Trung Quốc đang được “chấm điểm” như thế nào?
Không có chính sách đối ngoại rõ ràng
Uông Tranh (Zheng Wang), giáo sư chính sách và quan hệ quốc tế thuộc Đại học Seton, trong bài viết trên New York Times (18/3/2013), đã cho rằng không ai trong Bộ Chính trị, kể cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, là thật sự có kinh nghiệm trên sân khấu đối ngoại. Bắc Kinh không có một chính sách rõ ràng và hoàn chỉnh đối với nhiều vấn đề, từ tranh chấp biển đảo, CHDCND Triều Tiên đến biến đổi khí hậu. Việc thường sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ thật ra là cách họ giúp tự che giấu những khiếm khuyết trong đường lối chính sách yếu đuối và không nhất quán.
Giới tinh hoa chính trị Trung Quốc đang đối mặt một xung đột lớn giữa chính trị đối nội và chính sách đối ngoại. Một mặt, ban lãnh đạo nước này cho phép chủ nghĩa ái quốc bùng nổ, một cách có chiến lược, nhằm phục vụ nhu cầu đối nội để tăng tính chính thống và sự gắn kết nội tại. Mặt khác, chủ nghĩa ái quốc quá khích có khuynh hướng bành trướng và thể hiện tính chất thô bạo lại khiến Trung Quốc khó khăn trong việc xử lý những vấn đề đối ngoại một cách hợp tác và chuyên nghiệp. Trung Quốc hiện vẫn lệ thuộc rất nhiều vào thị trường, nguồn tài nguyên, đầu tư và kỹ thuật toàn cầu. Một con đường cứng rắn chứa đầy yếu tố ái quốc chủ nghĩa cuối cùng sẽ mang lại nhiều xung đột mâu thuẫn cũng như đối đầu trực diện với các nước láng giềng, thậm chí dẫn đến chiến tranh...
Công cuộc xây dựng quyền lực mềm Trung Quốc gần như hoàn toàn phá sản khi họ liên tiếp thực hiện những cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ như thế này tại Biển Đông
Vẫn chỉ là một anh hạng hai!?
Trong bài viết trên Foreign Policy (28/3/2013), Geoff Dyer, nguyên Chánh văn phòng Bắc Kinh tờ Financial Times, nhận định rằng, quãng thời gian năm năm kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu với sự suy yếu của Mỹ đã không được Trung Quốc tận dụng tốt để dẫn họ đến một kỷ nguyên tạo ra ảnh hưởng thật sự, bởi loạt sai lầm xảy chân, khiến họ tiếp tục chỉ là anh hạng hai. Cho dù thậm chí vượt mặt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc vẫn không thể loại Washington khỏi vị trí trung tâm trên các vấn đề toàn cầu trong nhiều thập niên. Việc Trung Quốc liên tiếp đòi “chủ quyền” tại biển Đông chẳng khác nào họ đang gieo những “mầm hạt của một thất bại chiến lược”.
Trong khi đó, Trung Quốc đang bị bao vây bởi loạt quốc gia năng động với nền kinh tế phát triển nhanh, từ Hàn Quốc, Ấn Độ đến Việt Nam - những nước mà họ cũng tin rằng thời này là thời của mình. Với Nhật, dù sau hai thập niên kinh tế đình trệ, vẫn là một trong những nước có lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới. Vài năm qua đã cho thấy rằng những nước này không hề có ý muốn trở lại một châu Á với Trung Quốc là trung tâm. Gần như tất cả láng giềng Trung Quốc bây giờ đều tỏ ra cực kỳ lo ngại trước chủ nghĩa bành trướng quyền lực của Bắc Kinh. Họ vẫn muốn giao dịch thương mại với Trung Quốc nhưng họ cùng lúc cũng muốn được bảo vệ khỏi cái lối khiêu khích quấy nhiễu của Bắc Kinh.
Thay vì loại trừ được ảnh hưởng Mỹ khỏi khu vực, kết quả, sự hung hãn của Trung Quốc càng đẩy nhanh hầu hết các nước khu vực đến gần hơn với quỹ đạo Washington. Ấy vậy, Trung Quốc cứ như anh điếc trước những căng thẳng mà họ đang tạo ra. Họ không nhìn lại mình và thay vào đó là trách Mỹ đồng thời lên án sự “đội mồ sống dậy” của “chủ nghĩa quân phiệt Nhật”. Giới lãnh đạo Trung Quốc phải nên tự hỏi: rằng, tại sao mọi láng giềng châu Á, trừ Kim Jong-un, lại tỏ ra nhiệt tình với chính sách cắm cọc châu Á của Mỹ đến như thế?
Trên mặt trận kinh tế, Bắc Kinh đang nhắm đến mục tiêu hạ bệ một trụ cột của quyền lực Mỹ: sự thống trị của đồng đôla. Họ đang tính toán một kế hoạch lâu dài đầy tham vọng: biến đồng nhân dân tệ thành một trong những đơn vị tiền tệ quốc tế. Tuy nhiên, họ cùng lúc lại chẳng có chọn lựa nào khác hơn là vẫn tiếp tục mua nợ Mỹ, đơn giản bởi thị trường trái phiếu của Bộ tài chính Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất và có tính thanh khoản cao nhất thế giới. Đơn vị tiền tệ Trung Quốc rồi sẽ đóng vai trò lớn hơn trong hệ thống tài chính quốc tế, tương tự đồng yên và euro, nhưng hất đổ vị trí đồng đôla lại là chuyện khác.
Cuối cùng, ở mặt trận quyền lực mềm, dù đã mở hàng trăm viện Khổng Tử khắp thế giới và chi hàng tỉ đôla cho các chi nhánh truyền thông ở nước ngoài nhưng đến nay kết quả vẫn là zero. Văn hóa là gieo cấy, là ươm mầm, là quảng bá điều hay ý đẹp, là giới thiệu đất nước văn minh... Với Trung Quốc, nước duy nhất thế giới luôn được gắn liên tiếp các “huy chương vàng” cho vô số thành tích tệ hại, từ ô nhiễm môi trường, buôn gian bán lận, ăn cắp như rươi, đến tham nhũng như dịch…, làm thế nào họ có thể xây dựng được một quyền lực mềm đủ sức tạo ảnh hưởng và lôi kéo thế giới theo họ?
Dứt tình với Trung Quốc!
David Shambaugh, Giáo sư chính trị thế giới Đại học George Washington đã đặt tít bài viết của mình trên New York Times (18/3/2013) là: “Dứt tình với Trung Quốc”. Dẫn lại các kết quả khảo sát từ Pew Research và BBC, giáo sư Shambaugh cho biết, những đánh giá tiêu cực về Trung Quốc ngày càng tăng dần. Trong gần một thập niên, dư luận châu Âu luôn nhìn về Trung Quốc với một ánh mắt tiêu cực nhất thế giới và “thang điểm” này cũng bắt đầu được chấm tương tự ở châu Mỹ và châu Á.
Theo giáo sư Shambaugh, hình ảnh Trung Quốc cũng đang được nhìn ngày càng méo mó ở Trung Đông lẫn châu Phi – nơi đại gia Trung Quốc bung ra hàng tỉ đôla để đổi lấy “chữ tình”. Lý do chính vẫn là cái lối hống hách xem trời bằng vung của họ. Và bởi bị ngập trong tai tiếng nên dù mở rộng hoạt động ở phạm vi toàn cầu nhưng các tập đoàn đa quốc gia Trung Quốc vẫn không thiết lập được uy tín và chiếm được thị phần thế giới. Trong danh sách mới nhất xếp hạng 100 tập đoàn đáng nể trọng toàn cầu công bố hàng năm do Businessweek/Interbrand thực hiện, Trung Quốc không hề có một tập đoàn nào! Việc nảy sinh nghi ngờ và cọ xát luôn là một phần đối với một quốc gia đang trở thành sức mạnh toàn cầu, tuy nhiên, Trung Quốc nên lắng nghe những lời chỉ trích hơn là phủi tay phủ nhận hoặc phản ứng bằng những “chiến dịch PR” không thuyết phục…
Về chính sách đối ngoại, Trung Quốc nên tham gia trực tiếp các cuộc đàm phán đa phương theo Công ước LHQ về luật biển để giải quyết các vụ tranh chấp ở biển Đông; thương lượng với Nhật về các đảo tranh chấp; gây sức ép với Bắc Triều Tiên và Iran để chấm dứt chương trình hạt nhân. Trung Quốc cũng cần minh bạch trong các chương trình viện trợ nước ngoài lẫn ngân sách quốc phòng, và nên tôn trọng những yếu tố nhạy cảm tại các nước đang phát triển quanh vấn đề khai thác nguồn tài nguyên. Thực hiện những bước này sẽ giúp Trung Quốc tiến xa hơn trong việc xây dựng hình ảnh quốc tế, hơn là bơm hàng tỉ đôla cho các nỗ lực tuyên truyền ở nước ngoài.
Ngọc Trí
-
Thăm dò dầu khí của Petronas ở Biển Đông: Những thách thức về địa chính trị và năng lượng
-
Khi nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc chạm đỉnh: Thị trường thế giới sẽ ra sao?
-
Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc không còn nhập khẩu dầu Iran?
-
Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế về biển vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở Biển Đông
-
Trung Quốc “kiềm chế” mua vàng tháng thứ năm liên tiếp
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga
-
Olympic Paris 2024: Chiến dịch marketing đột phá cho kỷ nguyên mới
-
Tập đoàn RAND: “Cỗ máy tư duy” hàng đầu của giới cầm quyền Mỹ