Trương Mỹ Lan vừa là bị cáo, vừa tư cách bị hại
17 tháng từ lúc bị bắt giam, Trương Mỹ Lan - người đứng đầu Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - "bà trùm" của các dự án bất động sản "khủng" tại TPHCM bị áp giải ra tòa để xét xử trong đại án mà bị cáo bị cáo buộc là chủ mưu, cầm đầu để rút ruột hơn 1,06 triệu tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
79 bị cáo có mặt tại phiên tòa trong tổng số 86 bị cáo bị truy tố (5 người đã bỏ trốn và 2 bị cáo vắng mặt). Hàng trăm cảnh sát được huy động đảm bảo an ninh trật tự cho phiên tòa.
Trong ngày xét xử đầu tiên, HĐXX đã hoàn thành việc thẩm tra lý lịch các bị cáo và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đại diện VKS đã công bố xong 43/160 trang cáo trạng truy tố.
Lôi kéo người thân cùng phạm tội
Trong phần thẩm tra về lý lịch, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày rõ ràng thông tin nhân thân. Người phụ nữ mặc chiếc áo sơ mi trắng, tóc uốn nhẹ buông xõa này bị cáo buộc đã được SCB "bơm" hơn 1,06 triệu tỷ đồng, qua đó chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại hàng trăm nghìn tỷ đồng cho SCB. Những con số trong vụ án khiến ai nhìn thấy cũng ít nhiều phải... dụi mắt để đọc cho đúng.
Để nắm quyền chi phối, chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của SCB, Trương Mỹ Lan đã tuyển chọn, đưa các cá nhân thân tín có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nghe theo chỉ đạo của bà vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt tại SCB (Hội đồng Quản trị, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc các chi nhánh lớn, Trưởng Ban kiểm soát). Bà Lan trả họ mức lương từ 200 đến 500 triệu đồng/tháng; tặng, thưởng tiền, cổ phần SCB, để thông qua các cá nhân này điều hành toàn bộ hoạt động của SCB…
Bị cáo Trương Huệ Vân (Ảnh: Hải Long). |
Với "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát", chồng, cháu gái của bị cáo Lan được giao giữ các chức vụ chủ chốt trong các công ty con. Trong đó, Chu Lập Cơ là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Times Square, Trương Huệ Vân giữ chức Tổng giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Winsor.
Từ đó, bị cáo Trương Mỹ Lan và "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát rút tiền của SCB thông qua các doanh nghiệp bất động sản, nhà hàng, khách sạn; các dự án, tài sản chưa đủ điều kiện pháp lý được nâng khống giá trị...
Quá trình điều tra xác định, từ năm 2020, Trương Huệ Vân đã chỉ đạo nhân viên sử dụng 52 công ty "ma" và 4 công ty hoạt động thật tạo lập 155 khoản vay khống để rút tiền khỏi SCB. Đến ngày 17/10/2022, 155 khoản vay này còn dư nợ hơn 2.800 tỷ đồng, bao gồm cả gốc và lãi.
Còn bị cáo Chu Lập Cơ bị cáo buộc giúp sức vợ khi thế chấp tài sản Công ty Times Square bảo lãnh cho 73 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB số tiền 9.116 tỷ đồng.
Bị cáo Vân cùng bà Lan và 11 bị cáo trong vụ án bị truy tố khung hình phạt lên tới tử hình.
Vì sao Nguyễn Cao Trí xin vắng mặt trong một số phiên xử
Trong đại án này, Trương Mỹ Lan không chỉ hầu tòa với tư cách bị cáo, bà còn là bị hại với hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Capella).
Bị cáo này bị VKSND Tối cao cáo buộc chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của Trương Mỹ Lan.
Bị cáo bị bắt tạm giam vào ngày 15/1/2023. Tại tòa, bị cáo Trí mặc áo sơ mi, khoác vest bên ngoài, mái tóc ông điểm bạc nhiều so với những hình ảnh trước đó, chân bước đi khó khăn.
"Gia đình tôi đã khắc phục toàn bộ thiệt hại trong vụ án. Tôi đang bị bệnh, xin phép tòa cho tôi vắng mặt ở những buổi xét xử sau. Tôi xin ủy quyền cho luật sư", bị cáo Nguyễn Cao Trí nói với HĐXX.
Bị cáo Nguyễn Cao Trí (Ảnh: Hoàng Hùng). |
Luật sư bào chữa cho bị cáo này cũng đề nghị tòa chấp thuận cho ông Trí được vắng mặt trong những ngày xét xử không liên quan tới phần hành vi của ông vì lý do sức khỏe.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Cao Trí không thừa nhận đã nhận tiền của Trương Mỹ Lan. Bị cáo cho rằng Trương Mỹ Lan vu khống, bôi nhọ danh dự của Trí. Theo VKSND Tối cao, điều này thể hiện ý thức chiếm đoạt tiền của Trương Mỹ Lan đến cùng.
Bị cáo Trương Mỹ Lan đã có đơn yêu cầu làm rõ, xử lý hành vi của Nguyễn Cao Trí chiếm đoạt tài sản của bà và thu hồi số tiền 1.000 tỷ đồng để giải quyết theo quy định pháp luật.
Luật sư được tạo điều kiện tiếp xúc các bị cáo tại tòa
Ông Phạm Lương Toản, chủ tọa phiên tòa, cho biết, tòa xét xử không theo một khuôn mẫu nào mà sẽ căn cứ vào diễn biến phiên tòa. "Tới phần trình bày của luật sư nào chúng tôi sẽ thông báo trước cho các luật sư chuẩn bị. Tất cả luật sư phải luôn luôn có mặt, nếu tự ý rời vị trí xem như từ bỏ quyền bào chữa của mình trước tòa", chủ tọa nói.
Theo dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 5/3 đến 29/4. Tuy nhiên, ông Toản cho biết, nếu xét thấy quá trình diễn biến, tranh tụng diễn ra nhanh hơn, HĐXX có thể kết thúc phiên tòa trước ngày 29/4; trường hợp có nhiều diễn biến sẽ kéo dài qua mốc thời gian dự kiến. Bên cạnh đó, nếu cần thiết HĐXX vẫn sẽ làm việc cả thứ 7 và chủ nhật. Kế hoạch sẽ được thông báo vào ngày thứ 6 mỗi tuần.
Toàn cảnh một phòng xét xử (Ảnh: Hải Long). |
Đối với ý kiến của luật sư cho rằng thời gian tiếp xúc với các bị cáo ngắn và mong muốn được tiếp cận lâu hơn, chủ tọa cho biết, quy định này nhằm đảm bảo sức khỏe cho các bị cáo.
Song, tòa cũng thông báo cho các đồng chí dẫn giải cho phép luật sư tiếp xúc bị cáo trong thời gian nghỉ giải lao để cố vấn pháp luật mà không cần sự giám sát của đại diện Bộ Công an, VKSND Tối cao.
Trong trường hợp luật sư muốn tiếp xúc thêm ngày thứ 7, chủ nhật cần làm đơn đề nghị, HĐXX sẽ xem xét.
Phiên tòa sẽ bắt đầu buổi sáng vào 8h-11h30, chiều 14h-17h30.
Theo Dân trí
Đại án Vạn Thịnh Phát: Nộp khắc phục thêm 6,2 tỷ đồng trước phiên tòa Trong giai đoạn truy tố, cơ quan chức năng đã thu giữ của các bị cáo số tiền 55,4 tỷ đồng. Trước khi phiên tòa diễn ra, người thân của 10 bị cáo đã nộp thêm gần 6,2 tỷ đồng. |
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên