WHO: Châu Âu có thể sắp thoát đại dịch Covid-19
Mọi người đeo khẩu trang khi di chuyển trên đường phố Paris, Pháp (Ảnh: Reuters). |
"Rất có thể khu vực này (châu Âu) sắp thoát đại dịch", Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge nhận định với AFP ngày 23/1. Theo ông Kluge, khi làn sóng Omicron quét khắp châu Âu hiện tại lắng xuống, "trong vài tuần hoặc vài tháng sẽ có miễn dịch tổng thể nhờ tiêm chủng vaccine hoặc do từng mắc Covid-19, và một phần do dịch hạ nhiệt theo mùa".
"Chúng tôi dự đoán rằng, dịch Covid-19 sẽ lắng xuống một thời gian trước khi trở lại vào cuối năm, nhưng không hẳn đại dịch sẽ trở lại", ông Kluge nói.
Giám đốc Viện Dị ứng Quốc gia Mỹ, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci cũng có nhận định tương tự. Ông cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ hạ nhiệt thay vì bùng phát mạnh hơn ở nhiều khu vực của Mỹ. "Mọi thứ có vẻ như đang diễn biến tích cực", ông Fauci nói. Theo ông, nếu số ca Covid-19 tiếp tục giảm ở những khu vực như ở đông bắc Mỹ, dịch có thể lắng xuống trên cả nước Mỹ.
Tại châu Phi, WHO cho biết, số ca Covid-19 cũng đã giảm mạnh, số ca tử vong giảm lần đầu tiên kể từ khi làn sóng Omicron đạt đỉnh.
Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tiên tại châu Phi vào tháng 11 năm ngoái và hiện đã lan ra hơn 150 quốc gia trên thế giới. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, Omicron dường như gây triệu chứng ít nghiêm trọng hơn với những người đã tiêm chủng. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng Covid-19 bắt đầu chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh đặc hữu có thể kiểm soát được như bệnh cúm mùa mà không gây ra mối đe dọa hay làm gián đoạn các hoạt động kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, ông Kluge cảnh báo, còn quá sớm để coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Ông cảnh báo, với đà lây lan nhanh của Omicron, nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới vẫn còn.
Omicron hiện là biến chủng trội ở châu Âu. Do khả năng lây lan nhanh của Omicron, ông Kluge nhấn mạnh, các nước cần tập trung vào các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ virus làm gián đoạn hệ thống y tế, giáo dục và nền kinh tế thay vì tìm cách ngăn chặn đà lây lan của nó. Theo ông, ưu tiên hàng đầu là ổn định tình hình ở châu Âu. "Ổn định tình hình nghĩa là hệ thống y tế không còn quá tải do Covid-19 và vẫn có thể tiếp tục các dịch vụ y tế thiết yếu", ông cho biết. Trả lời câu hỏi liệu mũi vaccine thứ 4 có cần thiết để chấm dứt đại dịch hay không, ông Kluge tỏ ra thận trọng và chỉ nói rằng: "Chúng ta đều biết, miễn dịch tăng lên sau mỗi mũi tiêm".
Dù đưa ra những dự báo lạc quan, nhưng giới chức WHO cũng cho rằng không nên chủ quan trước biến chủng Omicron. Tuần trước, bà Maria van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, nói: "Chúng ta có thể bước qua làn sóng mới nhất của Omicron. Ở nhiều quốc gia như Anh, nơi có mức độ miễn dịch cao do lây nhiễm và sự bao phủ tiêm ngừa, họ sẽ thấy sự khác biệt trong tương lai. Họ đang ở một giai đoạn khác của đại dịch". Mặt khác, bà cảnh báo, các nước không nên cho rằng điều tồi tệ nhất đã qua khi làn sóng Omicron giảm xuống bởi Omicron có thể chưa phải biến chủng cuối cùng.
Theo Dân trí
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới