Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Những đứa trẻ bị bỏ rơi

07:00 | 01/04/2022

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo hành cao. Làm sao để chăm lo, bảo vệ trẻ em tốt nhất là điều mà gia đình và xã hội cần đặc biệt quan tâm. Chuyên gia xã hội học - PGS.TS Trương Văn Vỹ - đã có những chia sẻ với phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới xung quanh vấn đề này.
Những đứa trẻ bị bỏ rơi
PGS.TS Trương Văn Vỹ

PV: Thưa ông, qua những sự vụ đau lòng như cháu bé 8 tuổi bị dì ghẻ bạo hành đến tử vong hay bé 3 tuổi bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu..., ông nghĩ gì về tình trạng bạo hành trẻ em hiện nay?

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Bạo hành, xâm hại trẻ em là một vấn đề xã hội có từ lâu, đó có thể là lạm dụng tình dục, lạm dụng sức lao động, hành hạ thể xác, tinh thần... đối với trẻ. Hiện nay, các vụ xâm hại trẻ em có dấu hiệu gia tăng tính phức tạp. Bằng chứng là những vụ bạo hành gần đây cho thấy mức độ tàn nhẫn, man rợ nằm ngoài hình dung của chúng ta.

Hai vụ bạo hành vừa rồi cũng chỉ là phần nổi mà thôi. Đó là những vụ việc quá lớn bị bại lộ. Còn rất nhiều vụ việc xảy ra hằng ngày khác nhưng không ai biết vì không ai tố cáo, vì đó là chuyện trong mỗi nhà, mỗi gia đình. Đó là một hạn chế mà những vụ bạo hành trẻ em nói chung thường rất ít khi được phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

PV: Phải chăng trẻ em trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân thì nguy cơ bị bạo hành cao hơn?

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Điều đó là sự thật. Những đứa trẻ ấy luôn tiềm ẩn nguy cơ cao bị bạo hành về thể xác hoặc tinh thần, hoặc cả hai. Người dì ghẻ trong câu chuyện bạo hành đến chết đứa trẻ 8 tuổi từng thẳng thắn khai rằng, đứa bé ấy đâu phải con gái của cô nên không có lý do để yêu thương. Vụ người đàn ông đóng đinh vào đầu con của nhân tình cũng không ngoại lệ. Qua đó để thấy rõ một sự thật không dễ chấp nhận, đó là những đứa trẻ trong gia đình có bố mẹ ly hôn, ly thân luôn tiềm ẩn nguy cơ cao bị bạo hành.

Đây cũng là vấn đề đáng quan tâm của xã hội hiện đại. Trước tiên, đó là việc xây dựng nền tảng văn hóa vững chắc trong mỗi gia đình. Thứ hai, đó là vai trò của người cha hoặc mẹ - người sống cùng và có trách nhiệm trực tiếp nuôi dưỡng con nhỏ sau ly hôn. Ba hoặc mẹ phải yêu thương, quan tâm và chăm sóc đặc biệt đối với con trong những trường hợp này, bởi sự thiệt thòi tình cảm, những tổn thương tâm lý và nhất là những nguy cơ bị xâm hại, bạo hành.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi
Trẻ em trong gia đình cha mẹ ly hôn có nguy cơ bị xâm hại cao (ảnh minh họa)

PV: Vai trò của pháp luật, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc ngăn chặn bạo hành trẻ em như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Hiện nay, chúng ta có nhiều tổ chức chính trị - xã hội về bảo vệ trẻ em như Cục Trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, chính quyền địa phương cấp phường, xã... Những tổ chức này đương nhiên có vai trò quan trọng trong việc chăm lo, bảo vệ những đứa trẻ trong gia đình mà bố mẹ ly hôn, ly thân trước những nguy cơ bị xâm hại, bạo hành. Tuy nhiên, trong thực tế, lực lượng này còn quá mỏng, không thể phát hiện kịp thời các vụ bạo hành trẻ em, nên những vụ việc đau lòng vẫn cứ diễn ra.

Thêm nữa, công tác tuyên truyền, truyền thông về bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ bị xâm hại, bạo hành hiện nay còn quá yếu, dẫn đến nhận thức của nhiều người về hành vi bạo hành trẻ em vẫn còn rất hạn chế, không chỉ ở nông thôn mà cả ở các thành phố lớn cũng vậy.

Qua đó để thấy rằng, vai trò của gia đình, người thân, của ba hoặc mẹ trực tiếp chăm trẻ hậu ly hôn là quan trọng nhất. Kế đến, những người sống gần, chính quyền địa phương cũng cần đặc biệt chú ý, nếu phát hiện những hành vi, dấu hiệu xâm hại, bạo hành trẻ em cần ngăn chặn kịp thời và báo cho các cơ quan chức năng để bảo vệ trẻ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

PV: Nhiều đứa trẻ ngày càng cô đơn trong thế giới hiện đại bởi sự bận rộn của cha mẹ, đôi khi họ phó mặc các em cho nhà trường, cho ông bà hoặc bảo mẫu mà không dành thời gian bên cạnh dạy dỗ, tâm sự và chia sẻ. Từ đó, các em dễ vướng vào tệ nạn, dễ bị bạo hành... Ông đánh giá thế nào về thực tế này?

PGS.TS Trương Văn Vỹ: Ngày nay, do sự phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện gia đình ngày càng tốt hơn so. Nhưng trong vòng xoáy hối hả của “cơm - áo - gạo - tiền” thì việc nuôi dạy trẻ trở thành một thách thức lớn đối với các bậc cha mẹ.

Nhiều gia đình cứ nghĩ cho con ăn ngon, mặc đẹp, cho con nhiều tiền tiêu, cho con học hành đủ thứ... là đủ. Hoặc ba mẹ sắm cho con máy tính, điện thoại xịn để dễ bề “nhốt” con trong phòng và nghĩ như vậy là quản lý được con...

Đó là những quan niệm sai lầm. Đối với con, sự quan tâm, lắng nghe, chia sẻ của cha mẹ với con mới là điều quan trọng nhất. Cha mẹ nhiều khi phải là người bạn thân thiết của con, đặc biệt là đối với những đứa trẻ thiếu vắng tình thương của cha hoặc mẹ.

PV: Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Theo thống kê, trung bình mỗi ngày Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận hơn 1.400 cuộc gọi; tư vấn gần 100 trường hợp liên quan đến vi phạm quyền trẻ em.

Tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em 111 được pháp luật quy định là một trong những cơ quan tiếp nhận các thông tin tố cáo về hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Ngoài ra, tổng đài còn có chức năng tư vấn cho trẻ em, cha mẹ và những người quan tâm đến thực hiện quyền trẻ em, chăm sóc trẻ em.

Những hỗ trợ, can thiệp khẩn cấp liên quan đến những trường hợp trẻ bị xâm hại được quy định rất rõ trong Luật Trẻ em và Nghị định 56 của Chính phủ.

Trúc Vân