"Tỷ phú thịt lợn" tăng gấp ba tài sản trong một năm
Nhiều tài phiệt Trung Quốc bị giảm mạnh tài sản trong năm 2019 do kinh tế giảm tốc và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, theo báo cáo mới đây của Hurun. Tuy nhiên, các tỷ phú ngành thực phẩm lại có một năm kinh doanh khởi sắc nhờ giá thực phẩm tăng mạnh.
Tỷ phú "thịt lợn" Qin Yinglin. Ảnh: Forbes |
Vợ chồng Qin Yinglin, 54 tuổi và Qian Ying, 53 tuổi - sở hữu hãng thực phẩm Muyuan Foodstuff - đã vươn lên vị trí thứ 15 trong danh sách những người giàu nhất nhờ "khủng hoảng thịt lợn".
Cổ phiếu của nhà sản xuất thịt lợn lớn thứ hai Trung Quốc đã tăng gấp ba lần trong một năm, giúp tài sản của Qin Yinglin và vợ tăng lên 100 tỷ nhân dân tệ (tương đương gần 14 tỷ USD). Năm ngoái, họ đứng thứ 70 với tổng tài sản 35,5 tỷ nhân dân tệ.
Qin Yinglin, sinh năm 1964, quê gốc tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Tốt nghiệp cử nhân Đại học Nông nghiệp Hà Nam năm 1989 và gia nhập một công ty sản xuất thực phẩm ở khu vực Nanyang, nhưng chỉ sau ba năm, Qin quyết định nghỉ việc để về quê khởi nghiệp.
Khởi đầu với đàn lợn 22 con, sau hai năm, quy mô đàn của Qin tăng lên 2.000 con lợn và vượt mốc 10.000 con vào năm 1997. Đến nay, Muyuan Foodstuff trở thành nhà sản xuất thịt lợn lớn thứ hai tại Trung Quốc.
Năm 2018 được xem là cơ hội lớn cho Muyuan khi quốc gia đông dân nhất thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thịt lợn trầm trọng nhất từ trước đến nay. Dịch tả lợn châu Phi ước tính đã khiến nước này mất 100 triệu con lợn năm ngoái. Điều này khiến nguồn cung thịt lợn sụt giảm mạnh, còn giá mặt hàng này tại Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục.
Theo giới phân tích, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khi những công ty lớn như Muyuan có đủ nguồn lực để khống chế dịch bệnh.
Kết quả là giá thịt lợn tăng cao giúp những công ty lớn đạt mức lợi nhuận đột biến. Giá cổ phiếu của Muyuan Foodstuff trên sàn chứng khoán Thâm Quyến đã tăng gấp ba lần trong một năm gần đây, lên mức 82,3 nhân dân tệ.
Giới chức nước này mới đây tiếp tục cảnh báo nguồn cung thịt lợn sẽ còn đối mặt với sức ép rất lớn cho đến nửa đầu năm sau. Ước tính Trung Quốc sẽ cần thêm 10 triệu tấn thịt, khả năng sẽ phải phụ thuộc vào nguồn cung trong nước khi con số này còn lớn hơn quy mô thương mại toàn cầu về thịt lợn.
Theo VNE
-
Tin tức kinh tế ngày 14/11: Tỷ giá tăng mạnh, nhiều ngân hàng lãi lớn
-
Tin Thị trường: Bất ổn ở Trung Đông vẫn là yếu tố chính quyết định giá dầu
-
Cần những kỹ năng nào để làm việc trong môi trường đa văn hóa?
-
Adnoc gas dự báo nhu cầu khí toàn cầu tăng mạnh mẽ
-
Shell và Equinor kháng cáo các dự án dầu khí của Anh tại Biển Bắc