Vỡ mộng vì gom tiền đưa con sang Nhật du học
Trung kể lại những ngày du học bên Nhật Bản.
Võ Thanh Trung (23 tuổi, ở làng Bình Tân, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) là nạn nhân của việc sang Nhật Bản du học tự túc trở về trắng tay, kể lại sự việc: Giữa năm 2012, Trần Nhân Vũ là người cùng xã Bình Minh, xưng là giám đốc Công ty tư vấn du học quốc tế P.S chi nhánh miền Trung, đến nhà để tư vấn chuyện đi du học tại Nhật Bản. Trong lúc tư vấn, Vũ còn nói rằng qua Nhật Bản du học, ngoài ra còn làm thêm ở ngoài kiếm vài chục triệu đồng tháng nữa.
Nghe vậy, gia đình Trung đã đóng tiền phí cho Vũ 190 triệu đồng, đó là số tiền để lo học phí 6 tháng đầu khi qua Nhật, 3 tháng trọ và chi phí máy bay. “Trước đó, gia đình em còn đóng 7 triệu để làm hồ sơ và nhiều khoản khác để đi học và thi tiếng Nhật sơ cấp”, Trung kể lại.
Tương tự, Trần Văn Thiên (22 tuổi cũng ở làng Bình Tân, xã Bình Minh) cũng nghe lời tư vấn của Vũ phải đi vay mượn tiền để Thiên được sang Nhật du học. “Nhưng ai ngờ, qua bên đó chưa được một năm thì nó quay về vì không có tiền phải sống vật vờ. Công ty môi giới không tìm giúp việc làm cho con tôi như đã hứa trước đây”, ông Hùng (cha của Thiên) bức xúc. Theo các nạn nhân, vì tin tưởng người quen là Vũ nên việc đi du học của Trung và Thiên diễn ra mà không có hợp đồng hay giấy tờ có giá trị pháp lý nào.
Theo Thiên, cuối tháng 12/2012, đoàn gồm 25 người khắp các miền được công ty này đưa lên máy bay để sang Nhật, trong đó Quảng Nam có hơn 10 người. “Đặt chân tới Nhật Bản, chúng em được dẫn đến phòng trọ tại thành phố Saitama. Tiền phòng là 18 ngàn yên/tháng (gần 4 triệu VNĐ), tiền mua chăn mền là 10 ngàn yên chứ không phải ở miễn phí 3 tháng đầu như thỏa thuận”, Thiên nói.
Thiên trở về quê sau những tháng ngày du học ở Nhật Bản.
Đặt chân đến đất Nhật được vài tháng đầu không tìm được việc, tiền túi mang theo cạn dần, nhiều du học sinh còn bị đuổi học và bỏ học.
“Phía trường ISI Language College của Nhật bảo chúng em không đủ điều kiện tài chính để tiếp tục học và nhà trường luôn phàn nàn vì vốn tiếng Nhật của chúng em quá yếu, học phí đóng sau 6 tháng đầu là 55 ngàn yên/tháng (khoảng 10,4 triệu VNĐ). Để làm hồ sơ đủ điều kiện học bên Nhật, trước đó phía công ty môi giới tạo một tài khoản cho mỗi gia đình có con đi du học với hàng trăm triệu đồng trong tài khoản, qua bên đó thì họ rút lại hết số tiền này”, Trung nói.
Do không trụ nổi bên đất khách quê người, nên nhiều du học sinh như Trung, Thiên đã phải gọi điện về cầu cứu gia đình và cuối cùng phải về nước.
Ông Trần Văn Tám, phó chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: "Địa phương có gần 20 người đang đi du học tự túc tại Nhật Bản thông qua nhiều công ty môi giới, trong đó riêng công ty P.S. đưa các em sang Nhật dựa vào sự quen biết và công ty này không thông qua chính quyền địa phương. Địa phương đã nhận được tin nhiều em sang Nhật không có việc làm, tình thế không ổn đành vỡ mộng du học để trở về nước".
Đ.P
-
Quảng Nam: Các hồ thủy điện theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lớn để chủ động điều tiết nước
-
Quảng Nam: Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng do mưa lớn kéo dài
-
Quảng Nam: Một huyện ban bố dịch bệnh dại
-
EVNHANOI cảnh báo khách hàng cảnh giác với cuộc gọi mạo danh để lừa đảo
-
Quảng Nam: Lập đề xuất đầu tư dự án gần 4.000 tỷ để chống ngập cho TP Tam Kỳ
-
Cần quy định cụ thể để doanh nghiệp nhà nước tự tin sử dụng vốn
-
Ủy ban Tài chính, Ngân sách: Tán thành việc ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường