Vì sao khó xử lý những vụ án xâm hại tình dục trẻ em?
Trước tiên, đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em, khi xảy ra sự việc, theo quy định hiện hành, cơ quan chức năng yêu cầu phải có chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân bị xâm hại. Đây là một yêu cầu rất khó thực hiện, bởi hầu hết các vụ dâm ô không để lại dấu vết, gia đình nạn nhân phát hiện, tố cáo muộn nên việc thu thập chứng cứ không đơn giản.
Cảnh sát Hà Nội đang hướng dẫn cho trẻ em phòng tránh bị xâm hại tình dục |
Trong khi đó, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội rất tinh vi, có hiểu biết pháp luật, dùng mọi thủ đoạn để đối phó hoạt động điều tra, khai báo quanh co thiếu thành khẩn, thường tìm cách xóa dấu vết đồng thời đe dọa, khống chế, gây áp lực đối với nạn nhân và người nhà không được nói ra sự thật.
Về phía bị hại, do còn nhỏ, nhận thức hạn chế, khi bị xâm hại rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý nặng nề, sợ hãi nên giấu kín chuyện, không trình báo với cơ quan chức năng. Không ít em khi tiếp xúc với điều tra viên không thể nhớ chính xác những vấn đề liên quan như thời gian, địa điểm, diễn biến của vụ việc.
Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên Điều tra viên cao cấp Công an TP Hà Nội, các em cũng chưa nhận thức được đầy đủ về mức độ, hành vi của kẻ phạm tội, khả năng diễn đạt trình bày kém khiến việc thu thập chứng cứ qua lời khai, dấu vết vật chứng gặp nhiều khó khăn. Chưa nói đến việc, trẻ bị xâm hại do quá lo sợ đã nhanh chóng xóa các dấu vết như thay quần áo, tắm rửa.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng cho biết, hầu hết những vụ xâm hại tình dục trẻ em diễn ra ở chỗ kín đáo, nơi hẻo lánh, vào buổi tối hoặc trưa vắng, không có người làm chứng. Trong khi đó, nếu chỉ căn cứ vào lời khai của bị hại và bị cáo để xét xử thì ranh giới giữa phạm tội và không phạm tội rất mong manh.
Mặt khác, theo Thông tư liên tịch 01/1998 của TAND tối cao, Viện KSND tối cao và Bộ Nội vụ, dâm ô đối với trẻ em là hành vi như sờ, bóp... vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp... vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác, nhưng không có việc giao cấu với trẻ em.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại khái niệm trên không còn phù hợp. Do chưa có văn bản hướng dẫn chính thức nên các cơ quan tố tụng ở nhiều nơi áp dụng không thống nhất. Ngoài ra, khi xảy ra hành vi xâm hại tình dục, để có căn cứ khởi tố, truy tố và xét xử, ngoài các nhân chứng, vật chứng có liên quan, kết luận giám định pháp y là một trong những khâu quan trọng để làm căn cứ, xác định đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.
Song, theo Điều 22 Luật Giám định Tư pháp, khi phát hiện hành vi xâm hại hoặc dấu hiệu của hành vi bị xâm phạm thì người nhà, người thân của nạn nhân phải tiến hành trình báo sự việc tới cơ quan công an, và trong thời hạn 7 ngày cơ quan công an sẽ ra quyết định có trưng cầu giám định hay không.
Tội phạm tình dục luôn là mối hiểm họa đối với trẻ em |
“Quy định 7 ngày là quá dài, khiến cơ quan công an khó có thể thu thập được các bằng chứng để buộc tội. Có thể nói, những bất cập trong quy trình trưng cầu giám định tình dục là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong giải quyết án, có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý không đúng tội danh” - ông Nguyễn Xuân Hùng nhận định.
Để hạn chế các vụ xâm hại tình dục trẻ em có thể xảy ra tiếp theo, cơ quan chức năng cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về vấn đề này, đáp ứng yêu cầu đấu tranh với loại tội phạm xâm phạm tình dục trẻ em đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp với các trường học để thường xuyên dạy cho các em học sinh cảnh giác với tội phạm xâm hại tình dục, cách tự vệ và phản ứng hợp lý khi gặp đối tượng có biểu hiện xâm hại tình dục tại nơi công cộng hoặc những nơi vắng vẻ, đêm khuya.
Tùng Phong
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Petrovietnam và Zarubezhneft trao văn kiện hợp tác
-
[VIDEO] Thủ tướng đến Nga dự Hội nghị BRICS mở rộng
-
Liên doanh dầu khí Nga - Việt đã mang về cho đất nước tỷ USD
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện