Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

“Vỡ” trại cai nghiện ở Hải Phòng: Còn có nguyên nhân khác?

19:00 | 15/09/2014

3,239 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Để chỉ ra nguyên nhân dẫn tới việc các trại viên tự phá rào bảo vệ, bỏ về địa phương thì chỉ có những người trong cuộc mới có thể nắm rõ được. Những người có thẩm quyền cần lắng nghe ý kiến của trại viên. Khi xem xét ý kiến của họ thì cần khách quan, tránh định kiến kiểu “đừng nghe cave kể chuyện, đừng nghe con nghiện trình bày” - Luật sư Đặng Xuân Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Vụ “vỡ” trại cai nghiện ở Thủy Nguyên, Hải Phòng vừa qua đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Trả lời báo chí, ông Nguyễn Quang Toàn - GĐ Trung tâm Giáo dục lao động Hải Phòng cho rằng: Nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc vỡ trại là do trại viên phản ứng về việc kéo dài thời gian sau cai nghiện từ 2 lên 4 năm.

Để hiểu rõ những quy định về cai nghiện bắt buộc cũng như về sự việc kể trên, PetroTimes có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng của việc hơn 300 học viên tại Trung tâm cai nghiện Gia Minh (Thủy Nguyên, Hải Phòng) tự ý phá rào để bỏ về địa phương?

Theo dõi thông tin được báo chí đăng tải trong những ngày qua, tôi thấy sự việc hơn 300 trại viên cai nghiện tự ý phá rào bảo vệ để trở về địa phương là một sự việc rất nghiêm trọng. Bởi lẽ số người tham gia trong sự việc này là rất đông đảo, trong một lĩnh vực nhạy cảm và sự việc đã ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Hải Phòng, gây ra sự hoang mang dư luận.

 

Luật sư Đặng Xuân Cường - Đoàn Luật sư Hà Nội.

 

Ông Nguyễn Quang Toàn, GĐ Trung tâm Giáo dục lao động Hải Phòng cho biết nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc vỡ trại là do trại viên phản ứng về việc kéo dài thời gian cai nghiện trên tinh thần của Nghị định 94 - Nghị định mới quy định chi tiết về thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy về quản lý cai nghiện ma túy. Cụ thể, kéo dài thời gian cai nghiện từ 2 năm lên 4 năm. Vậy pháp luật có quy định như thế nào về thời gian cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm cai nghiện?

Đối với những người được xác định là nghiện ma túy thì có 3 hình thức cai nghiện, đó là:

- Cai nghiện ma túy tại gia đình

- Cai nghiện tại cộng đồng (hai hình thức này được áp dụng đối với tất cả người nghiện ma tuý)

- Cai nghiện bắt buộc bằng cách đưa vào cơ sở cai nghiện. Hình thức cai nghiện này được áp dụng đối với người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú ổn định.

Các trại viên thuộc thuộc Trung tâm cai nghiện Gia Minh thuộc trường hợp cai nghiện bắt buộc. Theo quy định khoản 2 Điều 28 Luật phòng, chống ma túy thì: “Việc đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thời hạn cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 1 năm đến 2 năm.”

Mặt khác theo quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống Ma túy có hiệu lực từ ngày 01/1/2009 thì: Người nghiện ma túy sau khi chấp hành xong thời gian cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện phải chịu sự quản lý sau cai nghiện từ 1 năm đến 2 năm theo một trong hai hình thức sau đây:

a. Quản lý tại nơi cư trú do Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện đối với người không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b. Quản lý tại cơ sở quản lý sau cai nghiện đối với người có nguy cơ tái nghiện cao.

Như vậy, tổng thời gian mà người cai nghiện ma túy bắt buộc có thể phải chịu sự quản lý của cơ sở cai nghiện bắt buộc là từ 2 năm đến 4 năm.

Ông đánh giá như thế nào trước ý kiến cho rằng: Nguyên nhân xảy ra sự việc phá rào bảo vệ để tự ý trở về địa phương là do các trại viên phản ứng với việc quy định mới nâng thời gian phải chịu sự quản lý của trung tâm sau cai nghiện?

Như đã nêu trên thì Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy đã có hiệu lực từ ngày 01/1/2009. Tính tới thời điểm hiện tại (tháng 9/2014) thì quy định nêu trên đã có hiệu lực được gần 06 năm, như vậy quy định này không phải là mới.

Khi được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì các trại viên đều được biết về thời gian phải chịu sự quản lý của cơ sở chữa bệnh. Do vậy, nếu cho rằng nguyên nhân mà các trại viên tự ý phá rào bảo vệ để bỏ về địa phương xuất phát từ lý do kéo dài thời gian sau cai nghiện theo tôi không phải là nguyên nhân cơ bản và không thuyết phục.

Trại viên cai nghiện diễu phố ở Hải Phòng.

Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới các trại viên của Trung tâm cai nghiện Gia Minh phá rào bảo vệ, bỏ về địa phương?

Theo tôi, để chỉ ra nguyên nhân dẫn tới việc các trại viên tự phá rào bảo vệ, bỏ về địa phương thì chỉ có những người trong cuộc mới có thể nắm rõ được. Do vậy cần phải có sự thanh kiểm tra, đánh giá một cách khách quan, toàn diện để tìm ra nguyên nhân dẫn tới sự việc này.

Trong khi thanh kiểm tra thì một đối tượng quan trọng cần tìm hiểu để tìm ra nguyên nhân tới sự việc đó là các trại viên. Những người có thẩm quyền cần lắng nghe ý kiến của trại viên, xem đâu là nguyên dẫn tới hành động này của họ. Khi xem xét ý kiến của họ thì cần khách quan, tránh định kiến đối với những lời trình bày của họ theo kiểu “đừng nghe cave kể chuyện, đừng nghe con nghiện trình bày”. Có như thế mới tìm ra được nguyên nhân chính xác và có biện pháp khắc phục.

Những trại viên tham gia sự việc ngày 14/9/2014 bị xử lý như thế nào, thưa ông?

Trước hết cần phải khẳng định, sử dụng chất ma túy không phải là tội phạm mà chỉ là một hành vi vi phạm hành chính, người nghiện ma túy bắt buộc phải đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng không phải là tội phạm và trại cai nghiện cũng không phải là trại tạm giam hay trại giam.

Những trại viên chưa chấp hành xong thời gian cai nghiện bắt buộc cũng như thời gian phải chịu sự quản lý sau cai nghiện thì phải quay lại Trung tâm cai nghiện để thực hiện tiếp thời gian còn lại. Theo quy định tại khoản 4 Điều 33 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy thì: “Người đang được quản lý tại cơ sở quản lý sau cai nghiện mà bỏ trốn thì người đứng đầu cơ sở ra quyết định truy tìm; cơ quan công an có trách nhiệm phối hợp với cơ sở quản lý sau cai nghiện trong việc truy tìm để đưa người đó trở lại cơ sở thực hiện tiếp thời gian còn lại”.

Tuy nhiên, nếu trong quá trình xảy ra sự việc các mà các trại viên lại có các hành vi như gây rối trật tự công cộng hoặc hủy hoại tài sản thì tùy theo mức độ mà có thể bị xử lý tương xứng.

Cai nghiện bắt buộc cho những đối tượng nghiện ma túy là một chủ trương đúng và tốt đẹp mang tính nhân đạo  nhằm ngăn chặn tác hại của ma túy đối với con người và xã hội. Vì vậy, khi để xảy ra những sự việc như vừa qua tại Trung tâm cai nghiện Gia Minh, chúng ta cần kịp thời tìm ra nguyên nhân và giải pháp để kịp thời khắc phục, tránh những dư luận không tốt.

Xin cảm ơn luật sư!

 

Huyền Anh (thực hiện)