Triển lãm quốc tế công nghiệp cao su đầu tiên ở nước ta
Triển lãm dự kiến sẽ thu hút hơn 100 doanh nghiệp, trưng bày khoảng 1.000 chủng loại sản phẩm khác nhau của ngành công nghiệp cao su và vỏ ruột xe. Bên cạnh đó, triển lãm còn giới thiệu những dịch vụ, nguyên liệu, công nghệ mới nhất về ngành công nghiệp cao su, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp tham gia có điều kiện giao thương, mở rộng thị trường.
Các sản phẩm vỏ ruột xe và cao su sẽ được trưng bày tại triển lãm như: Các loại vỏ ruột xe, miếng vá, cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp, cao su tái chế, chất phụ gia, vật liệu gia cố, ống cao su, linh kiện cao su… Đến nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Thái Lan,… đã đăng ký gian hàng triển lãm.
Các loại lốp xe tải ở nước ta phần lớn phải nhập khẩu
Hiện nay, Việt Nam là nước đứng thứ 5 thế giới về sản lượng và đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu cao su thiên nhiên. Sản lượng cao su thiên nhiên hiện nay đạt hơn 800.000 tấn/năm, trong đó lượng tiêu thụ trong nước rất nhỏ khoảng 150.000 tấn/năm, còn lại chủ yếu để xuất khẩu.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP HCM cho biết: Hiện nay, 70% lượng cao su thiên nhiên tiêu thụ trong nước phục vụ cho ngành công nghiệp làm lốp xe, còn lại được sử dụng để sản xuất găng tay, linh kiện cao su, thảm, nệm gối, vật tư y tế… Ngành công nghiệp lốp Việt Nam mới bắt đầu từ năm 1960, còn rất non trẻ. Tuy hiện nay, lốp xe máy hai bánh, xe đạp sản xuất trong nước đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường nhưng lốp xe tải, xe buýt sản xuất được rất ít, đa phần còn phải nhập khẩu.
Phát triển ngành công nghiệp chế biến cao su sẽ góp phần tăng giá trị gia tăng của sản phẩm này. Do đó, ngành công nghiệp sản xuất và gia công vỏ ruột cao su ở nước ta đang trở thành phương hướng trọng điểm phát triển của ngành cao su trong tương lai.
Theo bà Trần Thị Thúy Hoa – Chánh văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam, mục tiêu của Chính phủ là phát triển ổn định 800.000 ha cao su vào năm 2015 và đạt 1,2 triệu tấn cao su thiên nhiên vào năm 2012, đưa tỷ trọng cao su tiêu thụ trong nước lên hơn 30% để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến cao su trong nước phát triển. Tuy nhiên, đến năm 2011, diện tích cao su của nước ta đã đạt hơn 800.000 ha cao su, dự kiến diện tích có thể đạt 900.000 – 1 triệu ha, đưa sản lượng lên từ 1,4 – 1,6 triệu tấn/năm.
Trong năm 2013, giá cao su khó có thể cao như mức của năm 2011 nhưng có thể giữ mức hợp lý cho người sản xuất và người tiêu thụ nhờ sự hợp tác giữa các nước sản xuất cao su. Mức giá hiện nay là 3.000USD/tấn, được đánh giá là mức giá có lợi cho người trồng cao su và người tiêu thụ.
Mai Phương
-
Tin tức kinh tế ngày 22/10: Nhập khẩu sắt thép của Việt Nam tăng mạnh
-
[Infographic] Ô tô nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam
-
Qatar phải cạnh tranh với các nhà cung cấp LNG linh hoạt
-
Xem xét bỏ phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Giá vàng hôm nay (22/10): Thị trường thế giới tiếp đà leo dốc