Trung Quốc cấm nhập nhựa phế liệu, Việt Nam ôm thêm cả nghìn tấn
Thời gian qua, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng tăng mạnh, diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm ảnh hưởng môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận.
Theo đó, trong quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát hàng hóa, điều tra xác minh đã phát hiện doanh nghiệp thực hiện một số phương thức, thủ đoạn gian lận trong nhập khẩu phế liệu như làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu phế liệu, khai sai tên hàng, mã số hàng hóa.
Phế liệu nhập khẩu tại cảng (Ảnh minh hoạ) |
Có doanh nghiệp chủ động lấy mẫu giám định để sử dụng kết quả giám định hợp thức hóa, chứng minh hàng hóa nhập khẩu không phải phế liệu để khi nhập khẩu không chịu các chính sách quản lý đối với phế liệu hoặc nhập khẩu các lô hàng rác thải về Việt Nam sau đó từ chối nhận hàng, để tồn đọng tại cảng biển Việt Nam nhằm thu lợi từ các đối tượng ở nước ngoài (qua việc sử dụng Việt Nam làm nơi chứa rác thải).
Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, tổng số lượng phế liệu Việt Nam nhập khẩu năm 2018 là 9.254.300 tấn, tăng hơn 1.308.100 tấn so với năm 2017 là 7.946.200 tấn. Nhưng riêng đối với mặt hàng phế liệu nhựa, khi Trung Quốc có chủ trương cấm nhập khẩu nhiều chủng loại có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, thì lượng phế liệu nhựa nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm 2018.
Phải đến tháng 7/2018, khi Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; kết hợp với các biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng vẫn còn trên tàu. Đặc biệt, không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu thì các doanh nghiệp đã chủ động chỉ nhập khẩu vào Việt Nam các lô hàng phế liệu đáp ứng các điều kiện quy định của pháp luật.
Từ đó, không còn xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân vận chuyển chất thải, phế liệu không đáp ứng các quy định của pháp luật vào lãnh thổ Việt Nam sau đó từ bỏ, gây tồn đọng tại cảng biển như những tháng nửa đầu năm 2018. Việc này cho thấy hiệu quả các biện pháp ngăn chặn chất thải, phế liệu không đáp ứng các điều kiện quy định vào Việt Nam của cơ quan hải quan.
Cho đến thời điểm này, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan thì trung bình mỗi tuần (07 ngày) có hơn 2.000 container phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời cũng có hơn 2.000 container được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan.
Tuy nhiên, bắt đầu từ 01/01/2019, Trung Quốc tiếp tục bổ sung thêm 8 loại phế liệu không được phép nhập khẩu (tăng từ 24 lên 32 loại so với năm 2018). Malaysia gần như cắt giảm hầu hết danh mục phế liệu được phép nhập khẩu vào quốc gia này.
Do chính sách cấm nhập khẩu của các nước xung quanh khu vực trước đây đứng đầu về danh sách nhập khẩu phế liệu nhiều nhất thế giới có sự thay đổi lớn vào đầu năm 2019.
Do đó, trong năm 2019, phế liệu có thể sẽ tiếp tục dịch chuyển mạnh vào Việt Nam làm gia tăng lượng phế liệu nhập khẩu. Đồng thời, xuất hiện các dấu hiệu, thủ đoạn buôn lậu qua đường bộ.
Trước tình hình đó, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các cửa khẩu cần triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để kiểm soát phế liệu một cách hiệu quả, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận, tiếp tay cho rác thải vào Việt Nam.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên