Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Vẫn “rối” với kỳ thi quốc gia

06:45 | 10/09/2014

Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong chiều 9/9, các lãnh đạo Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã giải đáp thắc mắc của báo chí về kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức trong năm 2015.

>> Chỉ còn một kỳ thi duy nhất!

Không đặt vấn đề đỗ tốt nghiệp bao nhiêu

Với kì thi quốc gia, đề thi có đổi mới như thế nào? Thí sinh cần phải chuẩn bị gì để đáp ứng?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Đề thi sẽ không tách riêng phần để xét tốt nghiệp hay tuyển sinh. Cũng không tách riêng phòng thí sinh nào thi tốt nghiệp, this sinh nào thi cả đại học. Nhưng có sự phân hóa trong đề thi. Và điểm để xét tuyển đại học sẽ cao hơn điểm xét tốt nghiệp.

Để thực hiện mục đích vừa xét tốt nghiệp phổ thông, vừa cung cấp dữ liệu tin cậy để các trường CĐ, ĐH tuyển sinh, Bộ sẽ tổ chức Kỳ thi với đề thi theo định dạng của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo hướng tăng cường các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở, giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.

Các lãnh đạo Bộ GD-ĐT giải đáp thắc mắc về kỳ thi quốc gia THPT

Do đó, trước mắt cũng chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình phổ thông. Vì vậy, các em thí sinh yên tâm học tập, không có gì phải hoang mang, lo lắng. Những đổi mới của kỳ thi đều nhằm theo hướng nhẹ nhàng, thuận lợi, tạo cho các em nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp.

PGS TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng GD: Đề thi khá giống với đề thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Dĩ nhiên sẽ tiếp tục làm đậm hơn những điểm đổi mới như  tăng cường câu hỏi mở, vận dụng kiến thức liên môn để trả lời. Quy định về các môn tự luận, trắc nghiệm, thời gian tổ chức môn thi vẫn giữ nguyên như năm 2014 để thí sinh không gặp khó khăn, bỡ ngỡ.

Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ được miễn thi tốt nghiệp THPT. Vậy những chứng chỉ nào thì được xét miễn thi?  Bộ có quy định gì để ngăn chặn chuyện mua bằng, chứng chỉ tiếng Anh khi ngoài thị trường chỉ cần 200-300 ngàn đồng cũng mua được chứng chỉ tiếng Anh?

PGS TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng GD: Bộ sẽ ra quy định cụ thể là chứng chỉ nào được phép miễn thi. Chứng chỉ quốc tế chắc chắn được xét miễn thi, còn những chứng chỉ mua được dễ dàng 200-300 ... Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức các trung tâm kiểm tra, đánh giá trình độ ngoại ngữ. Dần dần các trung tâm này sẽ cấp các chứng chỉ ngoại ngữ, giảm kiểm tra tập trung đối với môn Ngoại ngữ như hiện nay.

Với việc tổ chức kì thi quốc gia năm nay, liệu có thể đảm bảo độ tin cậy không khi trước đây từng có năm Bộ GD-ĐT tung hàng ngàn thanh tra về các địa phương nhưng không ngăn chặn được tiêu cực và tỷ lệ tốt nghiệp năm tới sẽ tiếp tục tăng?  Liệu năm tới Bộ GD-ĐT có công bố phổ điểm thi để xã hội kiểm soát không?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Bộ không đặt ra vấn đề đỗ tốt nghiệp bao nhiêu, nhưng chúng tôi tin không có biến động nhiều vì Bộ GD-ĐT sẽ có giải pháp để đảm bảo độ tin cậy của kì thi với mô hình tổ chức thi theo cụm, tương tự như kì thi “ba chung” đã làm thành công.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Kì thi quốc gia năm nay sẽ công khai điểm trên mạng, yêu cầu xét tuyển của mỗi trường cũng được công khai trên mạng. Như vậy thí sinh có thể căn cứ vào dữ liệu công khai để đăng kí xét tuyển, xã hội cũng sẽ giám sát được kì thi.

Nhiều thí sinh thi trượt ĐH từ các năm trước không giấu được hoang mang, lo lắng về việc sẽ tham dự kỳ thi quốc gia duy nhất năm 2015 thế nào khi các em đã đỗ tốt nghiệp THPT, chỉ có nguyện vọng vào ĐH?

TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng GD: Với những trường hợp này, thí sinh chỉ cần chọn các môn để thi tuyển sinh mà không phải thi tối thiểu bốn môn như học sinh cần xét tốt nghiệp THPT.

Theo đó, các trường ĐH, CĐ phải công bố phương thức tuyển sinh cụ thể của trường mình, trong đó nêu rõ mức độ sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để thí sinh chuẩn bị và chọn lựa, đăng ký vào các trường phù hợp.

Không giới hạn nguyện vọng đăng ký

Có quy định số lượng nguyện vọng mỗi thí sinh được đăng ký không? Nếu không quy định liệu có gây ra tình trạng thí sinh ảo khi các em có thể đăng ký nhiều trường cùng lúc không?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Một thí sinh có thể đăng ký bao nhiêu nguyện vọng phụ thuộc điều kiện do các trường quy định. Trước ngày 1/1/2015, các trường sẽ công bố điều kiện của mình. Căn cứ kết quả thi, các em phải lượng sức mà đăng ký. Trước đây khi chưa có kết quả thi các em đã đăng ký nguyện vọng nên dẫn đến tình trạng thí sinh ảo nhiều. Bây giờ tuyển theo yêu cầu của trường và kết quả thi của thí sinh, hy vọng tình trạng thí sinh ảo sẽ giảm bớt...

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014

PGS TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng GD: Hiện nay  đã có bài học thực tế từ việc tuyển sinh nguyện vọng bổ sung của kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ theo phương thức “ba chung” rồi. Nên cách thức xét tuyển ĐH-CĐ với kì thi quốc gia năm sau sẽ thực hiện tương tự như vậy, với nguyên tắc tạo điều kiện tối đa cho học sinh và không gây khó khăn cho trường. Việc này sẽ được cụ thể hóa trong quy chế thi của năm 2015.

Khi hợp nhất hai kỳ thi quốc gia, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ  liệu có được sửa đổi không? Nếu sửa đổi, thì những quy định quan trọng nào sẽ cần thiết điều chỉnh cho phù hợp?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Đúng là khi thực hiện kỳ thi quốc gia 2015, Bộ GD-ĐT sẽ phải sửa đổi Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy cho phù hợp. Trong đó, sẽ quy định việc tổ chức cụm thi thế nào.

Điều khác biệt của kỳ thi này là thí sinh không còn phải đăng ký trường trước rồi mới thi như lâu nay vẫn làm, mà thí sinh thi xong, sẽ căn cứ vào kết quả cụ thể của mình để đăng ký trường ĐH, CĐ cho phù hợp.

Về phía trường ĐH-CĐ, các trường sẽ phải công bố mức điểm xét tuyển cụ thể cùng các điều kiện đi kèm để thí sinh đăng ký khi đã đảm bảo đầy đủ các yêu cầu do trường ĐH-CĐ đặt ra. Với những thay đổi này, Bộ sẽ thay đổi phần mềm tuyển sinh.

Điểm mới dành cho thí sinh là các em không phải nhận giấy chứng nhận kết quả thi, phiếu báo điểm do các trường cung cấp như trước đây, mà các em có thể in kết quả thi trực tiếp từ mạng Internet. Riêng về cụm thi, Bộ chủ trương tổ chức quy mô cụm thi ở chừng 30.000-40.000 thí sinh/cụm thi.

Các trường có khống chế số các trường có kì kiểm tra bổ sung bên cạnh kì thi quốc gia không?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Mục đích của kì thi quốc gia là cung cấp dữ liệu cho các trường ĐH-CĐ để tuyển sinh. Vì thế Bộ GD-ĐT mong có nhiều trường sử dụng kết quả này để giảm tốn kém, áp lực cho xã hội và người dân.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không khống chế việc các trường tự chủ tuyển sinh riêng hoặc có thêm kì kiểm tra bổ sung bên cạnh kết quả của kì thi quốc gia. Các trường hoàn toàn có thể sử dụng toàn phần, hoặc một phần kết quả của kì thi quốc gia, tùy thuộc vào yêu cầu, đặc thù đào tạo của trường mình.

Sẽ mở rộng lượng cụm thi phù hợp

Việc thi theo cụm có đảm bảo không quá tải ở cụm mới không? Cơ sở vật chất có đảm bảo không?

TS Mai Văn Trinh- cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục: Bộ sẽ chọn những trường ĐH đảm nhiệm vai trò cụm trưởng cụm thi dựa vào chính năng lực thực tế của trường (về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, kinh nghiệm tổ chức thi).

TS Mai Văn Trinh- cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục

Còn về lo lắng với lưu lượng thí sinh quá lớn, Bộ có lường trước những khó khăn về giao thông hay không thì xin khẳng định câu trả lời nằm ở chính việc tổ chức kỳ thi ba chung hơn 10 năm qua.

Hiện tại, Bộ GD-ĐT đã thống kê tình hình tham dự các kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh trên toàn quốc trong năm năm qua để lường trước quy mô thí sinh. Dựa trên những yếu tố này, bộ sẽ xem xét mở rộng lượng cụm thi phù hợp, vừa sức với nhà trường, với thí sinh.

Bộ GD-ĐT quy định thí sinh chỉ cần xét tốt nghiệp sẽ thi theo cụm do địa phương tổ chức, còn muốn thi ĐH phải thi tại cụm do trường ĐH tổ chức. Tuy nhiên, liệu có trường hợp địa phương lo tỉ lệ tốt nghiệp thấp khi thí sinh dự thi tại cụm thi của trường ĐH mà ép thí sinh thi tại cụm thi của đại phương không?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Chắc chắc không thể có chuyện ép thí sinh như vậy được. Thí sinh có nguyện vọng nào sẽ dự thi theo cách thức đó.

Liệu với việc đổi mới thi năm tới, có mâu thuẫn với việc dạy học khi học sinh phổ thông vẫn học chương trình cũ. Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo việc dạy và học sẽ thế nào để học sinh có thể đáp ứng yêu cầu của kì thi?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Kì thi tới sẽ phát huy thành công của các kì thi trước, đặc biệt là kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 để thiết kế kì thi quốc gia cho năm tới nên không có mâu thuẫn giữa việc đổi mới thi và việc thực hiện chương trình GD hiện hành. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học theo từng năm theo hướng phát triển năng lực.

Cùng với đó, tỷ lệ các câu hỏi khó, yêu cầu cao sẽ tăng lên so với mỗi năm. Học sinh sẽ phải làm quen với các câu hỏi yêu cầu phát huy năng lực tư duy, sáng tạo, năng lực vận dụng kiến thức liên môn và liên hệ với thực tế. Việc đổi mới nội dung đề thi sẽ được tiến hành từng bước để không gây sốc cho thí sinh.

Khánh An (ghi)