Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng?
Nhận định về thực trạng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách khẳng định: “Kinh tế Việt Nam còn nhiều bất ổn, chưa có dấu hiệu lấy lại đà tăng trưởng. Sau thời gian tăng trưởng “nóng”, thì đến năm 2007 tăng trưởng kinh tế Việt Nam bắt đầu giảm dần xuống, từ mức tăng trưởng khoảng 10%/năm trong suốt thập niên trước đó giảm dần xuống còn khoảng 5% hiện nay.
Và cũng từ năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, sự kiện nỗ lực trong nhiều năm với sự đồng thuận mạnh mẽ giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Những tưởng khi gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn nhưng thực tế Việt Nam đã không lấy lại được đà tăng trưởng.
Kinh tế Việt Nam duy trì quá lâu mô hình “giá trị gia tăng thấp”
Không phủ những bước phát triển của kinh tế trong nước nhưng TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra hai vấn đề lớn còn tồn tại trong sự tăng trưởng của kinh tế nước ta là: chậm nâng cấp về trình độ, chất lượng và thiếu tính bền vững.
Nói cách khác, nền kinh tế đã duy trì quá lâu trong mô hình “giá trị gia tăng thấp”, dựa vào khai thác tài nguyên và sản xuất gia công lắp ráp. Thậm chí nền kinh tế đã tăng trưởng “nóng” khi ồ ạt bơm tín dụng trong khoảng thời gian dài. Đó chính là căn nguyên của tình trạng hiệu quả sử dụng vốn thấp, lạm phát cao, bất ổn kéo dài trong nền kinh tế mấy năm qua.
Cũng theo TS. Trần Đình Thiên, nền kinh tế tăng trưởng đã phải đánh đổi bằng lạm phát, nếu không có quyết tâm đổi mới mạnh mẽ thì cái giá phải trả cho sự tăng trưởng này sẽ rất đắt. Nguy cơ chậm tăng trưởng trong lộ trình tự do hóa, Việt Nam có khả năng bị giới đầu tư quốc tế bỏ rơi.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia bày tỏ mong muốn Chính phủ và doanh nghiệp thực thi các chính sách đổi mới với ý chí cao hơn nữa. Các chương trình phục hồi tăng trưởng phải trong dài hạn, ít nhất là đến năm 2015. Trong đó, Nhà nước phải thúc đẩy cổ phần hóa, tạo môi trường bình đẳng cho cho các loại hình doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Các doanh nghiệp cần có sự lựa chọn thông minh hơn cho quá trình phát triển, xây dựng mô hình tăng trưởng mới để thoát khỏi mô hình truyền thống đang dựa vào khai thác tài nguyên và sản xuất gia công lắp ráp; khai thác lao động tiền công rẻ và năng suất thấp.
Trên thực tế, vấn đề mấu chốt cho sự phát triển của doanh nghiệp vẫn là phải tự lực tự cường, dựa vào năng lực của mình. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đức Thành “Để có đội ngũ doanh nghiệp mạnh, cần một môi trường bình đẳng; các chính sách vĩ mô cơ bản phải tạo sự công bằng, minh bạch và không can thiệp quá nhiều vào các hoạt động doanh nghiệp”.
Mai Phương
-
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện cho Nhà máy Nhơn trạch 3 và 4
-
Chân chạy VPI phá kỷ lục ở VPBank Hanoi International Marathon 2024
-
Tin tức kinh tế ngày 18/10: Standard Chartered nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,8%
-
Giá dầu hôm nay (18/10): Dầu thô tăng trở lại
-
Tăng trưởng tín dụng đạt 9%, kỳ vọng bứt phá những tháng cuối năm