Việt Nam phải làm gì nếu muốn "thắp sáng kinh tế ban đêm" như Trung Quốc?
Cảnh đông vui nhộn nịp trên một con phố ở Hoàn Kiếm, Hà Nội lúc gần 12h00 đêm. Ảnh: Nguyễn Khánh. |
Những người sống về đêm
7h00 tối, khi mọi người bắt đầu nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt nhoài, anh Hào – một tài xế công nghệ mới bắt đầu dắt xe đi làm. Anh này cho biết, thông thường sẽ chạy từ 7h00 cho đến 2h hoặc 3h sáng hôm sau.
“Nhu cầu đi lại về đêm của người dân ngày càng nhiều. Sau 12h đêm, nhiều người nghĩ sẽ rất hiếm khách nhưng tôi vẫn “nổ” cuộc liên tục. Đa phần họ đi chơi, đi ăn về muộn, cũng có người đi làm, hay đi việc này việc khác…”, anh Hào cho biết, dù nhiều lúc thấy hơi "sợ" nhưng chạy đêm nhàn hơn ban ngày rất nhiều vì đường vắng, thời tiết mát mẻ dễ chịu.
Chợ đêm Phùng Khoang nhộn nhịp người mua kẻ bán. Ảnh: Nguyễn Khánh. |
Cũng cảnh kiếm sống về đêm, một phụ nữ chừng gần 60 tuổi liên tục mời khách đi đường mua ngô luộc, xôi nóng, bánh mỳ kẹp.
Với giá 10.000 đồng/bắp ngô luộc người phụ nữ này cho biết “bán có công hơn nhiều so với ngồi chợ buổi sáng”. Ngày nào cũng như ngày nào, người phụ nữ này bán từ chập tối hôm trước cho đến 3 - 4h sáng hôm sau.
Nhiều người kiếm sống ban đêm bằng những chiếc xe đẩy bán hàng rong. Ảnh: Nguyễn Khánh. |
Xuất phát từ Hà Đông, dọc lên phía Ngã Tư Sở, hàng quán ăn đêm hay những chiếc xe đẩy bán hàng ăn, nước ép, quán trà đá.. cũng xuất hiện nhiều hơn. Càng gần phía trung tâm thành phố, không khí yên ắng của ban đêm càng bớt dần.
Có mặt tại khu vực gần Bờ Hồ lúc gần 12h đêm, mọi thứ nhộn nhịp như “thành phố không ngủ”. Ở khu vực này, nhiều quán ăn có khung giờ bán hàng “không giống ai” khi mở bán lúc 3h sáng và đến 7h sáng thì đóng cửa.
Tưởng chừng như bán hàng ăn vào giờ “độc” như vậy thì khách sẽ hiếm hoặc lai rai thôi nhưng với một quán phở gánh Hàng Chiếu thì ngược lại, lúc nào cũng nhộn nhịp, người ra kẻ vào.
Một địa điểm nổi danh “phố không ngủ” ở Hà Nội đó là Tạ Hiện. Mỗi ngày vào đúng giờ người người ngược xuôi tan tầm thì con phố này bắt đầu lên đèn chào đón khách. Đặc biệt về đêm, Tạ Hiện lúc nào cũng ồn ào, tấp nập. Khách tập trung khu vực này chủ yếu là các bạn trẻ.
Phố Tạ Hiện là khu phố đêm náo nhiệt nhất ở Hà Nội, với tuyến phố đi bộ nối dài từ Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến – Hàng Bạc thông sang Hàng Ngang – Hàng Đào. Ảnh: Nguyễn Khánh. |
Ông T. bảo vệ một địa điểm trông xe khu vực này cho biết, sau 2h sáng mọi hàng quán sẽ phải đóng cửa theo quy định, nhưng thực tế, do nhu cầu cao nên hôm nào cũng phải đến 3-4h sáng mới vẫn hết khách, xe mới được trả hết.
"Tôi thường nghỉ làm khá muộn, ăn tối xong hôm nào cũng phải 10h nên chỉ rảnh rỗi vào ban đêm. Tôi và bạn bè thi thoảng vẫn rủ nhau lai rai ở phố bia Tạ Hiện hay loanh quanh một số chợ đêm. Tuy nhiên thực sự thì ở Hà Nội không nhiều điểm ăn chơi ban đêm lắm", Linh Chi – một lập trình viên làm việc ở Hà Nội chia sẻ.
Không chỉ riêng Linh Chi, còn rất nhiều bạn trẻ khác cũng bận rộn vào ban ngày, do vậy họ mong có nhiều nhà hàng và trung tâm thương mại, khu vui chơi hoạt động vào ban đêm hơn để được giải trí.
Hiện tại, so với Sài Gòn, người Hà Nội thực tế có ít địa điểm mua sắm, giải trí vào ban đêm hơn, đa phần đều dừng hoạt động sau 10h tối. Chỉ một số địa điểm trên khu vực trung tâm thành phố như phố cổ thời gian đóng cửa sẽ muộn hơn, nhưng cũng không được phép quá 2h sáng.
“Thắp sáng” kinh tế ban đêm như thế nào?
Thực tế trên cho thấy, dù chưa có chính sách phát triển, thúc đẩy kinh tế ban đêm nhưng loại hình này vẫn đang âm thầm phát triển. Chủ đề về kinh tế ban đêm cũng đang “nóng” lên hơn bao giờ hết sau chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, hôm 19/7 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi các bộ, UBND tỉnh, thành trực thuộc trung ương yêu cầu chủ động nghiên cứu chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm của Trung Quốc.
Tại Hà Nội, thời điểm từ 1/9/2016 trở về trước, các nhà hàng, quán bar buộc phải đóng cửa vào muộn nhất lúc 24h. Sau khi "giờ giới nghiêm" tại các quán bar, nhà hàng quanh quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) kéo dài đến 2h sáng, theo ghi nhận, một số con phố trở nên nhộn nhịp hơn nhiều.
Phát triển "kinh tế ban đêm" đang trở thành xu thế ở nhiều nước trên thế giới. Một số các quốc gia ở châu Âu đã phát triển rất tốt loại hình này. Ảnh minh hoạ: Cảnh nhộn nhịp ăn đêm trên một con phố ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Khánh. |
Lãnh đạo Hà Nội từng phát biểu, dù có “giờ giới nghiêm” nhưng nhiều quán bar vẫn hoạt động chui. Do vậy, việc Hà Nội cho phép các quán bar hoạt động sau 0h ngoài việc phục vụ nhu cầu của du khách còn là cách để có biện pháp quản lý tốt hơn.
Trao đổi với Dân trí, GS. TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho rằng việc “thắp sáng” nền kinh tế ban đêm là cần thiết nếu muốn kích cầu tiêu dùng nội địa. Đồng thời việc đẩy mạnh kinh tế ban đêm cũng sẽ tác động đến phát triển du lịch.
“Việc có thêm các loại hình giải trí, sản phẩm ban đêm thì sẽ thêm cơ hội giữ khách du lịch, tạo nguồn thu cho người dân địa phương cũng như ngân sách”, ông Lược nói.
Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, trước khi mở rộng việc phát triển kinh tế ban đêm một cách đại trà thì cần thiết phải thí điểm. Việc thí điểm này nhằm để đánh giá hiệu quả, thử nghiệm chính sách… Đồng thời quá trình làm cũng nên tập trung, tránh dàn trải nhiều nơi.
Từ trước đến nay việc phát triển dịch vụ giải trí sau 21h bị quản lý khá chặt chẽ. Muốn phát triển kinh tế ban đêm thì việc nới giờ giới nghiêm, đồng thời với đó là tăng cường đảm bảo an ninh trật tự là vấn đề được đặt ra. Ảnh: Nguyễn Khánh. |
Việc hỗ trợ, tạo điều kiện sẽ là cần thiết để phát triển loại hình kinh tế này, theo quan điểm của ông Lược.
“Chính quyền địa phương nào muốn có hoạt động kinh tế đêm thì phải có những đầu tư nhất định về hạ tầng, nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp muốn tham gia. Đồng thời tăng cường an ninh, đảm bảo trật tự ở những nơi tập trung phát triển kinh tế đêm”, ông Lược đưa ra khuyến nghị.
Chuyên gia Võ Đại Lược cũng cho rằng, cần thiết phải tham khảo các nước trong việc phát triển kinh tế ban đêm. “Học tập Trung Quốc, các nước Âu – Mỹ họ làm như thế nào? Kinh nghiệm thành công, thất bại ra sao. Chúng ta không áp dụng một cách máy móc, nhưng nên có tham khảo”, ông Lược nhấn mạnh.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh trật tự cho việc kinh doanh dịch vụ ban đêm.
Hoạt động kinh tế về đêm được vị này đánh giá là rất cần thiết cho phát triển ngành du lịch của các thành phố, đáp ứng nhu cầu du lịch về đêm của cả khách du lịch trong nước và quốc tế.
"Vui chơi, giải trí về đêm là một nhu cầu có thực, cần có cơ chế để hỗ trợ các ngành kinh doanh dịch vụ phát triển", vị này nói.
Góp ý về việc thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm, một số chuyên gia khác cũng lên tiếng cho rằng nếu chỉ kéo dài thời gian mở cửa các hàng quán, hay nhà hàng xuyên đêm thì chưa đủ để thút du khách. Song song với việc nơi giờ giới nghiêm có thể phát triển, quy hoạch các tụ điểm vui chơi giải trí mới.
Ngoài ra nếu có phát triển cũng cần phải từ từ, không nên vội vàng. Thí điểm từng nơi một thay vì làm tràn lan, đại trà... cùng một lúc.
Theo Dân trí