Vai trò của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong phát triển kinh tế - xã hội
Bà Lê Thanh Hằng, Giám đốc VBCWE phát biểu tại hội thảo |
Hội thảo với sự tham dự của hơn 100 đại diện từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hỗ trợ, đại diện các doanh nghiệp, sáng kiến kinh doanh, các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên; đây là chương trình tìm kiếm và tôn vinh các sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thanh Hằng, Giám đốc VBCWE đã chỉ rõ thực trạng bất bình đẳng giới tại Việt Nam trong xã hội và tại nơi làm việc, qua đó nhấn mạnh phụ nữ cần được tham gia vào lực lượng lao động và tạo điều kiện để phát triển và thăng tiến công bằng. Bà Hằng cũng đưa ra nhiều dẫn chứng về tác động tích cực của việc thúc đẩy các giá trị bình đẳng trong doanh nghiệp, đồng thời giới thiệu một số công cụ và chứng chỉ quốc tế giúp doanh nghiệp xây dựng môi trường làm việc bình đẳng, hiệu quả.
Thực tế cho thấy vai trò của phụ nữ trong xã hội nói chung và trong kinh doanh nói riêng chưa thực sự được thúc đẩy và tạo điều kiện đầy đủ. Những thách thức về định kiến xã hội và tình trạng bất bình đẳng giới trong tuyển dụng, đào tạo, thăng tiến, tiền lương… vẫn tồn tại, khiến phụ nữ ít được ủng hộ trong công việc cũng như đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn.
Bên cạnh đó, xét về vị thế làm việc, lao động nữ làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương hơn nhiều hơn so với lao động nam. Do đó, sự tham gia của các doanh nghiệp, các tập đoàn cùng các chuyên gia sẽ phát đi tín hiệu mạnh mẽ về sự cam kết đối với mục tiêu phát triển bền vững.
Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo |
Trong phiên thảo luận “Thúc đẩy Bình đẳng giới trong kinh doanh - Thực tiễn, thách thức và giải pháp” các đại biểu đã cùng chia sẻ những góc nhìn đa dạng về vai trò của bình đẳng giới trong phát triển kinh tế - xã hội, thảo luận những khó khăn, vướng mắc, cũng như đưa ra các giải pháp cả về chính sách và thực tiễn nhằm từng bước tháo gỡ những thách thức này.
Các đại biểu cũng đã được nghe giới thiệu các bước và kinh nghiệm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ dự án “Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp”. Thông qua chiến lược thúc đẩy bình đẳng giới, dự án đã tạo ra được những thay đổi tích cực ở nhiều cấp độ - cấp hộ gia đình, cấp cộng đồng với các nhóm sản xuất hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời góp phần cải thiện môi trường chính sách ở cấp vùng miền và cấp quốc gia.
Theo bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) chia sẻ: Với mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững, chúng tôi hi vọng bằng việc tìm kiếm và nhân rộng các sáng kiến kinh doanh giúp tăng quyền cho phụ nữ, sự tham gia và lãnh đạo của nữ giới trong kinh doanh sẽ ngày càng được thúc đẩy, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy được hết quyền và năng lực của mình trong xã hội hiện đại.
Từ phía doanh nghiệp, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) Nguyễn Thị Huyền đã chia sẻ những tác động xã hội tích cực và giá trị kiến tạo cho cộng đồng mà công ty chú trọng trong quá trình phát triển, bao gồm việc tạo dựng một môi trường làm việc bình đẳng, tạo điều kiện cho người lao động của cả hai giới được cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân.
Cũng trong phiên thảo luận, đại diện cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Lê Đình Quảng, Phó ban quan hệ Lao động nhấn mạnh: Tổng liên đoàn luôn nỗ lực vận động thay đổi luật và chính sách theo hướng thúc đẩy bình đẳng giới, hỗ trợ cho lao động nữ nói riêng và toàn thể người lao động nói chung.
Nguyễn Hoan
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam
-
Luật sư Trương Anh Tú: Dự thảo luật về hoàn thuế GTGT phải đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam