Vì sao "đại gia" mua 100 tàu cá từ bỏ ý định sắm 2 máy bay trực thăng?
Những toan tính của một vị “đại gia”
Ông Lâm nói, ban đầu dự tính, có 2 trực thăng hỗ trợ cho tàu đánh cá hoạt động công tác cứu hộ cứu nạn trên biển. Kế hoạch 2 chiếc trực thăng sẽ được tạm ngưng và ưu tiên cho tàu đánh bắt, tàu hậu cần và ụ nổi. Đến giai đoạn 2, khi đề án đã hình thành và ổn định sẽ tính tiếp đến việc có cần thiết mua trực thăng hỗ trợ hay không.
Hiện nay, nếu thực hiện và phối hợp tốt với lực lượng Cảnh sát biển thì các tàu cá cũng đã được hỗ trợ các trực thăng hiện đại và sẽ không có gì trở ngại. Ông Lâm trăn trở: “Trong cơ chế để tư nhân xin hoạt động được 2 trực thăng trên biển sẽ hơi bị lâu và hơi bị khó. Trong đề án nếu xin luôn 1 lần thì sẽ kéo dài thời gian tổ chức thực hiện. Sở dĩ tôi muốn nói đến 2 chiếc trực thăng trong đề án không phải để khoe, để lòe”.
Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch Tập đoàn Đức Khải.
“Ngư dân lên tàu ra khơi thường rất lo lắng. Trong bất kỳ ngành nghề gì cũng có rủi ro nhất định. Trong rủi ro này, mình muốn trấn an người lao động bằng cách sẽ sử dụng những phương tiện khẩn cấp để yên tâm hơn”, ông Lâm nói tiếp.
Hiện nay, chính phủ đã trang bị cho lực lượng cảnh sát biển trực thăng chuyên dùng nằm sẵn trên tàu thì điều kiện trên rất thuận lợi cho ngư dân. Bước đầu, ông Lâm dự tính đưa vào trong dự án để mong trở thành “khép kín” dựa trên 2 mục tiêu. Thứ nhất, tạo nên niềm tin cho người lao động và thứ 2, thể hiện quy mô cứu hộ một cách khép kín có bài bản chứ không đầu tư theo kiểu “nhắm mắt, đoán mò”.
Những ngày qua, ông Phạm Ngọc Lâm dù khá bận rộn với đề án “100 tàu đánh cá” nhưng vẫn thường xuyên lên các trang báo mạng để đọc một số ý kiến comment “trái chiều”. Chẳng phải vị “đại gia” tò mò để xem mọi người “chửi” như thế nào và ra làm sao nhưng ông Lâm xác nhận: “Muốn tiếp thu và cần thấy phải khắc phục những gì cho bản thân và câu chuyện cuối cùng vẫn phải mang về hiệu quả cho doanh nghiệp”. Ông Lâm cũng khẳng định: “Tôi không bỏ tiền ra để đầu tư vài tháng vào dự án này để rồi... thua lỗ một cách cay đắng”.
“Tôi mong muốn đầu tư lâu dài trong nghề đánh bắt thủy sản và phải thực sự mang về hiệu quả chứ thua lỗ kéo dài thì cuối cùng cũng có… chết. Lỗ hoài thì tiền đâu mà duy trì cho hoạt động của đội tàu 100 chiếc”, vị “đại gia” phân tích.
Nhiều comment trái chiều vẫn nghĩ ngợi ông Lâm dùng những “trò cũ”, “trò mới” trong việc triển khai nghiệp đoàn đánh cá cho Tập đoàn Đức Khải. Nói không ngoa, nếu có dịp ngồi trò chuyện với con người có đầu kinh doanh và thấy trước thời cuộc mới có thể hiểu được những bước đi, những toan tính của vị “đại gia” đang lãnh đạo một Tập đoàn lớn.
Mua 100 tàu cá không phải để lấy "điểm" về… lòng yêu nước
Ông Lâm nói với chất giọng hoạt náo, đầy tự tin: “Tôi nói thực, bản thân tôi phải tin vào năng lực của tôi chứ không lẽ, tôi cứ nhắm mắt nhắm mũi rồi làm. Làm mà không có tiền sao làm”.
Câu chuyện về một con người chuyên nghĩ đến làm giàu như ông Phạm Ngọc Lâm luôn nghĩ đến chuyện kiếm được thật nhiều tiền. Vị “đại gia” đã lèo lái cả Tập đoàn của mình vượt qua thời kỳ khó khăn của thị trường bất động sản đóng băng mà nhiều công ty khác phải giãy chết.
Một trong số 100 con tàu sắp được đưa về Việt Nam.
Ông Lâm không dấu được cảm xúc: “Tôi cũng chẳng vì thời cơ hay “lấy điểm” ở vấn đề… lòng yêu nước để PR cho tện tuổi công ty, hay cho bản thân. “Điểm” thì thiếu gì chỗ để lấy. Tôi đã lấy nhiều rồi. Bằng chứng là hàng loạt các dự án nhà chất lượng cao, giá rẻ dành cho người có thu nhập thấp đã được thể hiện. Quan trọng bây giờ là ở chỗ cái hiệu quả của công ty có hay không chứ tôi đâu thể bao đồng chuyện lớn như vầy được”.
Vị chủ tịch Tập đoàn Đức Khải đã phân tích đầu tư 100 tàu đánh cá ra biển khơi sẽ đúng mục tiêu kinh doanh. Mục tiêu kinh doanh của Tập đoàn Đức Khải nhắm đến kinh tế biển bởi đây thực sự là nguồn tài nguyên phong phú.
Ông Lâm sinh ra ở vùng biển nên hiểu được việc các ngư dân chưa khai thác nguồn lợi thủy sản từ biển một cách có hiệu quả. Khâu tổ chức khai thác còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ do việc di chuyển của các tàu đánh bắt ra bờ, vào bờ sẽ vừa tốn nguyên liệu, thời gian. Từ điểm yếu này, vị chủ tịch Tập đoàn Đức Khải đã nhắm đến việc đầu tư nghề đánh bắt cá phải có quy mô khép kín đồng bộ.
Trở lại câu chuyện kinh doanh bất động sản để vượt qua thời kỳ khó khăn, ông Lâm kể lại với niềm tự hào: “Ngày xưa tôi từng đầu tư vào dự án bất động sản nên đã tính đến chuyện phải khép kín để cho ra sản phẩm là những căn hộ có giá rẻ nhất. Nếu tôi là chủ đầu tư mà phải đi mời từng nhà thầu cho mỗi gói công trình. Mỗi một công đoạn mất hết vài phần trăm của gói thầu. Chưa nói nhiều, chỉ 5% thôi thì toàn bộ công trình sẽ "đội" giá lên đến mức nào?”.
Trong giới đầu tư bất động sản, không ai còn lạ với chiêu thức chủ đầu tư thường phải khoán lại cho nhà thầu chính. Nhà thầu chính mời các nhà thầu đơn lẻ chuyên về cung cấp vật tư, nhà thầu xây dựng, nhà thầu hoàn thiện… Ông Lâm lại nghĩ đến chiến lược tiết giảm các khâu trên. Một dự án sẽ được vị đại gia chia nhỏ ra thành từng gói. Từng gói thầu mua con ốc, con vít cũng do chính Tập đoàn Đức Khải tự làm nên giá trị đầu ra của sản phẩm nhà giá rẻ sẽ làm gia tăng chất lượng sản phẩm.
Từ chuyện đầu tư thành công vào địa ốc, ông Lâm đầy tự tin khi bước vào nghề đánh bắt thủy sản xa bờ và con cá ngừ đại dương sẽ là sản phẩm vị đại gia nhắm đến để cung cấp cho thị trường tiêu thụ tại Nhật Bản đầy khó tính.
Thuận Thiên - Đỗ Hưng
Kỳ tới: Chiến lược bước vào thị trường cá ngừ đại dương trên đất Nhật
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên