Vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng vọt: "Cần hết sức bình tĩnh để tránh khủng hoảng"
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân. |
Vốn FDI từ Trung Quốc tăng vọt
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc vươn lên trở thành nhà đầu tư có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 1,31 tỷ USD (tăng gần 5,6 lần so cùng kỳ năm ngoái) và 116 triệu USD vốn điều chỉnh tăng thêm.
Nếu tính cả lượng vốn góp, mua cổ phần, có tới khoảng 6,44 tỉ USD đã được các nhà đầu tư Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) đăng ký vào Việt Nam.
Đánh giá về xu hướng này, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không chỉ bùng lên trong năm nay mà bắt đầu từ những năm trước nên các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Trung Quốc đã có phương án rời khỏi thị trường này. Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng có động thái tương tự để tránh việc bị Mỹ áp thuế.
"Đây là lý do dẫn đến sự xuất hiện chuyển dịch nguồn vốn đầu tư sang Việt Nam. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm, cam kết đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ở mức rất cao, đạt khoảng 16 đến 17 tỷ USD. Các nhà đầu tư đến từ Hồng Kông và Trung Quốc dẫn đầu với số vốn cam kết lớn nhất", ông Ngân nói.
Trước đó, trong một báo cáo mới phát hành, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, vốn FDI tăng nhanh thời gian qua nhờ hoạt động góp vốn, mua cổ phần và đầu tư từ Trung Quốc. Đặc biệt, những tác động của thương chiến Mỹ - Trung gần đây, trong đó có việc Mỹ liên tục tăng thuế đối với hàng loạt mặt hàng xuất khẩu từ Trung Quốc, càng góp phần đẩy mạnh xu hướng dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, đã và đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN, trong đó Việt Nam là ưu tiên số 1. Những triển vọng của Việt Nam về tăng trưởng kinh tế khá cao, chính trị ổn định, chi phí và kỹ năng lao động cạnh tranh, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng... đã thu hút dòng vốn FDI từ doanh nghiệp Trung Quốc và nhà đầu tư nước ngoài đang làm ăn tại Trung Quốc.
Còn theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Việt Nam được xem như điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư từ Trung Quốc. Việt Nam có lợi thế về nhân công giá rẻ cộng thêm vị trí địa lý gần gũi và văn hóa khá tương đồng với Trung Quốc. Đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam không ngừng tăng lên ngay cả khi Trung Quốc sử dụng nhiều biện pháp để hạn chế dòng tiền chảy ra khỏi nước này.
"Chỉ có 2 năm 2014 và 2015 ghi nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) sụt giảm, còn kể từ năm 2016 đến này, vốn FDI đăng ký ghi nhận tăng trưởng gần 15%/năm. Thậm chí, chỉ sau 4 tháng đầu năm 2019, dòng vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc đã đạt 70% năm 2018 đến từ nước này", VDSC cho hay.
"Việt Nam phải hết sức bình tĩnh"
Theo ông Ngân, thời gian vừa qua, không chỉ nhà đầu tư Trung Quốc mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đến Việt Nam đầu tư, cả trực tiếp và gián tiếp. Nguyên nhân chính là do Việt Nam trong thời kỳ mở cửa hội nhập, ký nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhận được nhiều cơ chế ưu đãi về thuế. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách tỷ giá, giữ môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cũng góp phần thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài.
"Thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong hơn 30 năm qua đạt hơn 350 tỷ USD vốn đăng ký và giải ngân được 190 tỷ USD. Việc tận dụng cơ hội là chuyên môn, chuyên nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài. Nơi nào thị trường ổn định, nơi nào chi phí lao động thấp, nơi nào có nhiều tiềm năng thì họ sẽ đến. Và họ sẵn sàng ra đi nếu như lợi nhuận của họ không đạt và ưu đãi dành cho họ không còn", ông nhấn mạnh.
Do đó, vị đại biểu cho rằng, Việt Nam phải hết sức bình tĩnh trong việc chọn lọc các nhà đầu tư hiện nay. Đồng thời, phải có chính sách ưu đã cho các nhà đầu tư hướng tới các thị trường công nghệ cao.
"Tôi nghĩ rằng có 2 giải pháp chúng ta phải ưu tiên. Thứ nhất là chọn lọc về mặt công nghệ, phải có hàng rào kỹ thuật để làm việc này. Thứ hai, kết nối được doanh nghiệp FDI với ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Doanh nghiệp nước ngoài nào thỏa mãn được 2 tiêu chí này là những doanh nghiệp được ưu tiên. Có như vậy, chúng ta mới mang được về những lợi thế", ông nói thêm.
Ông Ngân cũng cho rằng, cần phải hết sức thận trọng đối với đầu tư nước ngoài. "Đây là nguồn vốn có thể ra đi ngay khi thấy bất lợi. Trung Quốc là một ví dụ. Cho nên, nếu không kết nối được doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, thiếu sự bền vững hay không tính toán được việc chuyển giao công nghệ, chúng ta sẽ gặp những khủng hoảng trong tương lai", ông nói.
Ông lưu ý thêm, vốn đầu tư ngoại trong đầu tư gián tiếp cũng lớn. Đây là những khoản đầu tư mang tính chất "À le de tour", có nghĩa là họ sẽ bán ngay khi thấy được giá.
"Đấy là vấn đề chúng ta cần kiểm soát. FDI đổ vào Việt Nam vừa là tín hiệu mừng nhưng cũng vừa phải có những giải pháp để đối phó. Vấn đề là phải có điều kiện ràng buộc để doanh nghiệp FDI kết nối với các doanh nghiệp trong nước. Chúng ta phải chọn lọc ưu tiên cho những doanh nghiệp đó. Có như vậy, giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi hàng hóa đóng góp cho thế giới mới nhiều hơn", ông Ngân cho hay.
Theo Dân trí
| Đại biểu Quốc hội lo khi vốn Trung Quốc vào Việt Nam kỷ lục |
| Làm cao tốc Bắc -Nam: "Dùng vốn Trung Quốc thì phải chọn thêm rủi ro" |
| Vay vốn Trung Quốc phải sống chung với "tham nhũng vặt" và sự dối trá |