Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Xẻ & Sẻ - Dầu cha quẩy

10:01 | 10/01/2015

|
Bạn đọc: 1. Xin nhờ ông An Chi giải thích về sự khác nhau (hay giống nhau) giữa “xẻ” trong “xẻ gỗ” và “sẻ” trong “san sẻ”? Anh Ngọc (Gò Vấp, TP HCM) 2. “Dầu cha quẩy” có nghĩa là gì? Có phải đó là một thứ bánh mà sự tích có liên quan đến nhân vật Tần Cối trong lịch sử Trung Quốc hay không? Trần Bình Minh (Thái Thụy, Thái Bình)

Năng lượng Mới số 389

Học giả An Chi: 1. Từ điển chính tả phổ thông của Từ Lâm và các tác giả (NXB Khoa học, Hà Nội, 1963) ghi “xẻ gỗ, xẻ rãnh, mổ xẻ” và “san sẻ, nhường cơm sẻ áo”. Nhiều quyển từ điển khác cũng ghi như thế và sự phân biệt này đã trở thành một quy định chính tả “không tuyên bố” và khó cưỡng lại được. Nhưng đi ngược dòng lịch sử thì cả “xẻ” lẫn “sẻ” đều chung một cội, nghĩa là đều bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [扯], dạng thông dụng của chữ [撦], mà âm Hán Việt hiện đại là “xả”, có nghĩa là xé, kéo, lôi, làm cho lìa ra.

Về mối quan hệ ngữ âm lịch sử A ↔ E giữa “xả” và “xẻ” thì Vương Lực đã chính thức phát hiện từ năm 1948 trong thiên khảo cứu “Hán Việt ngữ nghiên cứu”, in trong “Hán ngữ sử luận văn tập” (Khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958, tr.290-406). Tác giả đã nêu một số thí dụ:

“che” trong “che chắn” ↔ “cha”, thường đọc là “già” [遮], có nghĩa là … che;

“hè” trong “mùa hè”↔ “hạ” [夏] là mùa hè;

“khoe” trong “khoe khoang” ↔“khoa” [誇] trong “khoa trương”.

Chúng tôi xin nêu thêm:

“che” (dụng cụ ép mía) ↔“trá” [榨], dụng cụ để ép;

“chè”↔ “trà;

“hé” trong “hé miệng” ↔ “há” [罅], là nứt;

“mè” (vừng) ↔“ma” [蔴] là mè (vừng); v.v...  

Xin đừng nhầm lẫn chữ “xả” [扯] này (tạm gọi là “xả1”) với “xả” (tạm gọi là “xả2”) trong “xả hơi”, “xả khói”, “xả xú-páp”, “xả cảng”, v.v… “Xả2” là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [赦] mà âm Hán Việt hiện đại là “xá”, có nghĩa là tha cho, thả ra.

Trở lại với “xả 1”, xin nói thêm rằng, ngoài “xẻ” ra, nó còn có một điệp thức nữa là “xé” trong “xé rách”, “xé vải”, “xé phay”, v.v... Và trở lại với hai chữ “xẻ” và “sẻ”, xin nói rằng xuất phát điểm của sự tách đôi nảy chẳng qua là sự nhầm lẫn giữa hai phụ âm S va X, rồi dần dần mới dẫn đến một sự phân công về ngữ nghĩa: “xẻ” chỉ động tác mang tính chất vật lý còn “sẻ” thì có bao hàm yếu tố tinh thần, tình cảm.

2. Ít nhất thì truyền thuyết cũng đã ghi nhận như thế. Sách “Tiếng Việt lý thú” của Trịnh Mạnh (Nxb Giáo dục, 2001) đã chép như sau:

“Cháo quẩy (tức dầu cha quẩy - AC) làm bằng bột mì rán với dầu, ăn rất giòn. Tại sao cháo quẩy lại có hai chiếc dính liền nhau? Đây là một loại bánh mang tính lịch sử, do Hoa kiều nhập vào nước ta. Cháo quẩy là tiếng Quảng Đông, nếu theo âm Hán thì đọc là Tần Cối.

Sự tích như sau: Đời Tống, quân Kim ào ạt kéo vào xâm lược Trung Hoa. Tướng nhà Tống là Tống Nhạc Phi đã cầm quân chống lại, đạt nhiều thắng lợi thì bị Tần Cối, một quan to trong triều Tống thông đồng với giặc, dùng chiếu chỉ triệu Nhạc Phi về triều. Nhạc Phi không về. Triệu nhiều lần, Nhạc Phi liền trao quyền cho một phó tướng rồi về triều nhận lệnh. Tần Cối ghép Nhạc Phi vào tội “bất tuân thượng lệnh”, giam vào ngục, hành hạ cho đến chết. Cuộc kháng chiến chống quân Kim thất bại, nhà Tống phải lui về phía Nam để lập ra triều Nam Tống.

Vì vậy, nhân dân Trung Quốc căm ghét Tần Cối, làm loại bánh có hai chiếc dính liền, tượng trưng cho vợ chồng Tần Cối đáng tội bỏ vào vạc dầu (Sđd, tr.66-67)

Trên đây, chúng tôi đã mượn lời kể của tác giả Trịnh Mạnh để giới thiệu về sự tích của thứ bánh có tên là “dầu cha quẩy”. Chỉ xin lưu ý rằng về mặt ngôn ngữ thì tác giả đã sai ở hai điểm.

Thứ nhất, “Tần Cối” không phải “âm Hán” mà là âm Hán Việt của hai chữ [秦檜] còn âm Quảng Đông, âm Phúc Kiến, âm Bắc Kinh, v.v… thì mới là âm Hán vì tiếng Bắc Kinh, tiếng Phúc Kiến, tiếng Quảng Đông, v.v…, mới đích thực là những phương ngữ của tiếng Hán. Còn âm Hán Việt thì lại là âm Việt của những chữ Hán đọc theo âm - dĩ nhiên không thể giống hệt được - của tiếng Hán đời nhà Đường.

Thứ hai, “cháo quẩy” không phải là âm Quảng Đông của hai chữ “Tần Cối”: Âm Quảng Đông của hai chữ này là “tsuần khúi” còn tên của thứ bánh đang xét trong tiếng Quảng Đông thì lại là “yầu cha quẩy” mà Hán tự là 油炸鬼, đọc theo âm Hán Việt là “du trá quỉ” (chữ “trá” thường đọc thành “tạc”). “Du” là dầu, “trá” là chiên, rán còn “quỉ” là ma. Vậy “du trá quỉ”, xét theo nghĩa của từng chữ, có nghĩa là (con) ma chiên (trong) dầu; nghe ra rất hợp với sự tích của thứ bánh gọi là “dầu cha quẩy”.

* “Dầu cha quẩy” còn có những cách gọi trại và những cách ghi khác (bằng chữ Hán) mà chúng tôi không bàn đến ở đây.

A.C