Triển vọng phát triển công nghiệp dầu khí tại Afghanistan
Trong hơn 20 năm đầu thế kỷ XXI, Afghanistan đã bị coi là “hố đen” đối với bất kỳ dự án năng lượng nào, bao gồm cả các dự án khai thác và vận chuyển. Mặc dù vào những năm 70 của thế kỷ XX, quốc gia này thậm chí đã xuất khẩu cả khí đốt sang Liên Xô. Sự ra đi của quân đội Mỹ và sự thay đổi chính quyền trong nước đã dấy lên hy vọng về sự hồi sinh của ngành dầu khí Afghanistan.
Trong những điều kiện chính trị mới sau khi Mỹ rời Afghanistan, dự án đường ống dẫn khí đốt xuyên quốc gia Turkmenistan - Afghanistan- Pakistan - Ấn Độ (TAPI) đã được nhắc đến. Đại diện của chính phủ Afghanistan Suheil Shabin đã nhanh chóng thông báo, ban lãnh đạo mới của đất nước sẽ tham gia vào dự án này. Phía Pakistan cũng lên tiếng ủng hộ nước láng giềng khi Bộ trưởng ngoại giao Pakistan Shah Mahmoud Kureishi nhấn mạnh lợi ích của TAPI đối với Pakistan, đồng thời tính toán rằng, Afghanistan sẽ nhận được khoản thu 1 tỷ USD/năm từ việc quá cảnh khí đốt và dự án sẽ góp phần tạo ra 2000 việc làm mới cho người dân Afghanistan. Phía Turkmenistan có lẽ là bên tích cực nhất ủng hộ dự án TAPI. Tổng thống Gurganguly Berdimuhamedov thông báo rằng, TAPI sẽ thúc đẩy xây dựng đường dây truyền tải điện và cáp quang, cũng như xây dựng tuyến đường sắt giữa Turkmenistan và Afghanistan. Mỏ khí đốt lớn nhất của Turkmenistan là Galkynysh sẽ trở thành cơ sở tài nguyên chính của TAPI. Cần lưu ý thêm rằng, công ty dầu khí CNPC Chuanqing Drilling Engineering (Trung Quốc) đã tham gia phát triển mỏ khí này với điều kiện Turkmenistan cung cấp khí đốt cho Trung Quốc trong thời gian ba năm. Do đó, nguồn cung khí từ mỏ Galkynysh hầu như chắc chắn sẽ đến thị trường Trung Quốc.
Phó giáo sư xã hội học tại Học viện kinh tế quốc dân và hành chính công LB Nga (RANEPA) Sergei Demidenko cho biết, việc thực hiện dự án TAPI không liên quan đến tình hình chính trị nội bộ ở Afghanistan. Tất cả các công ty đã kiểm toán độc lập về trữ lượng khí đốt của Turkmenistan cho rằng, nguồn khí đốt của nước này chỉ có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Có nghĩa là, trữ lượng khí đốt thực tế của quốc gia này “khiêm tốn hơn nhiều” so với những tuyên bố của lãnh đạo đất nước. Hơn nữa, một số suy đoán về ý đồ của giới lãnh đạo Turkmenistan đã xuất hiện và cho rằng TAPI là dự án năng lượng “trống rỗng”, mang tính chính trị và tuyên truyền nhiều hơn là năng lượng. Ban đầu, dự án này được khởi xướng bởi Mỹ để phản đối dự án xuất khẩu khí đốt Iran sang Ấn Độ. Sau đó, câu chuyện về dự án chỉ đơn giản là sự thêu dệt của giới truyền thông.
TAPI không phải là dự án dầu khí duy nhất trên lãnh thổ Afghanistan. Ngoài cơ hội trung chuyển, quốc gia này cũng được biết đến với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú như dầu thô, khí đốt, than đá và đất hiếm. Trong những năm gần đây, việc đánh giá tiềm năng khoáng sản lòng đất ở Afghanistan do Mỹ thực hiện trên cơ sở dữ liệu địa chất của Liên Xô để lại. Họ tính toán rằng, trữ lượng dầu và khí đã được chứng minh tại Afghanistan lên tới 200 triệu tấn và 137 tỷ m3. Trữ lượng than đá cũng được dự báo đạt 100 triệu tấn. Ngoài ra, lãnh thổ nước này cũng được đánh giá là giàu quặng sắt, coban, vàng, bạc, molypden và nhôm.
Trong hai thập kỷ đầu thế kỷ XXI với sự hiện diện của quân đội Mỹ, không một doanh nghiệp phương Tây nào khai thác được nguồn khoáng sản của Afghanistan. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc lại rất mong muốn làm điều này. Năm 2007, công ty khai khoáng Jiangxi Copper và tập đoàn nhà nước Metallurgical Group đã thông báo đầu tư khoảng 3 tỷ USD vào phát triển mỏ đồng Aynak. Sau đó, CNPC đã nhận được giấy phép thăm dò các mỏ dầu khí tại Afghanistan. Tuy nhiên, tập đoàn này đã không bắt đầu hoạt động dầu khí vì không thể khắc phục các vấn đề thiếu hụt cơ sở hạ tầng và an ninh.
Trong thời gian gần đây, các công ty nước ngoài đang quan tâm đến trữ lượng lithium, tập trung ở Afghanistan, có tiềm năng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất vi mạch điện thoại di động, bảng điều khiển điện tử và các thiết bị khác. Riêng trữ lượng lithium được phát hiện tại tỉnh Ghazni được đánh giá là vượt qua Bolivia - quốc gia đứng đầu thế giới về trữ lượng lithium. Theo dự báo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu lithium cùng với đất hiếm toàn cầu đến năm 2040 sẽ tăng gấp 40 lần. Điều này khiến nhiều công ty sẵn sàng chấp nhận rủi ro để bước chân vào thị trường Afghanistan.
Ngoài ra, phía Trung Quốc đang tái khởi động siêu dự án “Vành đai, Con đường” sau đại dịch Covid-19. Dự án sẽ bao gồm tuyến đường sắt từ Trung Quốc qua Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan đến Iran và Iraq. Theo Financial Times, các quan chức Trung Quốc đã hội đàm về dự án đường sắt này với các thủ lĩnh Taliban vào đầu tháng 7/2021. Tại cuộc hội đàm, phía Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng cho sự thay đổi quyền lực ở Afghanistan và rất có thể đang tích cực đàm phán về phát triển các mỏ khoáng sản với chính quyền mới của Taliban.
Nhiều nhà kinh tế và chính trị học của Nga không tin vào phép màu kinh tế đến với Afghanistan, ngay cả khi dự án TAPI hay khai thác Lithium được triển khai. Nhà kinh tế học thuộc Hiệp hội các nhà phân tích tài chính và quản trị rủi ro Alexander Razuvaev cho rằng, nền kinh tế của Taliban có mức độ rủi ro quá lớn về an ninh và xã hội. Sẽ không thể xuất hiện một hình mẫu KSA thứ hai tại quốc gia này. Sự thịnh vượng về kinh tế của KSA là do đội ngũ chuyên gia nước ngoài làm việc tích cực tại vương quốc này và họ ủng hộ nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, Mỹ cần một nhà cung cấp dầu đáng tin cậy như KSA, không phải là Afghanistan.
Một số chuyên gia Nga nhận định, sự phát triển khai thác dầu khí, lithium quy mô lớn đòi hỏi nguồn lực tài chính và sản xuất đáng kể vào Afghanistan. Điều này chỉ có thể xảy ra trong điều kiện an toàn về chính trị, xã hội. Câu hỏi đặt ra là liệu Taliban có thể đảm bảo an ninh trật tự hay không.
Mặc dù những người lãnh đạo của Taliban đã trưởng thành hơn và hiểu vấn đề rằng, phong trào này cần một nền kinh tế. Do đó sẽ có những sự thay đổi trong thu nhập tài chính của tổ chức này. Nguồn thu tài chính bên ngoài chiếm ⅓ tổng thu nhập của Taliban. Bên cạnh đó là nguồn thuế từ bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, bao gồm cả ma túy. Mặc dù lực lượng này phản đối hoạt động ma túy nhưng nguồn thu từ sản xuất và buôn bán ma túy vẫn chiếm 10% tổng thu nhập của Taliban. Ngoài ra còn có nguồn thu thuế xuất nhập khẩu và thuế đối với các dự án phát triển của Mỹ.
Giám đốc Viện các vấn đề khu vực, trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga Zhuravlev cho biết, các dự án năng lượng ở Afghanistan đã không thể triển khai trong thời kỳ Mỹ cai quản đất nước này. Mỹ thực sự muốn ổn định tình hình Afghanistan thông qua việc bơm tiền nhưng điều đó không hiệu quả. Quân đội Mỹ, các công ty quân sự, an ninh tư nhân hoạt động tích cực trên lãnh thổ Afghanistan, nhưng không chịu trách nhiệm bảo vệ các dự án năng lượng.
Mới đây, phong trào Taliban đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ Afghanistan về kinh tế, giáo dục và y tế. Đại diện của Taliban Zabihullah Mujahid cho biết, Taliban cần khôi phục nền kinh tế của Afghanistan và để làm được điều này, họ cần các chuyên gia và những người có chuyên môn cùng với chính phủ mới xây dựng một lộ trình phục hồi kinh tế phù hợp và tạo môi trường thu hút đầu tư nước ngoài.
Tiến Thắng
-
Kỳ I: Giả thuyết về sự tồn tại của lượng tử không - thời gian và Thuyết siêu liên kết
-
Trái phiếu thảm họa - phao cứu sinh cho Philippines
-
Chuyện ít biết về Pavel Durov - “thần đồng Internet” của Nga
-
Olympic Paris 2024: Chiến dịch marketing đột phá cho kỷ nguyên mới
-
Tập đoàn RAND: “Cỗ máy tư duy” hàng đầu của giới cầm quyền Mỹ