Ukraine phủ nhận đứng sau vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream
Dữ liệu do các cơ quan tình báo Hoa Kỳ thu thập cho thấy thủ phạm đứng sau vụ phá hoại hai đường ống dẫn khí đốt là "đối thủ của Tổng thống Nga Vladimir Putin", tờ New York Times viết.
Kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, hai đường ống dẫn khí đốt đã trở thành tâm điểm căng thẳng địa chính trị, được thúc đẩy bởi quyết định của Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Vào ngày 26 tháng 9 năm 2022, bốn vụ rò rỉ khí đốt lớn dẫn đến các vụ nổ dưới nước đã được phát hiện trên các đường ống dẫn khí đốt nối Nga với Đức, tất cả đều ở vùng biển quốc tế.
Mặc dù không hoạt động vào thời điểm xảy ra sự cố nhưng hai đường ống dẫn khí vẫn chứa một lượng khí mê-tan đáng kể.
Một "nhóm thân Ukraine" đứng sau vụ phá hoại này, New York Times quả quyết dựa trên cơ sở thông tin do tình báo Mỹ cung cấp, tuy nhiên không đưa ra chi tiết về các vụ phá hoại này hoặc danh tính của "nhóm thân Ukraine" này.
Nhưng Kiev đã chính thức bác bỏ những cáo buộc này.
"Mặc dù tôi thích thu thập các thuyết âm mưu hài hước về Chính phủ Ukraine, nhưng tôi phải nói rằng Ukraine không liên quan gì đến vụ tai nạn ở biển Baltic và không có thông tin về bất kỳ nhóm phá hoại thân Ukraine nào", Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Volodymyr Zelensky, viết trên Twitter.
Theo các quan chức Mỹ, không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Ukraine có liên quan đến vụ phá hoại này.
Dấu vết chất nổ trên tàu
Truyền thông Đức ngày 7/3 cho biết, cuộc điều tra hình sự đã xác định chiếc thuyền được sử dụng để tiến hành các vụ phá hoại. Một công ty có trụ sở tại Ba Lan "dường như thuộc về hai người Ukraine" đã thuê con thuyền này, tuần báo Die Zeit cũng như các kênh tin tức ARD và SWR cho hay.
Truyền thông đưa tin, một đội gồm 6 người, gồm 5 nam và 1 nữ, bao gồm cả thợ lặn, đã lên tàu để vận chuyển và xử lý chất nổ tại địa điểm xảy ra các sự cố rò rỉ.
Các hãng thông tấn lấy thông tin này từ các cuộc phỏng vấn "với các nguồn tin ở một số quốc gia". Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đang tiến hành các cuộc điều tra tư pháp về việc phá hủy các đường ống dẫn khí đốt.
Tuy nhiên, "quốc tịch của thủ phạm không rõ ràng", Die Zeit cho biết thêm, chỉ rõ rằng hộ chiếu giả đã được sử dụng để thuê thuyền.
Các nhà điều tra có thể xác định rằng nhóm biệt kích đã khởi hành từ cảng Rostock của Đức vào ngày 6 tháng 9 năm 2022 và sau đó xác định vị trí con thuyền gần đảo Christiansø của Đan Mạch.
Dấu vết của chất nổ được phát hiện "trên bàn cabin" của con tàu khi nó được trả lại cho chủ, Die Zeit viết.
“Ngay cả khi đầu mối dẫn đến Ukraine, các nhà điều tra vẫn chưa thể xác định ai đã ủy quyền” hoạt động này, tuần báo nhấn mạnh.
New York Times cho biết thêm rằng thông tin mà tình báo Mỹ xem được cho phép "không có kết luận chắc chắn" và "để ngỏ khả năng hoạt động được tiến hành bí mật bởi một lực lượng bên thứ ba có liên kết trong Chính phủ Ukraine hoặc các cơ quan an ninh của họ".
Một phát ngôn viên của Chính phủ Đức nói với AFP rằng họ đã "ghi nhận" bài báo của New York Times và đề cập đến cuộc điều tra tư pháp đang diễn ra.
"Một cuộc điều tra sơ bộ đang diễn ra ở Thụy Điển, vì vậy tôi không có ý định bình luận về thông tin này", Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nói với các phóng viên hôm 7/3.
Nga đã cáo buộc các nước phương Tây đứng sau vụ phá hoại này.
Trong một bài báo gần đây, nhà báo điều tra người Mỹ Seymour Hersh đã viết rằng các thợ lặn của Hải quân Hoa Kỳ, được sự hỗ trợ của Na Uy, bị cáo buộc đã cài chất nổ vào các đường ống dẫn khí đốt này vào tháng 6, gây ra vụ nổ ba tháng sau đó.
Hoa Kỳ gọi thông tin này là "hoàn toàn sai sự thật".
Nh.Thạch
AFP
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo