TS Nguyễn Đình Cung: Cải cách thể chế kinh tế là điều kiện tiên quyết
“Chúng ta vẫn quản lý theo tư duy cũ”
Theo ông Cung, chất lượng của thể chế và pháp luật quyết định sự thành công của một quốc gia. Nhìn lại năm 2020, ông Cung cho rằng về số lượng, các văn bản quy phạm pháp luật không có sự thay đổi nhiều, không có quá nhiều văn bản mới ra đời, cũng không có văn bản nào ra đời mà tạo ra được đột phá quá lớn.
“Xét về bản chất, số lượng văn bản không có nhiều so với trước nhưng xét về nội dung thì chưa có đột phá quá nhiều”, ông Cung nhận định.
Về mặt nội dung, ông Cung nhìn nhận các văn bản này cũng chỉ tiếp tục tinh thần cải cách của các năm trước.
“Trước đây, chúng ta đã tạo ra một môi trường kinh doanh tự do hơn, an toàn hơn bằng việc đưa ra danh mục hạn chế/cấm đầu tư kinh doanh và sau đó là cắt bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh. Nhưng bây giờ, cứ ban hành thêm luật hay nghị định là thêm điều kiện kinh doanh thì rõ ràng có cái gì đó cho thấy chúng ta vẫn tư duy và quản lý theo lối cũ, chứ chưa tiếp cận việc xây dựng pháp luật theo cách mới. Đó là cái mà tôi cho rằng cần tiếp tục khắc phục”, ông Cung nói.
Ông Cung cho rằng, nếu không thay đổi cách xây dựng pháp luật thì khi đối diện với sự phát triển của thị trường, Chính phủ sẽ phải loay hoay tìm cách quản lý và không loại trừ khả năng đặt ra những điều kiện kiểu xin - cho.
“Và như thế, chúng ta bỏ được vài nghìn điều kiện trong năm nay thì các năm sau sẽ xuất hiện vài trăm điều kiện kinh doanh khác, chúng ta sẽ không thay đổi được chất lượng của thể chế cũng như không tạo ra áp lực buộc phải thay đổi”, ông Cung cảnh báo.
Môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện nhiều hơn nữa để tạo động lực cho nền kinh tế. |
Là người gắn bó nhiều năm với môi trường kinh doanh Việt Nam, ông Cung tiếp tục đưa ra nhận định trong 5 năm qua (2016-2020), Quốc hội đã ban hành được rất nhiều luật, nhưng lại không có một đạo luật nào tạo ra thay đổi đáng kể, như một nền tảng để nhiệm kỳ sau bước lên và tạo ra cải cách tốt hơn.
Tính tới thời điểm hiện tại, lần cuối mà Quốc hội tạo ra được một nền tảng như vậy là Luật Đầu tư 2014, khi quy định doanh nghiệp được kinh doanh những gì luật không cấm, đưa ra được danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và khẳng định chỉ nghị định, pháp lệnh hoặc luật mới được quy định về điều kiện kinh doanh.
“Chính nhờ có quy định này mà Chính phủ mới có quá trình cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh tồn tại trong hàng nghìn thông tư”, ông Cung nói.
“Phải sửa Luật Đất đai ngay trong nhiệm kỳ này”
Trả lời câu hỏi làm thế nào để cải cách tiếp tục được hâm nóng trong nhiệm kỳ tới, ông Cung cho rằng trong giai đoạn 5 năm tới (2021-2025), để tạo ra sự thay đổi đáng kể, như một nền tảng, Quốc hội phải sửa đổi Luật Đất đai, vì “luật này chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn xã hội và tạo ra sự không công bằng”.
“Tôi cho rằng Luật Đất đai phải được sửa đổi ngay, phải là luật đầu tiên được sửa đổi để tạo ra đột phá trong cải cách thể chế. Nhiệm kỳ trước, đột phá cải cách thể chế đặt trọng tâm vào cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chúng ta đã làm và sẽ tiếp tục làm điều này. Nhưng tới đây, trọng tâm của cải cách thể chế phải là phát triển thị trường nhân tố sản xuất”, ông Cung nhấn mạnh.
Ông Cung cho rằng, nếu Quốc hội và Chính phủ làm tốt được cải cách này thì hiệu quả sử dụng nguồn lực sẽ được nâng lên rất nhiều.
“Khi hiệu quả sử dụng nguồn lực được cải thiện thì tăng trưởng 8-9% là chuyện bình thường chứ không phải loanh quanh 5-6% như hiện nay”, ông Cung nói.
Theo enternews.vn
-
Gỡ vướng thể chế, chính sách để thúc đẩy phát triển khu công nghiệp
-
Xây dựng thể chế mới, khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp
-
Thủ tướng yêu cầu chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược
-
Nâng cao năng lực phản ứng chính sách, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển
-
Bãi bỏ 30 văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ
-
[Infographic] Ô tô nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam
-
Qatar phải cạnh tranh với các nhà cung cấp LNG linh hoạt
-
Xem xét bỏ phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Giá vàng hôm nay (22/10): Thị trường thế giới tiếp đà leo dốc
-
Giá dầu hôm nay (22/10): Dầu thô giảm trong phiên