Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Từ MỰC đến MỨC

09:45 | 28/11/2015

|
Trên Năng lượng Mới số 474 (13-11) & 475 (17-11-2015), chúng tôi chưa nói hết ý kiến về bài "Tản mạn về nghĩa của 'mực tàu' 墨艚 qua từ điển Việt Bồ La (phần 1)" của Phan Anh Dũng - Nguyễn Cung Thông (PAD-NCT) (www.khoahocnet.com, 29-10-2015).

Học giả An Chi:  Lần này, xin nói thêm về hai ý.

I. Từ "mực viết" đến "chuẩn mực"

Tại mục 3.2 trong bài của mình, PAD-NCT viết:

"Ta có thể tìm thấy cách dùng chữ 墨 mực (viết) thông với dây đo mực 墨 (mực viết) hay mực/mức 纆 (dây đo) đã dùng tương đương trong thư tịch Hán cổ […….]". Với cái câu trên đây của PAD-NCT, dù có rành tiếng Việt đến đâu, người ta cũng phải đặt câu hỏi: "Dây đo mực là dây gì?" và "Thế nào là dây đo mực 墨 (mực viết) hay mực/mức 纆 (dây đo)?".

Bàn luận về ngôn ngữ mà hành văn như thế này thì… Thực ra, "mặc" [墨], kể cả "mặc" [纆] bộ "mịch" [糸], chỉ có nghĩa là dây nói chung, tức "sách dã" [索也], chứ không phải là dây đo. Mà nói chung thì cái công dụng chính của dây là để cột, để buộc, để trói. Với công dụng này, ta có danh ngữ "huy mặc" [徽纆], có nghĩa là thừng dùng để trói tù nhân. PAD-NCT diễn nghĩa "mặc" [墨] là "dây đo" là vì hai tác giả này đã bị chữ "độ" [度] trong Khang Hy tự điển ám ảnh như chúng tôi đã nói trong bài trước. Huống chi, người ta chỉ đo vải, đo ruộng, v.v... chứ có ai đo mực (mực viết) bao giờ. Còn trong cái đấu mực, tức "mặc đẩu", mà PAD-NCT đã gọi theo cú pháp Tàu là cái "mực tàu" (như cũng đã nói trong bài trước) thì dây lại có một công dụng đặc biệt khác hẳn. Nó được thấm mực và dùng để nảy/nẻ đường thẳng trên gỗ. Động tác nảy/nẻ này sẽ làm hằn lên trên mặt gỗ một lằn mực thẳng để thợ mộc theo đó mà cưa, xẻ cho khỏi xiên lệch. Nói một cách khác, thợ mộc sẽ lấy cái lằn mực đó làm chuẩn mà… kéo cưa lừa xẻ. Thế là ta có cái đẳng thức ngữ nghĩa "lằn mực = chuẩn [để cưa, xẻ]" và theo thời gian, chữ "lằn" cũng bị "tinh giản" để chỉ còn lại có "mực" mà thôi. Rồi khi cái nghĩa "chuẩn" đã được gắn chặt vào "mực" thì, theo quy tắc cấu tạo danh ngữ đẳng lập, "mực" cũng đã "cặp đôi" với "chuẩn" thành "chuẩn mực". Vậy "chuẩn" là một cái nghĩa phái sinh của "mực" trong nội bộ tiếng Việt, không liên quan gì với tiếng Tàu ở đây cả. Và "mực" cũng không hề có nghĩa là "dây đo" như PAD-NCT đã khéo gán ghép.

Thế còn "mực tàu" trong câu "Mực tàu có hiệu đốc thằng thẳng ngay" của Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa thì sao? Thì chúng tôi vẫn giữ ý kiến cho rằng, "mực tàu" có nghĩa là "mực Trung Hoa". Có thể là ban đầu người ta dùng mực thường cho cái đấu mực nhưng vì thứ mực thường này hay làm cho cái đường thẳng nảy/nẻ trên gỗ không sắc nét vì nhòe, lem. Để cải tiến, người ta đã dùng mực tàu là một thứ mực đậm đặc hơn và cái lằn mực thường đã trở thành "lằn mực tàu" rồi từ "lằn" cũng bị tinh giản để chỉ còn có hai tiếng "mực tàu" mà thôi. Đến đây thì "mực tàu" đã thay thế cho "mực" mà mang cái nghĩa "chuẩn" cho thợ mộc vậy.

II. "Mức" là điệp thức của "mực" PAD-NCT viết: "Mực (hay mức) có nhiều nghĩa. Mực là một biến âm của mặc HV, thường là chữ mặc bộ thổ 墨". Nhưng thực ra, ta phải nói "mặc" là biến âm của "mực" mới đúng vì chính các tác giả cũng đã khẳng định chữ "mặc" [墨] bộ "thổ" [土] thuộc thanh mẫu "minh" [明], vận mẫu "đức" [德]. Thuộc vận mẫu "đức" thì tất nhiên âm gốc phải là "mực", mà "mức" là một biến thể thanh điệu từ 6 (dấu nặng) → 5 (dấu sắc). Nhưng "mức" không có những nghĩa của "mực" (đen, tham ô, mực [viết], một hình phạt [bôi mực lên chữ thích trên mặt], đạo Mặc, một đơn vị đo lường [bằng năm thước]), như PAD-NCT đã gán ghép. Và việc chuyển biến ngữ âm của "mực" từ thanh điệu 6 (dấu nặng) sang thanh điệu 5 (dấu sắc) thành "mức" là một hiện tượng xảy ra trong nội bộ của tiếng Việt, không liên quan gì đến tiếng Hán, nghĩa là cũng chẳng liên quan gì đến loạt nghĩa của "mặc" [墨] mà PAD-NCT đã liệt kê. Cơ sở ngữ nghĩa của sự chuyển biến đó chính là cái nghĩa "chuẩn" của chữ/từ "mực" trong "chuẩn mực". "Mức" là cái chừng độ nhất định, tức cũng là một thứ chuẩn. Và tiếng Việt thì không hiếm những cặp điệp thức mà yếu tố này có thanh điệu 5 còn yếu tố kia có thanh điệu 6: cuốn [sách] – cuộn [dây]; cuống [lá] – cuộng [rau]; dáng [dấp] – [bộ] dạng; thiếp – thiệp; vết – vệt; v.v... Đây là dẫn chứng cho từ loại danh từ còn với như vị từ thì ta có hàng loạt: - bắng nhắng - bặng nhặng; cắm - cặm; cắp - cặp; chắn - chặn; chếch - chệch; [chi] chít - [chằng] chịt; [chếnh] choáng - [loạng] choạng; chớp [mắt] - chợp [mắt]; chúm - chụm; Xin tạm nói thêm như trên trong khi chờ phần 2 của PAD-NCT.

Năng lượng Mới 476