôi thì trên thực tế nhiều em rất mong muốn vào ngành mình đã lựa chọn từ đầu, nhưng sau vì số điểm có thể bằng hoặc thấp hơn điểm chuẩn dự kiến nên đành đi rút hồ sơ. Tâm trạng lúc rút hồ sơ và đi nộp hồ sơ lần nữa vô cùng nặng nề. Lỡ sau đó, điểm trúng tuyển lại bằng hoặc thấp hơn thì các em và gia đình vô cùng hối tiếc.

Tuy nhiên, theo nhận định của các trường thì hiếm có trường hợp điểm chuẩn sẽ thấp hơn mà có xu hướng tăng lên so với điểm chuẩn dự kiến như đã công bố trong những ngày qua. Theo dự báo, vào ngày mai, tại các điểm trường ở tốp dưới sẽ có cuộc bức phá ngoạn mục trong công tác nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1.

Thiên Thanh

Năng lượng Mới