Suy ngẫm từ vụ Vạn Thịnh Phát
Người ta đã tính ra rằng, số tiền mà Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã rút ra nặng tới khoảng... 68 tấn; và nếu xếp những tờ tiền 500.000 đồng nối lại với nhau thì quãng đường dài khoảng hơn 10.500km; rồi hồ sơ đưa ra xét xử vụ án nặng 6 tấn với 2.500 bút lục và triệu tập tới 3.000 người có nghĩa vụ liên quan.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, từ tháng 1/2012 - 10/2022, SCB đã giải ngân cho các công ty thuộc "hệ sinh thái" của Vạn Thịnh Phát hơn 1 triệu tỉ đồng. Trong đó, tổng dư nợ thuộc nhóm không có khả năng thu hồi lên tới hơn 667.000 tỉ đồng.
Sau khi trừ đi các tài sản đủ điều kiện trích lập dự phòng rủi ro và tiến hành xử lý tài sản bảo đảm, Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 498.000 tỉ đồng của SCB.
Thật là khủng khiếp!
Tuy nhiên, trong vụ án này, tôi thấy có 2 vấn đề rất đáng suy ngẫm.
Thứ nhất, đây là lần đầu tiên chúng ta xét xử một hành vi tham ô mà của doanh nghiệp tư nhân. Từ trước đến nay, nói đến tội danh “Tham ô tài sản” thì chủ thể phải là những người có chức có quyền, làm ở cơ quan công quyền hoặc doanh nghiệp nhà nước. Cho đến giờ này, vẫn có nhiều ý kiến tranh cãi là việc đưa Trương Mỹ Lan ra xét xử với tội danh Tham ô là không thỏa đáng.
"Tham ô tài sản" là một tội danh thuộc nhóm các tội phạm tham nhũng, đây là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý tài sản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… đã lợi dụng chính chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… mà mình có trách nhiệm quản lý.
Trước đây, theo quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì tội tham ô tài sản chỉ cấu thành khi chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn làm việc, công tác tại các cơ quan, tổ chức Nhà nước.
Nhưng Bộ luật Hình sự năm 2015 đã mở rộng phạm vi về chủ thể của tội phạm. Cụ thể, Điều 353, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “Tham ô tài sản” đã bổ sung quy định khoản 6 “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này”. Theo đó, chủ thể của tội phạm này đã được mở rộng hơn so với trước đây bao gồm cả người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước.
Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố 3 tội danh là “Đưa hối lộ”, “Tham ô tài sản” và “Vi phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Có thể thấy, kể từ khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, đây là lần đầu tiên cơ quan điều tra đã khởi tố, điều tra tội tham ô tài sản ngay cả đối tượng là chủ doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Tại SCB, dù không trực tiếp giữ chức vụ trong ban lãnh đạo, nhưng với việc sở hữu hơn 90% cổ phần, bà Lan nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng này, bao gồm việc tuyển dụng cả nhân sự cấp cao, biến SCB trở thành công cụ tài chính để bị can tổ chức huy động tiền gửi.
Từ năm 2012 - 2022, SCB cho vay, giải ngân cho 1.366 khách hàng (710 cá nhân và 656 tổ chức); riêng nhóm của bà Lan có hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỉ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay. Phần lớn các khoản nợ đều thuộc diện không có khả năng thu hồi.
Để có thể huy động số tiền lớn như vậy, bà Lan chỉ đạo cấp dưới là lãnh đạo SCB phối hợp cùng đơn vị thẩm định giá tạo lập khách hàng vay vốn khống, nhờ người đứng tên tài sản, tạo hồ sơ khống; có những khoản vay "lấy tiền trước, hợp thức hóa hợp đồng sau".
Một thủ đoạn khác được sử dụng, đó là các bị can lập hàng ngàn pháp nhân, thuê hàng ngàn cá nhân làm đại diện, đứng tên trên hồ sơ vay vốn. Mục đích của hành vi này nhằm tránh tình trạng khi kiểm tra trên ứng dụng CIC sẽ hiện ra dư nợ tín dụng lớn khiến không thể giải ngân.
Tiếp đó, để hợp thức hóa việc rút tiền và tránh bị truy vết theo dòng tiền, bà Lan chỉ đạo cán bộ tại SCB chuyển tiền giải ngân vào các công ty "ma" thuộc "hệ sinh thái", rồi mới rút tiền mặt, cắt đứt dòng tiền. Khi đến hạn không trả được nợ, bà Lan tiếp tục vẽ ra các khoản vay khống, số tiền chiếm đoạt theo đó mà tăng theo cấp số cộng.
Ngoài ra, từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2017, với thủ đoạn tương tự, bà Lan chỉ đạo các thuộc cấp để SCB giải ngân 368 khoản vay khác, gây thiệt hại hơn 64.000 tỉ đồng. Nhưng vì thời điểm này bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 chưa quy định về hành vi tham ô trong lĩnh vực tư nhân, nên bà Lan bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Thứ hai, cho đến giờ dư luận vẫn cực kỳ thắc mắc là tại sao Trương Mỹ Lan, trong khoảng thời gian hơn 10 năm, đã rút được số tiền gần 1 triệu tỉ; rồi thông qua một “hệ sinh thái” gồm 1.000 công ty con để chuyển tiền ra nước ngoài, rồi từ đó tiền lại quay trở về để đầu tư trong nước.
Và làm sao Trương Mỹ Lan lại có thể rút được số tiền khổng lồ như vậy mà qua mặt được các cơ quan chức năng?
Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ nó đã chứng minh rõ ràng một điều, các hoạt động giám sát hoạt động của ngân hàng đang có rất nhiều vấn đề. Tất nhiên, người ta có thể giải thích rằng, Trương Mỹ Lan đã “mua” được các cán bộ có chức năng giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM. Điều này thì không sai, nhưng vậy các cơ quan có chức năng nghiệp vụ điều tra, đấu tranh phòng chống tội phạm kinh tế... đã làm gì trong suốt thời gian qua?
Việc phá vụ án Vạn Thịnh Phát đã chứng tỏ một quyết tâm sắt đá của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an và cũng phải rất biểu dương các cơ quan điều tra chỉ trong hơn 1 năm đã hoàn tất điều tra giai đoạn 1 của vụ án với khối lượng công việc cực kỳ khổng lồ và dĩ nhiên là chịu không ít áp lực.
Nhưng rõ ràng, chúng ta không thể không đặt vấn đề về công tác phòng chống tội phạm kinh tế của các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động của Vạn Thịnh Phát.
Lại cũng được biết, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần đề xuất đưa SCB vào diện “giám sát đặc biệt” nhưng cấp trên, với lý do “nếu đưa vào “giám sát đặc biệt” thì SCB sẽ bị đình trệ việc kinh doanh tiền tệ, điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, gây cản trở sự phát triển của doanh nghiệp...”. Thế là, ngân hàng SCB không bị đưa vào “giám sát đặc biệt”.
Vậy “giám sát đặc biệt” là thế nào? Nói một cách ngắn gọn là tất cả các khoản chi tiêu của ngân hàng đều nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Các khoản chi tiêu từ 50 triệu trở lên đều phải được báo cáo; và nếu như thực hiện nghiêm được việc này thì chắc chắn Trương Mỹ Lan không thể rút tiền ra để đưa cho 1.000 công ty con rồi từ đó chuyển ra nước ngoài bằng con đường cho nhân viên mang USD sang Hồng Kông. Trong nhiều năm, họ cứ “kẽo kẹt” vận chuyển hàng trăm ngàn tỷ đồng sang Hồng Kông, rồi từ đó lại lộn về Việt Nam...
Rõ ràng, để Vạn Thịnh Phát hoạt động được cho đến khi bị “bóc” ra, cần phải làm rõ lý do tại sao không đưa SCB vào diện “giám sát đặc biệt” từ năm 2017 và trước đó?
Cũng cần phải làm rõ, cơ quan có trách nhiệm phòng chống tội phạm kinh tế đã làm hết trách nhiệm chưa, khi để Trương Mỹ Lan hoạt động một thời gian dài như vậy. Dĩ nhiên, công an không phải là cơ quan có trách nhiệm quản lý tiền bạc; nhưng với chức năng nhiệm vụ của mình thì các cơ quan nghiệp vụ phải biết được là doanh nghiệp hoặc doanh nhân đó đang làm gì; việc làm của họ có vi phạm pháp luật không... từ đó đề xuất những biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời. Thế mới gọi là “phòng chống” trước khi “triệt phá”.
Vụ án Vạn Thịnh Phát đã gây thiệt hại khủng khiếp về kinh tế đã đành, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào việc quản lý yếu kém của các cơ quan có trách nhiệm. Dư luận cũng mong mỏi qua xét xử lần này và việc điều tra giai đoạn 2, sẽ tìm cho ra được: Ai là người sẽ phải chịu trách nhiệm lớn nhất khi để cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện các hành vi phạm tội trong thời gian dài như vậy?
N.N.P
Bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo bỏ 5 triệu USD vào 3 thùng xốp mang đi "biếu" | |
80 bị cáo ăn năn hối cải, trừ Trương Mỹ Lan | |
Trương Mỹ Lan vừa là bị cáo, vừa tư cách bị hại |
-
Nông dân sẽ có lợi ích lâu dài khi doanh nghiệp phân bón phát triển ổn định
-
Chuyên gia thuế chỉ cách đo lường tác động áp 5% thuế GTGT đối với phân bón
-
Người nông dân có đủ cơ sở để hưởng lợi từ chính sách thuế GTGT phân bón 5%
-
Bị hoãn giao máy bay, Emirates “đàm phán nghiêm túc” với Boeing
-
Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là bao nhiêu?