Việt Nam sẽ xóa bỏ 91% dòng thuế nhập khẩu từ Cuba
Theo Bộ Tài chính, dự thảo được xây dựng để thực hiện các cam kết của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba giai đoạn 2019-2022. Việc ban hành nghị định nhằm thực hiện đúng cam kết của Hiệp định thương mại; đảm bảo tính tương thích của nghị định với điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Trong đó, bao gồm cả việc tuân thủ cam kết tại Hiệp định Hải quan ASEAN về việc áp dụng Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2017 (AHTN 2017) của ASEAN và Danh mục HS phiên bản 2017 của Tổ chức Hải quan Thế giới khi xây dựng Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam.
Về giai đoạn áp dụng của biểu thuế ban hành kèm theo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng cho giai đoạn 2019-2022 để phù hợp với thời điểm hiệu lực của nghị định và đồng bộ hóa với lộ trình rà soát sửa đổi Hệ thống hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan Thế giới và Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN (AHTN) định kỳ 5 năm. Việc áp dụng biểu thuế cho giai đoạn này cũng nhằm đảm bảo tính ổn định và dễ theo dõi cho doanh nghiệp.
(Ảnh minh họa) |
Về thuế suất, nghị định này quy định thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng không thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan và các mặt hàng thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan. Đối với hàng hóa NK thuộc diện áp dụng hạn ngạch thuế quan, áp dụng mức thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt quy định tại biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện hiệp định, ban hành kèm theo nghị định này đối với lượng hàng hóa NK trong hạn ngạch thuế quan theo quy định của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, áp dụng mức thuế suất thuế NK ngoài hạn ngạch theo quy định của Chính phủ đối với lượng hàng hóa NK ngoài hạn ngạch thuế quan. Số lượng hạn ngạch thuế quan NK hàng năm theo quy định của Bộ Công Thương.
Do thay đổi Danh mục từ AHTN 2012 sang AHTN 2017, biểu thuế có 34 dòng hàng AHTN 2017 ở cấp độ 8 số bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi mã hàng, tách gộp dòng. Đây là những dòng hàng được gộp từ các dòng hàng theo AHTN 2012 có mức thuế suất cam kết với Cuba theo danh mục EIF (xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực) và các dòng hàng thuộc diện không có trong danh mục cam kết với Cuba.
Thuế suất được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ cam kết theo lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam quy định tại hiệp định thương mại hàng hoá giữa 2 nước. Về tổng thể, Biểu thuế theo AHTN 2017 giai đoạn 2018-2022 gồm 563 dòng thuế AHTN 2017 theo cấp độ 8 số. Lộ trình cắt giảm thuế quan trong biểu thuế ban hành được áp dụng cho 4 giai đoạn: từ khi hiệp định có hiệu lực (trong năm 2019) đến 31/12/2019; từ 1/1/2020 đến 31/12/2020; từ 1/1/2021 đến 31/12/2021; từ 1/1/2022 đến 31/12/2022.
Về danh mục cam kết, theo kết cấu mới của biểu thuế, số dòng thuế thuộc các danh mục cam kết theo AHTN 2017 là 563 dòng thuế. Theo đó, xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực 514 dòng thuế (91,3%); cắt giảm theo lộ trình 46 dòng thuế (chiếm 8,2%) và duy trì thuế suất cơ sở với 3 dòng thuế (0,5%).
Sau khi thực hiện chuyển đổi từ Danh mục AHTN 2012 sang AHTN 2017, Việt Nam dành cho Cuba mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm 99,5% số dòng thuế, tương đương kim ngạch NK trị giá 5.662.155 USD.
Về kim ngạch NK từ thị trường Cuba, theo thống kê hải quan cho thấy, giá trị NK năm 2017 tăng khoảng 66% so với cùng kỳ năm 2016 (từ 4.998.145 USD lên 8.295.519 USD). Tuy nhiên, trong năm 2018, giá trị NK từ nước này lại giảm, đạt 5.966.113 USD, giảm khoảng 28% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong cơ cấu NK năm 2018, NK từ thị trường Cuba tập trung vào nhóm hàng gồm dược phẩm; chế phẩm thực phẩm khác; nguyên phụ liệu thuốc lá và hàng hóa khác. Trong đó, nhóm hàng dược phẩm chiếm tỷ trọng đa số (98%). Theo ông Vũ Nhữ Thăng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, đây là những mặt hàng có lợi ích thương mại và kinh tế thực chất, nên trong biểu thuế dự kiến chưa xóa bỏ thuế quan vào thời điểm nghị định có hiệu lực mà sẽ giảm theo lộ trình. Về tác động tới thu ngân sách, trước mắt giảm thuế sẽ làm giảm thu, tuy nhiên dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu tăng sẽ góp phần tăng thu ngân sách.
Hàng hóa NK từ thị trường Cuba thời gian qua chịu thuế suất thuế MFN (thuế NK ưu đãi). Số thu của Việt Nam năm 2017 đạt khoảng 2,1 tỷ đồng, tăng 200% so với cùng kỳ năm 2016, tuy nhiên đã giảm xuống còn khoảng 1 tỷ đồng năm 2018 (giảm khoảng 50%).
Nguyễn Hưng
-
Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản tăng CPI bình quân năm 2024
-
Liên minh Châu Âu và Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm giải pháp thuế quan xe điện
-
Techcombank mở rộng hệ sinh thái tài chính thông qua góp vốn thành lập Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom
-
Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Còn nhiều bất cập
-
Thu ngân sách nhà nước từ dầu thô ước đạt 44,4 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng năm 2024
-
Cổ phiếu năng lượng sạch của châu Âu lao dốc sau khi ông Trump đắc cử
-
VPBank giữ vững vị trí Top 20 doanh nghiệp có điểm ESG cao nhất rổ VNSI
-
[Infographic] Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2024
-
Tin nhanh chứng khoán ngày 6/11: VN Index tăng điểm mạnh mẽ giữa kỳ vọng kết quả bầu cử Mỹ
-
Kế hoạch của OPEC+ bị đảo lộn khi Big Oil thúc đẩy sản lượng