Cảng biển Hải Phòng “đón sóng” hội nhập
Mỹ quan tâm tới các dự án cảng biển, logistic và y tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu |
Cảng biển Việt Nam có 22 tuyến dịch vụ tàu mẹ đi thẳng Hoa Kỳ, châu Âu |
Còn nhiều thách thức
Để đồng hành cùng mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành trung tâm logistics hàng đầu cả nước, cả chính quyền, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đều cố gắng từng bước chuyển đổi, hội nhập toàn diện và sâu rộng, ứng dụng các nền tảng số, ứng dụng thông minh vào hoạt động quản lý, sản xuất của doanh nghiệp.
Bà Trần Tố Loan - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ, Chủ đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Nam Đình Vũ (Hải Phòng) cho biết: “Với mục tiêu chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống sang KCN phát triển bền vững, đơn vị rất quan tâm chuyển đổi số, sử dụng các phần mềm quản lý dữ liệu, phần mềm VR360 trong tiếp cận khách hàng, các hệ thống xử lý nước thải, hệ thống điện cũng được số hoá... Tuy nhiên, khó khăn của đơn vị là không có hệ thống theo chuỗi”.
“Tại KCN Nam Đình Vũ và một dự án thành phần của KCN là Cảng Nam Đình Vũ, chúng tôi đã xây dựng hệ thống phần mềm cảng thông minh smart-port và toàn bộ hệ thống online như Tờ khai trực tuyến, I-gate hay thông quan trực tuyến. Tuy nhiên, hệ thống này chỉ gói gọn trong KCN Nam Đình Vũ và Cảng Nam Đình Vũ. Những hệ thống logistics kết nối với bên ngoài, ví dụ trong KCN Nam Đình Vũ… cũng có phân khu về logistics và ngoài cảng Nam Đình Vũ cũng có rất nhiều hệ thống liên quan các kho, bãi, cảng… Ngoài ra, việc kết nối giữa các doanh nghiệp trong khu vẫn còn hạn chế, không thuận tiện cho khách hàng”, bà Loan cho biết thêm.
Việc thiếu tính hệ thống đồng bộ đã và đang trở thành rào cản cho sự phát triển chung của các doanh nghiệp logistics trên địa bàn TP Hải Phòng. Các doanh nghiệp đang loay hoay tìm cách chuyển đổi, ứng dụng các công nghệ khác nhau. Cùng với đó, do tính cạnh tranh cao, nhiều doanh nghiệp đang “giấu bài” cho riêng mình. Đây là những nguyên nhân dẫn đến chuỗi kết nối của các doanh nghiệp logistics Hải Phòng đang chậm lại.
Ông Nguyễn Minh Đức - Phó trưởng khoa Kinh tế, Đại học Hàng Hải Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng chia sẻ: “Hải Phòng là địa phương có truyền thống phát triển về cảng biển và các dịch vụ hậu cần sau cảng, hàng hóa, xuất nhập khẩu. Nguồn nhân lực ở Hải Phòng lâu nay đều đã làm trong các lĩnh vực này. Theo tôi, để đáp ứng mục tiêu khai thác ngành logistics, về cơ bản thành phố đã đáp ứng được. Tuy nhiên, nếu hướng tới những mục tiêu cao hơn, phát triển TP Hải Phòng trở thành trung tâm logistics của Việt Nam, của quốc tế, chắc chắn nguồn nhân lực của ngành này vẫn sẽ còn yếu cả về số lượng lẫn chất lượng”.
Sẵn sàng “đón sóng”
Theo ông Nguyễn Minh Đức, với các xu hướng mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hay các xu hướng mới của thị trường quốc tế thì áp lực thay đổi sẽ ngày càng lớn. Do vậy, các nhà quản lý vận hành logistics phải thường xuyên cập nhật kiến thức, chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở kinh nghiệm của bản thân như 10 năm, 20 năm trước. Mặt khác, về chuyển đổi số có rất nhiều cách làm khác nhau. Do vậy, rất cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước để giúp doanh nghiệp thực hiện hiệu quả hơn.
Theo Khảo sát tại Báo cáo Logistics năm 2023, hơn 90% các doanh nghiệp dịch vụ logistics tham gia khảo sát hiện đang ở giai đoạn số hóa, bao gồm cấp độ 1 là tin học hóa và cấp độ 2 là kết nối. Các doanh nghiệp dịch vụ logistics thực hiện chuyển đổi số đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít. Đặc biệt, chỉ 0,4% doanh nghiệp đạt cấp độ cao nhất - cấp độ 6 là có khả năng thích ứng.
Trước bối cảnh trên, cần sớm có các hành động thiết thực hơn nữa, đặc biệt thúc đẩy ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại vào hoạt động logistics của tất cả các cấp, các ngành, các doanh nghiệp là yêu cầu cấp bách để góp phần sớm hiện thực hóa mục tiêu mà TP Hải Phòng đã đề ra cho logistics.
Ông Trần Lưu Quang - Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Thế giới yêu cầu logistics theo kiểu hiện đại, tức là logistics kết hợp với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Do đó, các cảng phải điều chỉnh lại theo xu thế đó, nếu không thì chi phí của chúng ta rất cao, khách hàng sẽ chọn chỗ khác. Việc này cũng đòi hỏi phải có sự thuận tiện hơn trong các loại hình giao thông, đòi hỏi chúng ta phải cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho logistics hiện đại ngay lập tức”.
Để hiện thực hóa tham vọng đưa Hải Phòng trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước và quốc tế, Thành phố cần tiếp tục đi đầu trong việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng dụng khoa học công nghệ vào logistics để thúc đẩy tăng trưởng ngành kinh tế mũi nhọn này của thành phố.
Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp