Vì sao phương Tây muốn đánh Syria?
>> Syria và Nga cảnh cáo Mỹ chớ có “làm liều”
>> Mỹ chuyển quân chuẩn bị tấn công Syria
Đoàn thanh tra Liên Hiệp Quốc trên đường đến hiện trường bị nghi có sử dụng vũ khí hóa học ngày 26/8
Báo The Times ngày 26/8 dẫn một số nguồn tin cấp cao tiết lộ Mỹ và Anh đang xem xét các kế hoạch tấn công Syria bằng tên lửa hành trình trong 7-10 ngày tới. Dấu hiệu mới nhất là việc chính quyền Obama nhanh chóng bác bỏ quyết định của Syria cho phép các thanh sát viên LHQ tiếp cận địa điểm diễn ra vụ tấn công hóa học mới đây. Một quan chức cấp cao Mỹ nói rằng cuộc điều tra là "quá muộn" để có thể cho một kết quả đáng tin cậy. Tuyên bố này ngụ ý rằng Mỹ đang có kế hoạch cùng với các đồng minh Anh và Pháp tiến tới các biện pháp thay thế. Báo chí Anh đưa tin rằng cuộc điện đàm kéo dài nửa giờ giữa Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Obama ngày 24/8 đã tập trung vào các giải pháp quân sự, chứ không phải ngoại giao.
Hiện chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, song đã thể hiện rõ hơn sự chuẩn bị cho hành động quân sự như đã hứa hẹn nếu Tổng thống Syria Bashar al-Assad vượt qua “giới hạn đỏ”. Theo báo Độc lập của Nga ngày 26/8, kịch bản đang được xem xét là một chiến dịch ném bom giống như đã làm với Nam Tư năm 1999.
Báo Jerusalem Post (Israel) ngày 25/8 cho rằng Mỹ có thể tấn công theo cách hạn chế và kiên quyết. Danh sách mục tiêu của Tổng thống Obama bao gồm các trung tâm kiểm soát và chỉ huy của chính quyền Syria, các đường băng và tháp kiểm soát không lưu, các kho vũ khí và pháo binh, các nguồn nhiêu liệu và các đơn vị quân sự cơ động, như các lữ đoàn xe tăng.
Kế hoạch tấn công các đường băng của Syria sẽ cản trở khả năng Tổng thống Assad nhập khẩu các nguồn lực từ Iran để phục vụ nỗ lực chiến tranh. Tuy nhiên, chúng sẽ có tác động hạn chế vì các đường băng có thể dễ dàng được vá lại, trong khi ông Obama không thể kéo dài chiến dịch này. Thay vào đó, Mỹ nhiều khả năng sẽ tấn công các cơ sở thường trực quan trọng có vai trò chính yếu với các chiến dịch của quân đội chính quyền Syria, bao gồm các mục tiêu mà chính quyền Mỹ cho là có liên quan trực tiếp đến chương trình vũ khí hóa học của ông Assad. Nếu lựa chọn tham gia chiến dịch quân sự chống Syria, Mỹ và các đồng minh hầu như chắc chắn sẽ sử dụng khả năng tấn công cân bằng: tên lửa từ xa, được bắn từ tàu chiến trên Địa Trung Hải, trái với các cuộc tấn công từ máy bay chiến đấu mà sẽ phải đi vào không phận nước ngoài. Mỹ đã bố trí 4 tàu chiến của hải quân được trang bị hơn 100 tên lửa Tomahawk, trị giá 1,4 triệu USD/quả, ngắm vào các mục tiêu tiềm tàng bên trong lãnh thổ Syria.
Những người được cho là nạn nhân vũ khí hóa học tại Syria
Cùng ngày 26/8, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Anh William Hague tuyên bố có thể tiến hành can thiệp quân sự vào Syria mà không cần hậu thuẫn của LHQ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius thừa nhận “sẽ rất khó khăn” nếu tấn công Syria bất chấp LHQ vì Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng quyết liệt.
Không giống như những gì Mỹ và phương Tây tấn công Libya, báo Jerusalem Post cho rằng Mỹ sẽ không thể viện dẫn sự tự vệ như một luận cứ pháp lý cho can thiệp quân sự vào Syria, nhưng Washington có thể sử dụng một qui tắc quốc tế có tên "trách nhiệm bảo vệ", hay còn gọi là R2P. Luật quốc tế cấm sử dụng vũ khí hóa học trên bất kỳ chiến trường nào trong mọi hoàn cảnh. R2P - một qui tắc được các cường quốc trên thế giới nhất trí tại Hội nghị cấp cao thế giới của LHQ năm 2005 - buộc cộng đồng quốc tế phản ứng nếu một quốc gia không bảo vệ công dân khỏi nạn diệt chủng, tội ác chiến tranh, thanh trừng sắc tộc và những tội ác chống nhân loại. Nga đã nhất trí với những nguyên tắc R2P tại hội nghị cấp cao đó và từng viện dẫn điều luật này trong chiến dịch của Mátxcơva ở Grudia năm 2008.
Theo Jerusalem Post, Mỹ sẽ không phải là quốc gia đầu tiên tiến hành các cuộc tấn công trực tiếp vào Syria, kể từ khi cuộc nội chiến tại quốc gia này nổ ra hai năm trước. Trên thực tế, Israel đã tiến hành nhiều cuộc oanh kích nhằm vào các mục tiêu của Syria mà chính phủ nước này cho là đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia Israel, bao gồm các chuyến hàng chở vũ khí hạng nặng từ Iran cho lực lượng Hezbollah ở Liban.
Mọi sự chú ý hiện nay đang dồn về phái đoàn thanh sát vũ LHQ tại Syria. Nhóm này hôm qua đã tới hiện trường nơi các bên tham chiến ở Syria tố cáo nhau sử dụng vũ khí hóa học. Mặc dù trong lúc thu thập chứng cứ, nhóm thanh sát LHQ đã bị các nhóm vũ trong không rõ danh tính tấn công nhưng họ cũng đã thu thập vài bằng chứng quý giá. Theo ông Farhan Haq -người phát ngôn của LHQ, bất chấp đoàn xe của LHQ bị các tay súng bắn tỉa tấn công, phái đoàn đã quay trở lại hiện trường vụ tấn công tuần trước và thăm hai bệnh viện dã chiến. Tại đây, họ đã "thu thập được bằng chứng có giá trị". Nhóm thanh sát viên sẽ tiến hành các phân tích, hóa nghiệm để thẩm tra lại việc vũ khí hoá học được sử dụng gần đây.
Theo giới quan sát, nếu không để các thanh tra đến hiện trường tình nghi thì vô hình chung chính quyền Damas đã thừa nhận trách nhiệm về việc sử dụng vũ khí hóa học. Việc này sẽ gây hệ lụy nguy hiểm cho chế độ Tổng thống Bachar al-Assad trong khi mà Mỹ và các đồng minh phương Tây tiếp tục gia tăng các động thái đe dọa can thiệp quân sự.
Tuy nhiên nhiệm vụ của các thanh tra Liên Hiệp Quốc chỉ giới hạn trong việc thu thập các thông tin tại hiện trường để trả lời câu hỏi có hay không việc sử dụng chất độc hóa học trong giao tranh chứ không phân định rõ bên nổi dậy hay quân chính phủ đã sử dụng các loại vũ khí hóa học đó.
Vấn đề đang được giới quan sát đặc biệt quan tâm là liệu kết quả thanh tra của Liên Hiệp Quốc có dẫn đến việc Mỹ ra quyết định can thiệp quân sự vào Syria. Đây là điều mà Washington từ trước đến nay vẫn dè chừng nhưng từ vài ngày qua Tổng thống Barack Obama bắt đầu tỏ dấu hiệu cho thấy cần phải có hành động nào đó. Đến lúc này chính quyền Mỹ đã gần như tin chắc Damas có sử dụng vũ khí hóa học.
TT Assad khẳng định Syria sẽ là Việt Nam thứ hai
Trong một bài phỏng vấn độc quyền đăng trên báo Nga Izvestia ngày 26/8, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cảnh báo nước Mỹ sẽ bại trận như trong chiến tranh Việt Nam nếu xâm lược Syria.
“Sự bại trận đợi chờ nước Mỹ trong các cuộc chiến mà nước này tham gia, bắt đầu từ chiến tranh Việt Nam cho đến hôm nay. Sự thật là các cường quốc muốn kích ngòi chiến tranh nhưng liệu rằng họ có chiến thắng hay không?”, tờ Izvestia ngày 26/8 dẫn lời Tổng thống Assad.
Tổng thống Assad nhấn mạnh Syria sẽ không bao giờ là “con rối” cho phương Tây và Washington sẽ không bao giờ đạt được các mục đích chính trị thông qua chiến tranh. Ông Assad cho rằng các cáo buộc chính quyền ông sử dụng vũ khí hóa học là những suy đoán “hoàn toàn không logic”, lý giải rằng lực lượng quân đội Syria chỉ có mặt gần địa điểm được cho là xảy ra một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damas hôm 21/8.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo người đồng cấp Mỹ John Kerry về “những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng” nếu tấn công Syria. Ông Lavrov cũng tuyên bố những bằng chứng về việc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học “chỉ là ngụy tạo”.
H.Phan
Tổng hợp
-
Kỳ I: A. Yakovlev - “Kiến trúc sư trưởng” công cuộc cải tổ nhằm xóa sổ Liên Xô khỏi bản đồ thế giới
-
Bài học Cách mạng Tháng Mười Nga trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Kỳ cuối: Ứng dụng thực tiễn của động cơ lượng tử
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines