Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

"Vua ba kích" xứ Quảng

09:00 | 15/09/2021

429 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Huyện miền núi Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) có 7/10 xã trồng ba kích, loại cây mang lại thu nhập cao, đổi đời cho người dân.

Anh Hiển kiểm tra chất lượng sản phẩm

Nhắc đến già làng Bhríu Pố, người dân xã Lăng (huyện Tây Giang) ai cũng tự hào vì già làng của mình là người Cơ Tu đầu tiên học hết đại học, làm Chủ tịch UBND xã 2 khóa, rồi làm Bí thư Đảng ủy xã 3 nhiệm kỳ. Không chỉ vậy, già làng Bhríu Pố còn nổi danh là “vua ba kích” vì tiên phong phát triển mô hình trồng dược liệu, vươn lên làm giàu và giúp người dân quê hương từng bước đẩy lùi đói nghèo.

Là học sinh miền Nam trên đất Bắc, năm 1977, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên chuyên ngành sinh học, Bhríu Pố về công tác tại trường cấp 3 huyện Hiên (nay chia tách thành huyện Đông Giang và Tây Giang). Khi được bầu làm Chủ tịch UBND xã Lăng, sau này là Bí thư Đảng ủy xã, với những kiến thức đã học, ông hướng dẫn bà con phương thức trồng lúa nước tiên tiến. Bhríu Pố cũng trở thành “bác sĩ bất đắc dĩ”, sở hữu những cuốn “Hướng dẫn sử dụng cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, “Hướng dẫn chữa bệnh bằng thuốc Tây”...

Với mong muốn sản phẩm của người dân Cơ Tu ở Tây Giang có giá trị cao, anh Hiển đã mang

giới thiệu tại nhiều điểm trong và ngoài tỉnh

Năm 2006, một đoàn cán bộ nghiên cứu về các loại thuốc trên cánh rừng Tây Giang đã tình cờ phát hiện cây ba kích mọc ở một số ít vùng núi râm mát. Lúc bấy giờ, già Pố tự hỏi mình “tại sao không trồng cây ba kích để làm kinh tế?”. Nghĩ là làm, ít lâu sau, già Pố vác rựa lên rừng tìm cây ba kích để lấy giống về trồng. Lúc đầu, người làng đều cho ông là “khùng”. Nhiều người bảo: “Đây là cây của Giàng, ông đừng trồng!”.

Thế nhưng, già Pố vẫn quyết tâm lên rừng mang hạt cây ba kích về trồng. Đến cuối năm 2009, già Pố đã trồng được 6.000 cây ba kích trên diện tích hơn 1 ha. Già trồng, già bán, mỗi kg củ ba kích có giá vài trăm nghìn đồng, khiến nhiều người kinh ngạc. Từ đó, lãnh đạo huyện Tây Giang xác định đây không chỉ là cây thuốc quý mà còn là “cây xóa đói giảm nghèo”, thành lập một trung tâm công nghệ sinh học để nghiên cứu, nhân rộng mô hình.

Kiểm tra chất lượng sản phẩm

Rồi cơ duyên đến, chàng trai trẻ Nguyễn Bá Hiển cùng niềm đam mê dược liệu đến với già Pố, nâng tầm cây ba kích lên. Trò chuyện với chúng tôi, anh Hiển nhớ lại: Sau khi tốt nghiệp Đại học Đà Nẵng, Hiển lặn lội gần 200 km từ Đà Nẵng lên tìm gặp già Pố. Nghe Hiển trình bày nguyện vọng, già Pố đồng ý cho Hiển ở lại nhà và cùng Hiển nghiên cứu về cây ba kích.

Sau hơn 10 năm sống cùng núi rừng Tây Giang, Hiển đã trở thành một “ông vua” ba kích mới, cùng “vua ba kích” Bhríu Pố nhân giống ba kích với số lượng lớn. Bây giờ, Hiển làm chủ vườn ươm rộng hàng nghìn mét vuông, cung cấp 120.000 cây giống ba kích hằng năm cho xứ Quảng và các vùng núi Tây Nguyên. Nhờ đó, Hiển đã trở thành Phó chủ tịch UBND xã trẻ nhất của huyện Tây Giang khi ấy mới 24 tuổi, dù không phải là người địa phương, không phải là người Cơ Tu, một biệt lệ hiếm thấy ở vùng đất này.

Anh Hiển cùng cán bộ nông nghiệp huyện Tây Giang trao đổi về loại sâm ba kích

Ngày nay, bà con chuộng cây ba kích giống của Hiển, bởi thay vì 6 năm mới thu hoạch củ được như giống cây truyền thống, giờ chỉ cần 3 năm, củ ba kích đã bằng ngón tay cái, cứ 3 cây thu được 1kg củ tươi, bán được gần 600 nghìn đồng. Trao đổi về thành công này, anh Hiển lý giải: “Mình không dùng cách truyền thống để ươm mỗi nơi một cây mà trồng 3, 4 cây thành một cụm, đồng thời dùng phân vi sinh thúc cho củ to để nhanh thu hoạch”.

Không chỉ cung ứng giống, anh Hiển còn tỉ mỉ hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc cây ba kích, từ khâu làm đất, bắc giàn cho tới tưới nước, bón phân, kiểm tra.

Vườn ươm giống được phủ bạt để đạt hiệu quả cao hơn

Không dừng lại ở đó, niềm trăn trở nâng tầm cây ba kích, cải thiện đời sống người dân, muốn sản phẩm của vùng đất này được quảng bá rộng rãi ra nhiều địa phương, anh Hiển suy nghĩ tìm hướng phát triển. Giống đã có, kỹ thuật đã ổn, sản lượng cao, nhưng đầu ra vẫn khá bấp bênh.

Năm 2017, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thiên Bình ra đời, tiền thân là Tổ hợp tác Chơ chim, là mô hình hợp tác xã kiểu mới đầu tiên ở Tây Giang, chuyên ươm giống và sản xuất cây ba kích tím theo hợp đồng liên kết. Hợp tác xã có 13 thành viên, diện tích trồng ba kích mở rộng lên 52 ha tại huyện Tây Giang, Quế Sơn (Quảng Nam), huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Năm 2020, hợp tác xã tiếp tục liên kết với 10 hộ dân trồng ba kích và 5 hộ dân trồng chè dây, nâng tổng số hộ liên kết lên 25 hộ.

Anh Nguyễn Bá Hiển trong vườn cây dược liệu của mình

Hợp tác xã sản xuất đã có, nhưng để đưa sản phẩm ra thị trường không đơn giản. Anh Hiển đã thành lập Công ty CP Ranvi để tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số. HTX Thiên Bình tổ chức sản xuất các sản phẩm đặc trưng của đồng bào Cơ Tu, Ranvi có nhiệm vụ tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Ranvi ngoài kinh doanh ba kích tím còn kinh doanh các sản phẩm đặc trưng khác của đồng bào Cơ Tu như cao đảng sâm, cao ba kích, chè dây, măng rừng, tiêu rừng Tây Giang, thổ cẩm...

Ông Lê Hoàng Linh - Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang - nhận xét: Anh Hiển cùng già làng Bhríu Pố đã ươm trồng thành công giống cây ba kích và nâng tầm loại cây này lên thành sản phẩm có giá trị cao của địa phương. Rất đáng ghi nhận.

Vườn trồng ba kích với công nghệ mới, tưới béc phun

Tiêu Dao

Vì nhiệm vụ, riêng tư đành gác lại...Vì nhiệm vụ, riêng tư đành gác lại...
Những thợ điện giữ ánh sáng cho buôn làngNhững thợ điện giữ ánh sáng cho buôn làng
Con đường phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu Việt Nam (Kỳ 3)Con đường phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu Việt Nam (Kỳ 3)
Con đường phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu Việt Nam (Kỳ 2)Con đường phát triển công nghiệp lọc, hóa dầu Việt Nam (Kỳ 2)
Con đường phát triển công nghiệp lọc, hoá dầu Việt Nam (Kỳ 1)Con đường phát triển công nghiệp lọc, hoá dầu Việt Nam (Kỳ 1)
Giữ nguồn điện sáng trong mùa dịchGiữ nguồn điện sáng trong mùa dịch
Khó như… chuyện tìm dầuKhó như… chuyện tìm dầu
Khổ nhục kế của kẻ giết vợKhổ nhục kế của kẻ giết vợ